Nhặt được của rơi

THƯƠNG TRẦN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Bà nội kể với mấy bà hàng xóm: mẹ chửa Kem vào mùa đông, nhưng vẫn nghén thèm ăn kem tối ngày, nhiều hôm ăn no nê trước bữa nên bỏ cơm là chuyện thường xuyên. Bà nội xót lắm, sợ ảnh hưởng đến đứa cháu đích tôn của bà trong bụng mẹ, nhưng mà biết chẳng thể ép con vì ngày xưa bà cũng từng nghén nên bà hiểu. Thế nên, ngay khi sinh ra, Kem đã được cả nhà gọi bằng cái tên như thế. Đi học, cô và các bạn gọi bạn ấy bằng cái tên khai sinh đẹp lắm: Chí Tường. Nhưng bạn ấy vẫn thích được về nhà nghe cả nhà í ới gọi là Kem hơn.

Kem học lớp mẫu giáo bốn tuổi, bạn ấy rất ngoan và thông minh nên được cô và các bạn vô cùng quý mến.

Bà nội Kem tận dụng vỉa hè trước nhà bán chè nước cho đám học sinh mấy trường quanh đó, thu nhập cộng với sổ hưu coi như thoải mái chi tiêu và mặc sức chiều cháu. Chỉ riêng kem là bà nhất quyết không bán, càng nhất quyết không cho cháu nội được ăn kem. Lúc nào bà cũng sợ... Tiết trời đầu hè năm nay oi ả hơn mấy năm trước, các bà, các bác bán hàng kem dạo tập trung ở cổng trường Kem mỗi lúc tan trường thật đông, nhưng chưa một lần nào bà nội cho phép ai mua cho cháu ăn vì sợ cháu bà bị ho vì nhiễm lạnh và không đảm bảo vệ sinh nữa. Kem nhiều lần thắc mắc: “Tại sao cả nhà cứ gọi tên con là Kem nhưng lại không cho con ăn kem như nhiều bạn khác?”.

 
Nhặt được của rơi - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Bà nội cứ lần lữa trả lời qua quýt rồi dặn cả nhà không ai được kể cho cháu bà biết chuyện ngày xưa mẹ mang thai Kem chỉ nghén thèm kem suốt ngày, sợ Kem đòi học theo mẹ. Kem thấy như thế không hợp lý tí nào đâu, nhưng cũng nghe lời bà nội rồi nhanh chóng quên đi những thắc mắc của mình.

Kem rất thương bà nội, vì hầu hết thời gian ban ngày bạn ấy được bà nội chăm sóc. Mẹ làm ở ngân hàng bận lắm, bố thì làm công an nên đi công tác triền miên. Sáng sáng, bà nội dọn hàng xôi cho học sinh xong mới vào gọi Kem dậy đánh răng rửa mặt, bón Kem ăn rồi đưa đến trường, chiều lại đến lớp đón cháu về. Trường Kem học chỉ cách nhà vài chục bước chân thôi, hai bà cháu dắt tay đưa đón nhau. Trên đường đi, Kem sẽ hát cho bà nội nghe những bài được cô dạy ở lớp rồi tít mắt cười vui sướng khi bà nội nhiệt tình vỗ tay khen Kem hát hay nhất, Kem giỏi nhất.

Nhiều lúc thấy các bạn được bố mẹ đưa đón, Kem cũng phụng phịu dỗi hờn vì bố mẹ luôn quá bận, chẳng làm bạn với Kem trừ buổi tối hoặc cuối tuần. Nhưng mãi rồi cũng quen, Kem cứ chăm ngoan đi học, rồi mỗi thứ sáu lại ríu rít giữ phiếu bé ngoan đợi mẹ về dán vào ô học tập, mong được cùng mẹ (hoặc lâu lâu có cả bố nữa) đi chơi nhà bóng thật là vui. Còn lại bao nhiêu thời gian, Kem lại dành cho bà nội. Kem thích nhất mỗi buổi chiều tan học về, khi bà nội bán nước mía ở vỉa hè gần nhà, bạn ấy được thỏa thích chơi đùa, nhặt nhạnh, nghịch ngợm đất đá dưới khoảng sân thể thao thật rộng của một trường cấp ba. Bà nội bảo nghịch như thế cho khỏe, vì thế Kem cứ thỏa trí tò mò, khám phá.

