Nhiệm vụ làm cha

Chia sẻ

Những năm qua, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” lan tỏa tại các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đã giúp nhiều em nhỏ được tiếp tục đến trường. Bằng trách nhiệm và tình cảm của một người cha, những cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã chăm nuôi các em như người thân trong gia đình.

Chẳng phải ruột thịt, nhưng được các con tin yêu, ngày ngày gọi bằng “bố”, tình cảm chân thành ấy đã níu chân các anh, góp phần làm khăng khít sợi dây gắn bó giữa chiến sỹ với đồng bào biên giới.

“Ở đồn vui lắm ạ!”

Từ sáng sớm, ở sân Đồn Biên phòng Si Pha Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), có hai cậu bé tham gia tập thể dục buổi sáng cùng các cán bộ, chiến sĩ. Đó là hoạt động bắt đầu ngày mới của hai cậu bé “Con nuôi Đồn Biên phòng” Ly A Chùa (12 tuổi, học lớp 6 THCS Tân Phong) và Vàng A Ngọn (8 tuổi, học lớp 2, Trường tiểu học Si Pha Phìn). Trung tá Lương Hoàn Hiển, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Pha Phìn tự hào khoe: “Các con tự giác lắm. Sáng dậy sớm quét nhà. Tới giờ là tự lấy ghế ngồi ăn cơm. Chiều về còn nấu cơm cùng các chú, giúp các chú tưới hoa, chăm sóc vườn rau… Có các cháu, cuộc sống ở đồn vốn chỉ có điều lệnh với chỉ huy, giờ thêm tiếng trẻ vui cười, bỗng thân thương như ở nhà vậy!”.

Si Pha Phìn là một trong những đơn vị làm tốt mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ Đội Biên phòng tỉnh Điện Biên. Theo thống kê, hiện nay có 26 em đang được hỗ trợ theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, tại 13/17 Đồn Biên phòng trong toàn tỉnh. Các Đồn Biên phòng sẽ phối hợp với nhà trường và chính quyền xã rà soát những em có bố mẹ đã mất, không còn ai nuôi dưỡng, hoặc đang ở cùng họ hàng nhưng cũng đặc biệt khó khăn. Sau khi lựa chọn, đồn sẽ lập danh sách, đưa các em đi kiểm tra sức khỏe tại trung tâm y tế huyện, đề xuất danh sách với Bộ Đội Biên phòng tỉnh và làm lễ đón nhận các em trở thành con nuôi tại đồn. Các em được lên đơn vị, tham gia sinh hoạt và học tập cùng những người cha biên phòng từ đó.

Lễ đón nhận các em trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện BiênLễ đón nhận các em trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Thiếu tá Trịnh Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Pha Phìn được đơn vị và người dân tin tưởng “làm cha” của Chùa và Ngọn. Với anh, đây là một nhiệm vụ đặc biệt. “Bởi nhiệm vụ này không những cần sự nghiêm túc, chuẩn chỉ, đúng điều lệnh, nội quy của người lính, mà còn chan chứa tình cảm gia đình. Làm cha – nghe đơn giản vậy thôi mà đâu có dễ, nhất là dành cho những em nhỏ sớm phải chịu hoàn cảnh khó khăn, miếng ăn còn thiếu chứ nói gì đến kỹ năng sống. Ngày đầu đón về, các em giống như những đóa hoa rừng, ngây thơ và hoang dại”.

Anh Thắng nhớ lại: “Ly A Chùa được đón về đơn vị từ tháng 10/2020, còn Vàng A Ngọn ở đồn từ tháng 1/2021. Hoàn cảnh của hai em đều rất đáng thương. Những ngày đầu tiên, lũ trẻ sụt sùi vì nhớ nhà, và có khi còn hơi “giật mình” bởi điều lệnh, bởi những tiếng hô hào đều tăm tắp và tính quy củ của môi trường quân đội. Vậy là “bố” và các chú phải dỗ dành rất nhiều, giúp các con dần quen với khuôn khổ. Các con được bố trí phòng riêng, mỗi em có chỗ ở, góc học tập riêng, trang bị đồ dùng, phương tiện sinh hoạt cần thiết và được học sách sắp xếp, bảo quản đồ đạc, vệ sinh nơi ở ngăn nắp như một người chiến sỹ nhí. Không còn những buổi sáng “ngủ nướng”, không phải vội vàng ôm bụng đói đến trường mà quên cả vệ sinh cá nhân…, các con được chăm sóc và dạy dỗ nghiêm túc, từ tốn và tràn đầy tình thương yêu. Chẳng thế mà rất nhanh, từ người anh lớn Ly A Chùa hay cậu em nhỏ vừa mới “nhập ngũ” Vàng A Ngọn đều đã chững chạc hẳn, đạt học sinh Khá ở trường. Đầu tóc gọn gàng, đi về biết thưa gửi, ăn hết suất cơm, biết tự giặt giũ, quét dọn sân vườn, nhà cửa…, “bố mẹ nào mà chẳng vui khi thấy con mình tự giác như thế”, anh Thắng cười hiền.

