Nhật ký của mẹ

Đào Thị Thanh Tâm
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhật ký này mẹ viết cho con, để sau này lớn lên đọc lại, con sẽ hiểu con vô giá với bố mẹ như thế nào.

1. Hơn hai năm sau khi kết hôn, mẹ không tìm được việc làm. Hơn hai năm ngồi nhà sống chờ đồng lương chạy xe buýt của ba. Hơn hai năm lấy nhau mà không có con…
Thế rồi mẹ cũng xin được một chân bán vé trong khu vui chơi thiếu nhi, nhưng mới được mấy tháng thì mẹ phát hiện có bầu. Niềm vui vừa nhen nhóm lại lo “thai được ba tuần nhưng chưa vào tử cung”. Mẹ viết đơn nghỉ phép dưỡng thai. Nhưng công việc thì không thể chờ người, nên mẹ lại mất việc.

Buổi tối hôm ấy đi làm về, ba thông báo bị cơ quan đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do đưa ra không thuyết phục. 

Những ngày tháng ấy khó khăn làm sao. Để có tiền nuôi vợ con, ba phải chạy xe thuê xuôi ngược Bắc – Nam. Mẹ hai mươi mốt tuổi với cái bụng ngày càng lớn dần giữa khu tập thể xiêu vẹo. Ban đêm một mình mẹ một phòng với bao nhiêu nỗi sợ… Sợ cái con tắc kè cứ tắc kè, tắc kè suốt đêm. Tiếng nhà chuyển răng rắc như muốn sập bất cứ lúc nào. Tiếng mái tôn bị gió tốc đập đì đùng ở dãy nhà bỏ hoang trước mặt… Nỗi lo sợ ghê gớm nhất là ba đang chạy xe ngày đêm trên đường với bao nguy hiểm lẫn tai nạn luôn rình rập.

Nhật ký của mẹ  - ảnh 1
Ảnh minh họa

2. Nhưng mẹ quyết định không buồn nữa, mẹ phải vững vàng để ba nhẹ bớt nỗi lo, chạy xe an toàn. Mẹ phải thật khỏe mạnh để sinh con ra tự nhiên chứ không dùng dao kéo. Lương mỗi chuyến đi về của ba chỉ đủ chạy ăn từng bữa, mẹ phải thật khéo dành dụm, âm thầm chuẩn bị tã, tất, quần áo cho con thật đầy đủ.

Chăm lo nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, tuy nghèo nhưng lúc nào cũng có lọ hoa hồng trên bàn. Ba thích hoa hồng mà. Mẹ vận động cả ngày nên ăn khỏe, ngủ khỏe và con trong bụng cũng phát triển tốt.

Có một chuyện đến giờ nghĩ lại mẹ vẫn cứ nghĩ ông trời thử thách. Tối đó ba về, mẹ dọn cơm cho ba ăn rồi leo lên ghế thắp nhang bàn thờ như mọi ngày.

Ầm một cái!!!

Chiếc ghế nhựa vỡ tan tành vì không chịu nổi sức nặng của bà bầu tháng thứ tám, nặng gần bảy mươi ký.

Ba quăng chén cơm lao ra đỡ mẹ. Tội nghiệp thân thể nặng năm mươi ký phải xuống tấn mấy lần ba mới đưa được mẹ đến giường nằm. 

3.Ngày bác sĩ dự báo sinh, mẹ cùng các bà hàng xóm thấp thỏm ngồi chờ. Chiều tối ba còn chở mẹ đi ăn liên hoan. Đang ăn thì đau lâm râm, mọi người quan tâm làm mẹ ra vẻ đau nhiều! Thấp thỏm một đêm ở bệnh viện bác sĩ cho về, bảo “mới mở một phân, chưa đâu”.

Ba nghỉ việc ở nhà chờ hoài không thấy mẹ sinh nên sốt ruột, lại phải tranh thủ chạy xe thuê. 

Nhật ký của mẹ  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chiều tối hôm sau, mẹ và bà ngoại mới khăn gói vào nhập viện. Bác sĩ truyền một chai nước giục đẻ. Chờ suốt một đêm, hai chân đứng đến tím bầm mà vẫn không đẻ. Mẹ xoa bụng năn nỉ “con ra nhanh cho mẹ đỡ mệt”!

Hơn 13  tiếng trong bệnh viện rồi mẹ cũng thấm nỗi đau “xé người” và hạnh phúc tột cùng là tiếng khóc chào đời của con. Dù rất mệt mẹ vẫn cố ngóc đầu nhìn mặt con khi y tá bế con ra phòng hồi sức.

4. 10 giờ hôm nay sinh thì 6 giờ sáng hôm sau con có dấu hiệu quấy, sốt. Mẹ phải theo con xuống phòng cấp cứu mà chết lặng với thông báo “cháu bị nhiễm trùng sơ sinh”.

Cơn đau sinh nở chưa hết, mẹ đau hơn khi thấy con bé tí xíu mà các y tá lấy đi lấy lại ven trên đôi chân đỏ hỏn. Con khóc như mưa thì nỗi đau trong mẹ trào lên như bão như giông! Vậy mà chỉ biết đứng nhìn và khóc…

Một nỗi đau nữa đó là tắc sữa. Hai bầu vú mẹ sưng to, căng nhức phát sốt. Bà ngoại dùng đủ mọi cách, rồi ai chỉ gì dùng đó. Hết dùng xi-lanh để hút, đến cơm nóng, rượu gừng bóp mà vẫn không ra sữa được. Phương án cuối là dùng dụng cụ hút kết hợp xoa bóp để bầu sữa tan chảy. Liên tục cả tuần thì con bú trực tiếp được. Sức khỏe con của mẹ hồi phục, những lần lấy ven đã thưa dần. Mẹ con lục tục xuất viện về nhà.

Mẹ ấp chặt con vào lòng cho bú. Thằng chó con của mẹ lim dim đôi mắt, cái miệng chóp chép nút ừng ực. Mẹ cảm nhận dòng sữa từ cơ thể mình tuôn trào sang cơ thể con ấm nóng ngọt ngào. Một tình cảm không thể diễn tả hết bằng lời dậy lên như sóng, mắt mẹ nhòa lệ... 

5. Con trai của mẹ, con đã được sinh ra trong tràn ngập tình yêu thương của ba mẹ như thế. Nhất định, dù cuộc sống có khó khăn đến bao nhiêu, dù mẹ có mất việc, dù ba phải chạy xe thuê chắt chiu từng đồng tiền lẻ thì ba mẹ vẫn sẽ luôn ở bên, chăm sóc, che chở, dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Hãy ăn khỏe, ngủ khỏe con trai yêu của mẹ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.