Nhà mới của nội

Chia sẻ

Tôi chưa từng nghĩ ông nội mình đã già như thế, cho tới ngày ông nội gọi điện cho tôi, nói: “Cháu à, cháu bố trí cuối tuần này đi với ông nhé. Ông cần cháu cùng ông lo một việc lớn. Cháu cố gắng đến sớm”.

Việc lớn là gì thì ông không nói qua điện thoại. Tôi hứa với ông cuối tuần về đưa ông đi. Ông nội tôi có 6 người cháu nội ngoại. Tôi là cháu đầu tiên, lớn nhất của ông. Kể từ khi tôi tốt nghiệp đại học, ra trường, ông nội luôn coi tôi là một người trưởng thành thực thụ. Mỗi khi nhà bàn bạc việc gì, ông nội đều gọi tôi đến, cùng ngồi nghe với các cô, chú. Lần này là việc của cá nhân, ông cũng nhớ đến tôi.

Chủ nhật, tôi đến nhà ông nội thật sớm thì ông đã quần áo chỉnh tề. Sau đó, ông đội mũ bảo hiểm, bảo tôi đèo ông đi. “Mình đi hơi xa một chút cháu ạ”. Tôi nói vậy thì muốn gọi xe taxi để hai ông cháu đi nhưng ông bảo ông vẫn khỏe, vẫn còn ngồi được xe máy. Ông thích được ngồi sau tay lái của cháu nội ông.

Trên đường đi, ông mới nói tôi đèo ông đến công viên nghĩa trang. Ông muốn đi tìm cho mình một “ngôi nhà mới”, nơi sẽ đón ông khi ông qua đời. Tôi khựng lại, táp xe vào vỉa hè, thảng thốt: “Ông ơi, cháu nghĩ hãy còn quá sớm để lo việc này. Cháu không muốn ông đi tìm mộ đâu. Cháu thấy giờ không thích hợp”.

Ông nội nắm lấy bàn tay tôi, lắc mạnh: “Không sớm đâu cháu. Ông năm nay đã ngoài 80 tuổi rồi. Đã đến lúc, cả ông và gia đình mình sẽ phải nghĩ tới ngày ông không còn trên cõi đời này nữa. Và ông muốn chủ động đón nhận việc đó. Ông muốn chọn nhà mới cho mình”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi không thể phủ nhận lời ông nói vì sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người. Ai rồi cũng có lúc phải lìa xa cõi tạm. Nhưng, chưa bao giờ tôi hình dung sẽ có ngày tôi đi chọn mộ phần cho ông của mình.

Cuối cùng, sau một buổi sáng, ông đã tìm được một ngôi nhà mới cho chính mình. “Nhà” nằm trên một quả đồi, quay về hướng Tây. Ông tham khảo ý kiến của tôi thấy nhà mới của ông như thế nào? Liệu ông nằm ở đây có được không? Khi tôi đồng ý thì ông vui lắm, nói là mình đã có thể yên tâm rồi. Rồi ông đưa cho tôi một bài thơ do ông tự làm, nói về tình yêu của ông với cuộc đời. Ông dặn tôi khi ông qua đời, hãy khắc bài thơ này lên bia mộ cho ông.

Trên đường về hôm đó, lòng tôi chộn rộn nhiều cảm xúc lẫn lộn. Ông tôi ngồi sau xe máy, nhỏ thó, đưa hai tay gầy guộc quàng chặt bụng tôi. Tôi bỗng nhớ lúc mình còn nhỏ, ông đã dắt tôi đi những bước đi đầu tiên. Suốt những năm tháng tôi học phổ thông, ông lại đưa đón tôi đi học. Ông còn bảo vệ khi tôi bị đám đầu gấu bắt nạt. Tôi cũng nhỏ bé, thường đứng sau, nép vào sau ông nội mà thấy rất vững dạ, an tâm.

Ông đã là bờ vai, là điểm tựa để tôi tựa suốt những năm tháng thơ ấu. Khi tôi tốt nghiệp THPT, chuẩn bị thi vào đại học, ông cũng giúp định hướng tương lai, con đường sự nghiệp cho tôi. Nhưng bây giờ, đến lượt ông lại tựa vào tôi, nhờ cậy tôi trong những giai đoạn quyết định. Lúc gần về đến nhà, ông còn nói tôi hãy giúp ông thuyết phục bố mẹ tôi đồng ý để ông mua trước mộ phần. Việc này sẽ không gây xui xẻo và ông sẽ tiếp tục sống tốt, sống lâu bên con cháu.

Từ khi có “nhà mới”, tôi thấy ông thư thái hẳn lên. Cả đời ông tôi hy sinh, nghĩ cho con cháu. Cho tới lúc cuối đời, ông mới có thể nghĩ cho riêng mình. Thi thoảng, ông ngồi trò chuyện, căn dặn tôi luôn phải sống cho tốt, vui vẻ, hạnh phúc. Nếu ông có mất đi, vẫn sẽ luôn dõi theo, phù hộ cho tôi.

Nghe ông nói vậy, tôi lại càng thấy bổn phận của mình phải quan tâm và yêu ông nhiều hơn. Ông tôi đang dần bước về phía đích của cuộc đời mình, để thế hệ con cháu của ông lại tiếp tục bước tới.

HUYỀN THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.