Dưới tán những hàng cây phượng vĩ đang lớm chớm nụ, tiếng ve râm ran vọng về nghe như những dàn đồng ca không bao giờ ngớt, gió rì rào thổi làm những chùm hoa bằng lăng tím biếc đua nhau rung rinh. Hết rình bắt những con bọ voi có cái vòi màu cam với bộ cánh màu xanh lam lấm chấm vàng đẹp mắt, rồi đuổi theo những cánh chuồn chuồn xinh đẹp đủ màu rập rờn bay đậu, Kem lại nhảy nhót ở những hố cát tập nhảy cao, nhảy xa của các anh chị cấp ba. Khi nào mồ hôi túa ra ướt nhẹp làm khát nước thì Kem lại chạy ù về chỗ bà nội xin ngụm nước mía man mát rồi lại ù đi.

Chiều ấy, Kem đặc biệt thích thú với trò đắp, nặn ụ cát thành hình bể bơi, nhặt mấy viên đá nho nhỏ giả vờ làm cá thả vào bể bơi ở cái hố. Đang dở tay thì khát nước, Kem lại chạy đến bên bà, vừa lúc thấy bà nội đang cúi nhặt mấy đồng tiền lẻ rơi dưới gầm chiếc ghế nhựa bỏ nhanh vào túi rồi quay sang rót nước mía cho Kem. Kem đang tu ừng ực cốc nước mía thì thấy chị khách quen đến hỏi bà có thấy mấy chục nghìn tiền lẻ của chị rơi quanh đấy không. Kem định nhanh nhảu trả lời nhưng lại thấy bà nội vội xua tay bảo bà không thấy, chị ấy vẫn lễ phép cảm ơn rồi quay đi. Bà nội khẽ nhoẻn cười tự nói thầm: “Nhặt được của rơi, lộc trời cho hưởng”. 

Kem láu táu hỏi: Là gì hả bà?

- À thì đấy, bà nhặt được tiền là trời cho để cháu bà uống sữa.

Kem gãi đầu gãi gáy có vẻ chưa hiểu lắm nhưng vì mải nghĩ đến cái mô hình bể bơi đang đắp dở nên lại vội vàng chạy ra chỗ hố cát, vừa chạy vừa vâng dạ qua quýt khi nghe láng máng tiếng bà dặn chơi ở trong râm không được ra ngoài nắng.

Nhặt được của rơi - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Những ngày đầu hè oi ả nối tiếp nhau, thật lâu lắm mẹ Kem mới được về sớm đón Kem ở trường vào một chiều thứ sáu. Nhưng vừa đến cửa lớp mẹ đã nghe cô giáo mách là vì hôm nay Kem không ngoan, nhặt được đồ chơi của bạn đánh rơi ở lớp mà nhất định không chịu trả lại nên tuần này không được phiếu bé ngoan. Vẻ mặt Kem cúi xuống buồn thiu nhưng cũng đầy ương ngạnh.

Mẹ biết chẳng thể làm gì ngay nên từ tốn bảo cô: “Cô để mẹ cháu lo việc này ạ!” làm Kem thoáng sợ vì cứ nghĩ sẽ bị mẹ phạt roi hoặc đứng úp mặt vào tường. Nhưng kỳ lạ chưa, mẹ chẳng những không quát mắng, mà còn không vội giục Kem về, để Kem được nán lại chơi cầu trượt ở trường nữa. Điều ấy làm Kem không khỏi thắc mắc nhưng vì được chơi vui quá nên Kem không ngại ngần bỏ thứ đồ chơi đang cầm chặt trong tay vào ba lô nhờ mẹ giữ hộ rồi lao nhanh ra sân chơi cùng các bạn. 

