Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Chia sẻ

Nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến làng cổ Đường Lâm là đất hai vua, thờ các vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền, nhưng ít người biết đến nơi đây còn có một Di tích Lịch sử - Văn hóa nổi tiếng khác là Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh - một người con của xứ Đoài đã làm vua quan nhà Minh căm hận và nể phục.

Nhà thờ ấy ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây, thành phố Hà Nội, được xây dựng từ đời Tự Đức, nhằm tri ân và tưởng nhớ người được vua Lê Thần Tông cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, đã dũng cảm đối đáp để bảo vệ danh dự dân tộc trước sự xúc phạm của Vua Minh. Theo tấm bia đá còn lại ở từ đường, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh được xây dựng vào năm 1845 với diện tích chừng 400m2 theo kiểu chữ Nhị, gồm tiền đường và hậu đường. Bên trên lợp ngói cổ, tất cả các hạng mục khác đều được xây dựng bằng đá ong, loại nguyên vật liệu đào trực tiếp từ lòng đất lên chỉ vùng xứ Đoài mới có. Hậu đường là nơi thờ chính, 3 gian đều có bệ thờ với các đồ thờ được sơn son thếp vàng trang nghiêm, đẹp đẽ. Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị gồm: 4 bức hoành phi, 3 tấm bia đá, 20 đôi câu đối được viết trên tường. Cổng vào nhà thờ cũng được xây bằng đá ong, trên đắp nổi dòng chữ Hán “Giang Thám hoa công từ”(nhà thờ Công bộ tả thị lang Thám hoa Giang Văn Minh).

Đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh ở xứ Đoài.Đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh ở xứ Đoài.

Giang Văn Minh (1573 - 1638), tên chữ là Quốc Hoa, hiệu là Văn Chung. Ông thi đỗ Thám hoa khoá Mậu Thìn năm 1628, đời vua Lê Thần Tông. Ông lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631). Là người học rộng, tài cao, có tài về nhà ngoại giao, tính tình khảng khái, dũng cảm và quyết đoán nên năm 1637, Vua Lê Thần Tông cử ông đi sứ Trung Hoa. Khi vào yết kiến, Vua nhà Minh là Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (Sùng Trinh) có ý muốn thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong). 

Vế đối của Vua Minh có ý ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện xưa sang xâm lược nước ta, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong) như một lời nguyền nhân dân ta. Nghe xong, mặc dù Giang Văn Minh rất căm giận nhưng ông vẫn bình tĩnh đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ). Vế đối rất cân chỉnh và đanh thép, tỏ rõ khí phách anh hùng và lòng tự tôn, tự hào dân tộc đồng thời cũng muốn nhắc cho vua quan nhà Minh nhớ lại ba lần sông Bạch Đằng lịch sử đã nhuốm máu, vùi thây quân xâm lược phương Bắc. Đó là trận chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938), chiến thắng quân Tống của Lê Đại Hành (năm 981) và chiến thắng quân Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo (năm 1288).

Đền thờ Thám hoa Giang Văn MinhNhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh là di tích lịch sử có tiếng ở Hà Nội.

Chuyến đi này, ngoài nhiệm vụ ngoại giao thông lệ với triều đình phương Bắc, Giang Văn Minh còn đấu tranh thắng lợi, buộc nhà Minh phải bỏ lệ cống nộp người vàng - vạ Liễu Thăng - hàng năm trước đó. Tưởng rằng làm khó được sứ thần nước Việt, ngờ đâu lại bị chánh sứ Giang Văn Minh làm cho thất bại nhục nhã. Bất chấp cả luật lệ bang giao, Vua nhà Minh đã hèn hạ và tàn độc sai quân lính mổ bụng moi gan ông xem “Sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào”.

Nghe tin Giang Văn Minh chết một cách anh dũng nhưng đã làm rạng danh quốc thể, Vua Lê và Chúa Trịnh vô cùng thương tiếc ra đón. Đích thân nhà vua về quê ông dự lễ an táng và tặng ông mấy chữ: “Đi sứ mà chẳng làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bậc anh hùng thiên cổ”. Vua Lê Thần Tông còn truy phong cho ông chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh là nơi có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhà thờ đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1991, đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu, học tập của nhiều du khách trong và ngoài nước.

NGUYỄN THỊ THIỆN
(Biên soạn và tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.