Nhà thơ Nguyễn Thị Mai và tiếng thơ chan chứa yêu thương, giàu nữ tính

Thái Dũng
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai (1955) là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Chị có thơ in từ năm 1995, đến nay đã có 14 tập thơ và truyện vui, giành giải thưởng danh giá của Hội Nhà văn và nhiều giải thưởng khác. Thơ chị đậm nữ tính, chan chứa tình yêu thương, được diễn đạt bằng những hình ảnh dung dị mà sâu sắc, rất dễ đi vào lòng người...

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai và tiếng thơ chan chứa yêu thương, giàu nữ tính  - ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

Tấm lòng hiếu thảo của người con yêu mẹ kính cha. 

Trong đời sống của mình, Nguyễn Thị Mai thấu hiểu sâu sắc vai trò của người cha - trụ cột trong mỗi gia đình. Khi song thân khuất núi, không ít lần chị nghẹn ngào trong thơ. Bài “Lời thầm thì với cha” là tiếng lòng thổn thức của người con gái đi xa về với cha. Thơ chị chưa bao giờ oán thán hay trách giận cha như thói thường ai đó rơi vào cảnh ngộ của chị (bố mẹ chia tay, chị ở với mẹ).

Thương kính nên ngày kỵ nhật, chị về thắp hương tưởng nhớ cha: “Con về với gió vườn cha/ Căn nhà lợp cọ, chuối na xanh rì/ Sông giờ bờ bến thiên di/ Cha giờ tên tuổi khắc ghi ngoài đồng…”. Bao nỗi niềm nhớ thương cha ẩn trong từng câu chữ ấy.

Bên cạnh đó, người đọc gặp nhiều hình ảnh người mẹ trong thơ chị: Đủ cả mẹ đẻ, mẹ chồng, mẹ kế, mẹ của những đứa trẻ thiệt thòi khác nữa. Những người phụ nữ ấy rất bình dị nhưng đáng kính.

Cùng là phụ nữ, lại đã từng làm mẹ, làm bà nữa, nên tất cả được chị thể hiện dễ hiểu, dễ nhớ. Thơ chị dễ chạm tới trái tim bạn đọc. Khi mẹ chồng mất, chị viết những câu thơ xót thương như với chính mẹ ruột của mình: “Một nhà trắng những khăn xô/ Dải khăn em út bấy giờ chấm chân/ Bấy giờ đang cuối mùa xuân/ Hoa xoan lã chã từ sân ra vườn”.

Hình ảnh hoa xoan rơi rụng nhiều không dứt và từ láy lã chã được chị dùng rất đắc địa. Dường như hoa cũng xót đau và đang khóc thương người mẹ vừa quy tiên. Nếu không thương mẹ chồng thật lòng, chị không thể viết được những lời thơ gan ruột như thế.

Cha mẹ đều đã đi xa, tình thương yêu đùm bọc anh chị em trong thơ chị càng nhận được sự đồng cảm, trân quý của bạn đọc. Tình cảnh một chốn đôi quê cùng bao công việc lớn nhỏ phải lo toan, chị làm mọi việc luôn cố gắng cho thật nhanh nên mọi người đặt biệt danh, gọi chị là “Nguyễn Thị Tất Bật”. Sự từng trải vì sớm phải lăn lộn với đời khiến thơ chị chan chứa tình thương quê hương, thương mẹ đi xa, thương người chị gái tảo tần khuya sớm.

Điều ấy hiển hiện qua những câu thơ chị viết: “Đất đồng Phương Xá quê ta/ Thấm lời con xuống sâu xa mạch nguồn/ Sau rồi chẳng thể về luôn/ Hồn con vẫn ngược vui buồn với sông/ Với người chị gái đợi trông/ Tiễn em ra tận bến sông dặn dò.../ Gia tài lúc mẹ đi xa/ Đôi quang đứt dải, căn nhà dột mưa” (Nỗi niềm ngày giỗ mẹ). Nói đến gia tài là nói tới số của cải người quá cố để lại cho con cháu.

Đắng đót làm sao khi gia tài lúc mẹ ra đi chỉ là “Đôi quang đứt dải, căn nhà dột mưa”. Nếu không giàu nghị lực và quyết tâm phấn đấu, làm sao con gái mẹ vượt qua được đói nghèo để học hành lập thân lập nghiệp? 

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai và tiếng thơ chan chứa yêu thương, giàu nữ tính  - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Trái tim người mẹ giàu tình yêu thương và đức hy sinh  

Không chỉ tròn chức phận của người con hiếu nghĩa, người vợ đảm của gia đình, Nguyễn Thị Mai còn là người mẹ giàu tình thương và đức hy sinh. Thơ chị thể hiện rất rõ điều ấy, Thương và chăm lo cho con gái không ai bằng mẹ. Nuôi con từ thuở còn bào thai, khi nằm nôi đến lúc lớn lên, phải trải qua thật nhiều khó nhọc và lòng mẹ có biết bao nỗi niềm.

Nhưng ngổn ngang trăm mối nhất, thương lo nhiều nhất cho con là khi con gái sắp về nhà chồng. Chị Mai đã nói thật đúng và  rất hay về điều đó qua bài “Lòng mẹ ngày con đi lấy chồng”.

