Nhiệm vụ mới của ông nội

Chia sẻ

Từ ngày khai giảng năm học mới, ông Thịnh có thêm một trọng trách đặc biệt. Đó là cùng học online với cháu nội.

Đó là bởi bố mẹ cháu đều phải đi làm. Bà nội thì bận cơm nước, hơn nữa, bà cũng tự nhận không học cao biết rộng bằng ông nên để ông học với cháu là đúng nhất. Chẳng gì, hồi còn trẻ, ông cũng đường đường là một chánh văn phòng, thường phải soạn thảo văn bản, giấy tờ cho công ty.

Nhưng ông lo thời ông đi học, đi làm đã khác xa thời cháu rồi, liệu ông có hiểu gì mà học với cháu không? Con trai ông an ủi: Cháu năm nay mới học lớp 1 nên kiến thức rất đơn giản, ông đừng lo. Hơn nữa, có gì không hiểu thì ông cứ mạnh dạn trao đổi để cô giáo của cháu giúp đỡ. Ông ngồi học cùng còn để nhắc nhở mỗi khi cháu nghịch ngợm, không tập trung học.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông đồng ý nhưng lo lắm. Với ông, nhiệm vụ này thực sự mới và hệ trọng, ông phải làm thật nghiêm túc chứ không “đơn giản” như cách con trai ông nói được. Thế là, ông yêu cầu các con đưa cho mình bộ sách giáo khoa mà cháu học để còn… nghiên cứu.

Suốt cả tuần liền, ngày hai buổi ông đeo mục kỉnh rồi ngồi… đọc sách lớp 1. Sau đó, lại ghi ghi chép chép điều gì đó vào một cuốn sổ. Ông còn cấm bà lúc ông… học thì không được làm phiền. Bà nội biết thế nên cứ rón ra rón rén đi lại trong nhà, sợ gây ồn lại làm ông phân tâm.

Thế rồi, trong bữa cơm trưa, câu chuyện của ông nói với bà bắt đầu có thêm đề tài về chương trình lớp 1. Khi thì ông bảo công nhận bây giờ trẻ con sướng quá, nhìn bộ sách được in ấn, trình bày thật là đẹp mắt. Khi thì ông tấm tắc khen mấy mẩu thơ, văn xuôi trong bộ sách rất hay, lại có tính giáo dục cao. Khi thì ông cứ trăn trở, chẳng biết phải đánh vần từ này, từ kia như thế nào cho đúng.

Và rồi khi cháu chính thức học trực tuyến, ông cũng trở thành học sinh. Cái camera có khi chỉ chiếu tới cháu, không bắt được hình của ông nhưng ông vẫn nghiêm túc lắm. Buổi nào, ông cũng mặc áo sơ mi, còn cắm thùng với quần dài, đeo thắt lưng hẳn hoi dù bà bảo, ông chỉ cần mặc… quần soóc thôi cũng được. Ông mắng bà: “Mình học cùng cháu thì phải làm gương cho cháu học theo chứ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhờ có ông nội kèm cặp, sát sao mà dù chưa được đến trường do dịch bệnh, việc học online của cháu vẫn rất suôn sẻ. Tối đến, ông và cháu lại vừa chơi, vừa ôn bài cùng nhau. Có bài, ông nội quên thì cháu nhắc cho ông và ngược lại. Rồi ông còn chong đèn, cùng ngồi tập viết chữ với cháu. Mắt ông nội tưởng kém, thế mà hóa ra lại vẫn còn tinh. Nhìn qua đôi kính lão, bàn tay ông gân guốc cẩn thận nắm lấy tay cháu, giúp cháu tô nét, tô chữ thật là khéo léo.

Sáng nay cũng vậy, sau khi ăn sáng, hai ông cháu lại cùng ngồi trước máy tính. Thế nhưng, vừa học được một lúc thì… tự nhiên cả lớp biến đâu mất. Ông lo quá, đang loay hoay không biết làm thế nào thì cháu nội đã thoăn thoắt bấm vào màn hình, rồi bảo ông: “Mình bị out ra khỏi lớp, giờ chỉ cần truy cập lại là được ông ạ. Ông nhìn cháu nhé”. Quả nhiên, lát sau, hai ông cháu lại được cô giáo cho vào lớp học như bình thường. Ông nội khoái chí quá, đợi lúc cả lớp được nghỉ giữa giờ liền ôm chầm lấy cháu nội khen: “Đấy, cứ bảo là ông học cùng cháu chứ có lúc, cháu lại học cùng ông. Cháu ông giỏi công nghệ hơn ông thật rồi. Sau này, ông dạy chữ cho cháu, còn cháu dạy máy tính cho ông nha”.

Bà nội đứng từ xa, nhìn hai ông cháu tủm tỉm cười yêu.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.