Mẹ ngồi đợi Kem ở ghế đá, hé mở ba lô lấy ra một con khủng long bạo chúa bằng nhựa. Mẹ đoán là nhựa phản quang vì lúc nằm trong ba lô hình như nó phát sáng, rồi lặng lẽ đút vào túi sách tay của mẹ. Chờ đến khi Kem về lục tìm con khủng long thì mẹ cũng nhất định không chịu trả và nói rằng mẹ nhặt được của ai đó đánh rơi ở sân trường chứ không phải của Kem, mẹ chưa từng mua cho Kem đồ chơi như thế. Kem giận mẹ, gắt gỏng, khóc lóc vừa hậm hực giậm chân chạy về nhà trước mẹ. Vừa lúc bà nội ôm lấy mà cuống quýt hỏi han thì bạn ấy càng được thể khóc to hơn.

Mẹ thưa với bà sự thể, rồi mắng Kem như thế là hư. Kem liền cãi: “Con không hư, bà nội bảo nhặt được của rơi là lộc trời cho con uống sữa mà”. Tình thế bất ngờ làm bà nội ngượng ngùng không dám nhìn vào mẹ Kem. Mẹ thành ra cũng khó xử chẳng biết nói sao, chỉ có Kem đảo đôi mắt thơ ngây mọng nước hết nhìn mẹ lại nhìn bà, tay víu víu vạt áo mong được bà bênh vực. Một phút im lặng trôi qua, bà khẽ cúi xuống vỗ về Kem rồi bảo:

- Kem này, mẹ con nói đúng đấy, bà cháu mình như thế là hư…

- Kìa mẹ, con không có ý đó! – mẹ Kem vội vã cắt ngang, nhưng bà nội đã mỉm cười khẽ lắc đầu ra hiệu bảo mẹ để bà nói nốt:

- Không phải của trời cho đâu, đồ nhặt được vốn không phải của mình, nên trả lại. Chiều nay bán nước mía, bà sẽ trả lại cho chị khách hôm nọ. Rồi đầu tuần sau đi học, cháu trai bà cũng sẽ trả lại cho bạn đồ chơi nhé, như thế mới ngoan, các bạn mới chơi cùng chứ!

Rồi ngay chiều ấy, Kem thấy bà nội trả lại tiền cho chị khách đánh rơi hôm trước thật. Bà bảo rõ là nhặt được nhưng lúc cháu hỏi lại đãng trí không nhớ ra. Chị ấy còn rối rít cảm ơn, cười mừng như muốn khóc.

Thế là thứ hai tuần ấy bà dẫn Kem đi học, bạn ấy không quên nắm chặt trong tay con khủng long nhựa màu xanh phản quang đến lớp trả lại bạn Tuấn. Dù trong lòng còn tiêng tiếc món đồ chơi tuyệt đẹp, nhưng ngay khi cô và các bạn xúm xít vào khen Kem giỏi, bạn ấy liền quên ngay cảm giác tiêng tiếc đó vì vui.

Ngày tổng kết năm học, cầm trên tay tờ giấy khen “Cháu ngoan Bác Hồ”, Kem được mẹ âu yếm ôm vào lòng và tặng ngay hộp quà to. Kem không chịu đợi về nhà mà xin mẹ bóc ngay ra xem thì: “Ồ, mẹ ơi, bộ khủng long phản quang đẹp quá, nhiều quá mẹ ơi!”. Kem reo thật to rồi lại ôm chầm lấy mẹ, chúp chíp thơm vào má mẹ tỏ ý biết ơn.

Đó là mùa hè thật đẹp và đáng nhớ của Kem trước khi bước vào lớp mẫu giáo lớn năm tuổi.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.