Thi phẩm thiên về hướng nội, nhà thơ tự nói, tự an ủi mình trước sự kiện con gái sắp ra đi gánh vác giang sơn nhà chồng. Những câu thơ mở đầu đậm tính triết lý: “Biết rằng nụ phải thành hoa/ Quả rồi chín ngọt người ta vin cành”. Hình ảnh ẩn dụ giới thiệu thật khéo cô con gái vừa bước vào tuổi thanh xuân được “người ta vin cành”, nhà trai hỏi cưới. Chỉ còn đêm nay, mai là con đã về nhà chồng. Dẫu biết nơi ấy là “chốn no, lành” nhưng tâm trạng mẹ vẫn buồn vui muôn nỗi.

Mẹ mừng vì con có người thương yêu, có nơi có chốn và thực sự trưởng thành. Nhưng với tình yêu dạt dào, lòng mẹ vẫn thương lo. Sự kiện con sắp đi làm dâu nhà người đã khơi lại miền ký ức tuổi hoa niên của mẹ.

Mai con về nhà chồng, mẹ vui bởi gia đình bên đó ăn ở phúc đức, hiền lành là điều rất quan trọng khiến mẹ yên lòng. Song vì yêu thương con gái thiết tha, người mẹ tưởng tượng cảnh: “Lặng buồn mẹ nghĩ từ mai/ Tiếng con líu ríu bên tai vắng rồi/ Nấu cơm vơi một phần nồi/ Dọn mâm hụt bát, ghế ngồi thừa ra/ Có đâu lúc mẹ về nhà/ Sau lời gọi cửa con ra đỡ đần...”.

Nghệ thuật liệt kê rất khéo trong thơ như nhân lên cấp số sự trống vắng của căn nhà và lòng mẹ khi không còn con gái ở bên. Điều đáng nói là tuy có buồn nhưng bài thơ kết thúc không hề bi quan: “Thôi thì hoa đúng độ xuân/ Mẹ mong hạnh phúc ngàn lần cho con!”. Câu thơ thật đắt giá và cô đọng bởi điều mong ước lớn nhất của cha mẹ là con gái sẽ có cuộc sống an vui.

Hạnh phúc của con là mong ước của đời mẹ. Có lẽ đây là bài thơ hay nhất về nỗi lòng người mẹ khi con gái đi lấy chồng. Bài thơ chạm tới trái tim bạn đọc bởi người viết đã nói hộ bao nỗi niềm trăn trở của những người mẹ, người cha khác.     

Đâu chỉ thương con ruột, chị Mai còn đặt mình vào vị thế của người mẹ kế, đồng cảm với họ và yêu những đứa trẻ phải sống trong cảnh mẹ vịt con ngan. Tấm lòng nhân hậu khiến nhà thơ “Nói với con chồng” những lời ấm áp, chan chứa tình cảm. Đây là tiếng lòng của người mẹ nói với con chồng những lời vừa thiết tha đắng đót vừa thấm đẫm yêu thương.

Vận dụng sáng tạo tục ngữ ca dao: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng” được tác giả chắt lọc để thể hiện ý thơ: “Dì không mang nặng đẻ đau/ Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi! Kệ cho bánh đúc mấy đời/ Người ăn người lại nói lời nghiệt cay”.

Tình thương và tấm chân tình của người dì trong bài vươn tới sự cao cả, vượt qua tình cảm thói thường của người đời. Lời thơ đã khép lại nhưng tình thương con của người mẹ kế trong bài thơ còn lan tỏa mãi những giá trị nhân văn sâu sắc.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai và tiếng thơ chan chứa yêu thương, giàu nữ tính  - ảnh 3
Minh họa sưu tầm

Tiếng thơ chan chứa cảm thương, bênh vực những phận người không may mắn

Thơ Nguyễn Thị Mai là tiếng lòng đồng cảm, thương xót những người con, người vợ rơi vào cảnh ngộ kém may mắn. Bài thơ “Nhà không có bố”, vật dụng trong nhà thiếu nhiều thứ: “Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn/ Bơm xe chẳng hiểu cái jun/ Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô”. Thương nhất là mái nhà cũ bị dột khi: “Mùa đông gió bấc mưa dầm/ Đậy che mái dột âm thầm mẹ con”.

Giữa không gian mưa gió, lạnh lẽo, hình ảnh thiếu phụ và đứa con đội mưa trèo lên mái nhà đậy che chỗ giột khiến lòng người đọc xót xa, thương cảm. Đâu chỉ yêu thương con trẻ, tấm lòng nhà thơ thương xót đến những phận người vất vả, khổ cực.

Bài “Chợ đêm Long Biên” là tiếng lòng đồng cảm, thương quý, xót xa dành cho người làm nghề cửu vạn, nhất là những phụ nữ yếu đuối phải làm nghề khuân vác khó nhọc vì sinh kế và nuôi con. Trong bài, ám ảnh nhất là những câu: “…Mồ hôi, sương muối ố hoen/ Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề/ Đồng công năm bảy xẻ chia/ Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con...”.

Đây không phải là thứ tình cảm của người bề trên nhìn xuống mà là tình thương chân thật, là tiếng nói từ tấm lòng gửi đến tấm lòng của những người lao động chân chính.

 Có đọc các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai mới càng thêm trân quý chị bởi tiếng thơ chị đa dạng, giàu nữ tính, gần gũi với cuộc sống, là tiếng lòng chan chứa tin yêu với con người và cuộc đời. 

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.