Còn với hai em nhỏ, nỗi buồn vì sớm phải chịu hoàn cảnh khó khăn đã thôi không còn phảng phất trên gương mặt thơ ngây. Chẳng điều gì có thể hàn gắn những nỗi buồn bằng tình yêu thương chân thành. Tan trường, cậu bé Vàng A Ngọn vừa về đến đồn đã lao vào lòng bố Thắng. Ngọn nói: “Con thích ở đồn lắm. Sau này con cũng là bộ đội như các bố”…

Tình cha ở miền biên viễn

Anh Thắng nhớ mãi bữa cơm đầu tiên đón các con về đồn. “Hôm ấy, nhìn các cháu ăn mà lòng tôi vui sướng. Các cháu gắp miếng thịt, ăn ngon lành, say sưa, tôi xốn xang tự nhủ thầm, con mình ở dưới xuôi mà cũng ăn ngoan, tự giác như thế thì mình vui lắm. Khi ấy mới nhớ ra, à, những đứa trẻ này từ hôm nay cũng là con mình rồi mà…”

Những ngày đầu đã dạt dào là thế, càng ở cùng nhau, sự gắn bó càng thêm khăng khít, như có một tình cảm nào đó dù vô hình nhưng lại rất thiêng liêng. Hỏi về cách dạy con, anh Thắng bảo rằng, vừa phải yêu thương, lại cần có kỷ luật đúng lúc. Anh kể lại: “Chúng tôi dặn dò các con, từ nay các con lên đồn ở, phải chăm ngoan, chịu khó học tập, chấp hành tốt các nội dung đã đề ra nhé! Muốn về nhà thì phải thông báo để các chú đưa về, không được tự ý trốn khỏi đồn nha!”. Các em còn ngại ngùng, ít nói, chỉ biết dùng ánh mắt ngây thơ nhưng đầy tin tưởng để trả lời.

Đồn Biên phòng Si Pha Phìn cử chiến sỹ có khả năng sư phạm phụ đạo cho Ly A Chùa vào mỗi tốiĐồn Biên phòng Si Pha Phìn cử chiến sỹ có khả năng sư phạm phụ đạo cho Ly A Chùa vào mỗi tối

Ấy vậy mà hành trình làm cha cũng “gian nan” lắm. Ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn còn lựa chọn những đồng chí có năng khiếu sư phạm để kèm cặp các cháu học hành. Cháu nào có biểu hiện ốm, đau đều có đồng chí quân y thăm khám, cho thuốc men, nấu cháo bồi bổ. Có những đồng chí được về nghỉ phép, khi trở lại đồn mang theo rất nhiều quà cho các con, từ bánh kẹo, sách vở, đồ chơi đến quần áo, chính là tình cảm của gia đình ở dưới xuôi gửi đến. “Bọn trẻ háo hức lắm, những hôm ấy, cả đồn rộn tiếng cười vui…”, trung tá Hiển nhớ lại.

Dù vậy, đôi lúc nỗi nhớ nhà vẫn trào lên trong các em, hay có những khi các em mải chơi mà không nghe lời. Khi ấy, những lời nói dịu dàng, cái ôm ấm nóng chính là liều thuốc ngọt ngào. Thiếu tá Thắng chia sẻ: “Có lần 2 con học xong, chúng tôi xuống đón mà không thấy. Bộ đội cùng các cô giáo tỏa ra đi tìm. Hơn nửa tiếng sau mới thấy con đang mải chơi bên suối. Vừa mừng vừa giận mà chỉ biết ôm con, rồi dặn dò lần sau không thế nữa. Những khi các con về với gia đình, đơn vị vẫn thường xuyên theo dõi, nhắc nhở gia đình trông coi, không để các con mải chơi mà xảy ra mất an toàn”. Thế mới biết, nuôi dạy một đứa trẻ, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng đều cần sự tận tâm, chỉn chu và tình yêu thương chan chứa – như cách anh Thắng và đồng đội đang ngày ngày thể hiện với 2 đứa con nuôi của đồn mình. Chẳng thế mà dịp Tết vừa qua – cái Tết đầu tiên các em làm con nuôi biên phòng, khi các chú trêu: “Tết này con ở lại đồn hay về nhà?”, 2 em nhỏ chẳng ai bảo ai mà reo lên rất to: “Không, không về, con ở lại đồn với bố và các chú!”

Đây là lần thứ 2, anh Thắng làm bố của những đứa trẻ miền biên viễn. Vậy mà khoảnh khắc khi con gọi mình là “bố” vẫn khiến anh lâng lâng. “Đâu dễ để một đứa trẻ làm được điều đó, bởi các con cũng có gia đình riêng của mình. Mấy ngày đầu, đứa thì gọi tôi và đồng đội là “chú”, lúc sau lại chuyển sang “anh”, cứ thế, mỗi chiến sỹ sẽ đóng thật nhiều “vai” trong mắt các con. Nhưng vai gì cũng đều rất ấm áp và có “uy”. Sau 1 tháng ở đồn, những tiếng “bố ơi” đầu tiên đã được con nói ra, khiến người lính xa nhà, xa vợ con như chúng tôi thấy ấm lòng, mắt cay cay vì quá xúc động!”.

Cứ thế, tiếng trẻ em ê a học bài trong vòng tay người lính đang dần trở thành một điều quen thuộc, như tiếp thêm niềm tin cho cán bộ, chiến sỹ biên phòng và cả người dân nơi đây về một tương lai tương sáng, vững vàng nơi miền biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.