Nhiếp ảnh gia Khánh Phan khát vọng quảng bá vẻ đẹp Việt qua hình ảnh

Bài và ảnh: Đào Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, trên mạng xã hội lan tỏa với tốc độ chóng mặt với bức ảnh có tên “Váy hoa” đạt giải cao nhất tại cuộc thi Nhiếp ảnh trên không lớn nhất thế giới (SkyPixel - SkyPixel Annual Photo & Video Contest) lần thứ 8. Khá bất ngờ khi tác phẩm thuộc về nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan- một phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng lại sẵn sàng chinh phục những khung hình - khó một lãnh địa được cho là phù hợp hơn với nam giới.

Nhiếp ảnh cứu rỗi tâm hồn đau khổ

Chia sẻ về bức ảnh “Váy hoa”, nữ nhiếp ảnh gia cho biết bức ảnh được chụp hồi tháng 10/2022 ở Mộc Hóa (Long An), trong một lần cô đưa 2 blogger du lịch người Anh đến đây trải nghiệm chụp ảnh hoa súng. Để thực hiện được ý tưởng chụp tác phẩm này, Khánh Phan bật mí rằng những người phụ nữ ở địa phương đã hỗ trợ cô rất nhiều, họ dành nửa ngày để lấy bông súng và bảo quản cho chúng thật tươi. Sau đó lại dành hơn 4 tiếng đồng hồ để ngâm mình dưới nước, chỉnh sửa những bó hoa súng theo đúng ý tưởng của cô để có được những bức ảnh ưng ý nhất.

Khánh Phan sinh năm 1985 tại Thái Bình, hiện đang sinh sống tại TP HCM và là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Trước giải thưởng kể trên, Khánh Phan sở hữu một bộ sưu tập giải thưởng vô cùng danh giá mà nhiều người mơ ước. Trong đó có thể kể đến giải Nhất hạng mục People giải Drone Siena Awards 2019; giải Nhất hạng mục quốc gia Sony World Awards 2019, Giải nhất Skypixel hạng mục People năm 2018; Winner hạng mục Travel giải Sonyworld Awards 2021. Chủ đề các tác phẩm của nữ nhiếp ảnh gia này chủ yếu là cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Nam. Khánh Phan nói, cô sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Bên cạnh đó, những cuộc rong ruổi trên khắp nẻo đường tổ quốc, cô mê đắm vẻ đẹp quê hương. Vì thế, bằng nhiếp ảnh, Khánh Phan mong muốn quảng bá xứ sở này đến với bạn bè thế giới.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan khát vọng quảng bá vẻ đẹp Việt qua hình ảnh - ảnh 1
Nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan

Nhìn những thành công Khánh Phan thu được, ít ai ngờ, cô đã bén duyên nhiếp ảnh bằng những nỗi buồn và nước mắt. “Nhiếp ảnh đã cứu rỗi tôi, vực tôi dậy và bước qua những năm tháng chơi vơi trong hố sâu tuyệt vọng khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, không thể cứu vãn” – Khánh Phan nói. Ấy là vào năm 2016, khi hôn nhân đổ vỡ, Khánh Phan mang nỗi buồn quá lớn. Lúc ấy, tình cờ lên mạng, cô đã phát hiện ra những hội nhóm nhiếp ảnh, các thành viên đăng tải các tác phẩm để khoe với nhau. Trong đầu Khánh Phan lóe lên suy nghĩ, nếu mình có một chiếc máy ảnh thì tốt biết mấy. Lang thang đi chụp những bức hình sẽ làm cuộc sống vui hơn. Nghĩ là làm, cô đã dùng tài khoản thấu chi mua một chiếc máy ảnh nhỏ, đi chụp hoa lá, cỏ cây… giải khuây. Thế rồi, càng ngày, cô càng thấy yêu và gắn bó với công việc này. Cô cho rằng, chính nhiếp ảnh đã cứu rỗi đời mình, đến với mình như một định mệnh, một món quà mà ơn trên đã dành tặng khi tước khỏi tay cô một mái ấm. 

Khi phụ nữ khát khao đỉnh cao, vượt ngàn gian khó 

“Những giải thưởng đầu tiên là động lực giúp tôi tin vào khả năng của bản thân theo đuổi đam mê này. Thế là tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm thiết bị, tìm đến những sân chơi nhiếp ảnh lớn hơn và hợp tác với các cộng đồng nhiếp ảnh trên thế giới” - Khánh Phan chia sẻ. 

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan khát vọng quảng bá vẻ đẹp Việt qua hình ảnh - ảnh 2
Tác phẩm nhiếp ảnh “Váy hoa” của nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan

Thế nhưng, trong hành trình theo đuổi nghệ thuật, đã có lúc Khánh Phan định gác máy, từ bỏ. Bởi lẽ, công việc này thực sự quá vất vả với phụ nữ. “Để săn bức ảnh như ý, tôi thường phải xa gia đình dài ngày, leo núi, thức canh cả đêm, có khi bị sóng biển đánh ngập đầu, hỏng hết máy móc, cũng có khi ngồi canh chừng sương đêm trong… nghĩa địa. Đó là chưa kể phải mang vác túi máy ảnh nặng đến vài chục kg”, nhiếp ảnh gia giải thích. Hơn nữa, nhìn con gái lao vào những vất vả của nghề, cũng khiến mẹ cô lo lắng, hoang mang. Bà đã khóc rất nhiều khi thấy con gái thức khuya dậy sớm, mang vác những chiếc túi nặng rồi lao mình trong đêm, hay ngủ lang thang ở điểm chụp.

Con trai cô còn nhỏ cũng thường xuyên khóc đòi mẹ. Cô ví von thêm, “Đôi khi một chuyến sáng tác giống như một lần vượt lên chính mình”. Dẫu vậy, Khánh Phan cũng cho rằng, một phụ nữ theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh như mình cũng có nhiều điểm mạnh so với cánh đàn ông, đặc biệt là ở góc nhìn tinh tế, mềm mại. Cho đến hiện tại, dù đã đạt được nhiều thành tựu, Khánh Phan vẫn không ngừng học hỏi, làm việc một cách nghiêm túc và say mê. Cô muốn trả lời cho những lo âu của gia đình bằng những trái ngọt mình thu được.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan khát vọng quảng bá vẻ đẹp Việt qua hình ảnh - ảnh 3
Một tác phẩm nhiếp ảnh của Khánh Phan

Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong nghiệp cầm máy, Khánh Phan chia sẻ chuyến đi sáng tác ở các hang động ở Quảng Bình gần đây. Cô cùng đoàn của mình phải leo núi, băng rừng, treo mình trên vách đá để khám phá vẻ đẹp của các hang động. “Chuyến sáng tác cho tôi nhiều bài học về sự dũng cảm, lòng gan dạ và tôi biết được rằng Việt Nam chúng ta mang nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn chưa được khai thác” - Khánh Phan nói.

Khánh Phan đã quyết định từ bỏ công việc ngân hàng vào năm ngoái (2022) để gắn bó hẳn với nhiếp ảnh. Đồng thời cô cũng nhận lời tham gia giảng dạy tại một số trường về bộ môn nghệ thuật này. Với Khánh Phan, nhiếp ảnh hiện không chỉ là đam mê thuần túy. Thông qua nó, cô khẳng định sức mạnh của bản thân. Điều tuyệt vời nhất với Khánh Phan hiện giờ chính là niềm đam mê bất tận đối với những vùng đất, luôn say mê khám phá và đưa vẻ đẹp đất nước đi tới rất nhiều chân trời. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.