“Nhất Chuông Kẻ Sống”

Chu Minh Khôi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tục ngữ vùng xứ Đoài xưa có câu “Nhất chuông Kẻ Sống” và “Chuông Kẻ Sống, ống Kẻ La, mõ Kẻ Ngà, oản Cầu Ngãi’’. Chuông Kẻ Sống ngụ tại ngôi chùa cổ Đai Phúc tự tên nôm là chùa Cả ở làng Vân Lũng, xã An Khánh, Hoài Đức.

Chùa Cả được xây dựng vào năm 1450, đến năm Quý Hợi 1803 trùng tu lại. Chùa nằm trên đất Kẻ Sống tức tổng Yên Lũng xưa, thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Ngày nay, khu vực này gồm các thôn Yên Lũng, Vân Lũng, An Thọ, Ngãi Cầu (xã An Khánh), xã La Phù thuộc huyện Hoài Đức và thôn La Dương (xã Dương Nội) của quận Hà Đông.

Ngày nay, trong chùa có tượng Pháp Vân ngự ở Tiền đường. Tại Tam Bảo có toà Cửu Long an vị 21 pho tượng phật cổ. Trong đó quý giá phải kể đến pho Quan Âm chuẩn đề 21 đôi tay, kết các thế ấn khác nhau, đặt ở vị trí cao nhất của Tam Bảo, ngồi trên toà sen, cao 1,38m, bệ sen cao 0,28m.

Tiếp theo là tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen do sư tử đội, tượng cao 0,85m, cả bệ là 1,48m, tay phải có ngón trỏ và ngón giữa chỉ lên trời như gợi tượng phật niêm hoa hay thuyết pháp. Hàng tiếp theo cũng là pho Quan Âm chuẩn đề cao 1,25m, ngồi trên toà sen, hai bên có tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ cao 1,55m, vành mũ trang trí công phu những hoa văn nổi cao. Những pho tượng này có phong cách cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trong chùa hiện giữ được 9 đạo sắc phong.

“Nhất Chuông  Kẻ Sống” - ảnh 1
Chuông Kẻ Sống

Đặc biệt hiện vật giá trị nhất trong chùa là quả chuông có niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1606), trọng lượng 600kg. Chuông có quai hình con rồng uốn lượn, cầu kỳ tinh xảo. Chuông có đường kính 0,73m, cao 1,29m, dày 0,04m. Bề mặt chuông chạm khắc hình 4 con rồng, khắc 4 bài minh ở 4 phía, cùng với những dòng chữ lớn: Phúc Lâm Viện, Đại Phúc tự, Hồng Trú tạo, Tích cổ chung, Hoằng Định Vạn niên chi thập tứ, Quý sửu ngữ nguyệt sơ thập nhật tạo trú hồng chung

Ngoài ra, chùa còn chiếc khánh cao 0,89m, rộng 1,37m, dày 0,02 m. Hai mặt khánh đúc nổi các chữ Hán: Phúc Lâm viện, Đại Bi tự tử linh bảo khánh đúc năm Ất Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Trên mặt khánh có hình hoa văn độc đáo, chạm nổi hình long, lân, quy, phượng, đường nét hài hoà.

Người đời thường truyền tụng: “Nhất chuông Kẻ Sống”. Chuông được đúc năm 1613. Theo truyền thuyết khi làng Vân Lũng (Kẻ Sống) đúc chuông mở hòm công đức cực lớn, quyên góp tiền của bá tánh. Cả làng ai cũng nhiệt tình công đức. Có người hành khất từ nơi tha phương đến cũng góp một chinh. Lý trưởng làng Vân Lũng lấy làm tự ái, khinh ghét kẻ nghèo hèn, đã ném tiền trả lại người hành khất. Chuông đúc xong thấy khuyết mất một mảnh nhỏ. Làng bèn cho đúc lại, lạ thay lần nào cũng không đạt, chuông vẫn khuyết một mảnh. Làng đành chấp nhận treo chuông khuyết cho chùa.

Chuông chùa Đại Phúc gióng lên, tiếng chuông vang động 4 cõi khắp kinh thành Thăng Long nghe tiếng, dù làng Vân Lũng cách xa kinh thành mấy chục dặm. Tiếng chuông như cứa vào lòng người động đến tận tai vua. Vua lấy làm lạ, sai quân lính đi tìm nơi khởi thủy tiếng chuông. Quân lính về tận làng, nghe được cả câu chuyện đúc chuông, chuyện Lý trưởng coi thường dân nghèo được quân lính tấu trình lên vua. Vua bèn truyền lệnh cách chức lý trưởng làng Vân Lũng.

Xưa kia, chùa Đại Phúc là một nơi đào tạo tăng ni. Trên câu đầu của chùa có dòng chữ: Phúc Lâm viện. Hàng năm cứ đến ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch là ngày hội chùa, tiếng chuông, tiếng khánh ngân vang, dân mấy tổng trẩy hội đông vui. Ca dao có câu: Nhớ ngày mồng 8 tháng 4, không đi hội Sống thì hư mất người. Chùa Đại Phúc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.