Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Nhiều trăn trở với các hành vi bạo lực gia đình mới!

VĂN HỌC-H. NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ra đời cần nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, lượng hóa cụ thể các bộ ngành cần phải làm gì trong công cuộc phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý hành vi bạo lực gia đình cần cụ thể, đủ mạnh và có sức răn đe…

Một số điều luật chưa khả thi?

Gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã xuất hiện nhiều bất cập như: Luật chưa nhận diện được đúng, đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình; chưa quy định rõ nguyên tắc và chưa đa dạng nội dung, đối tượng, loại hình thông tin, tuyên truyền; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp thực tiễn; chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ; chưa khuyến khích xã hội hóa; chưa có quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình…

Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Những quy định cần sửa đổi, bổ sung gồm: Nhận diện được đúng, đầy đủ các hành vi; mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng công tác hòa giải; nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hằng năm trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải có danh mục phân bổ kinh phí cho lĩnh vực gia đình (trong đó có phòng chống bạo lực gia đình); nghiên cứu thống nhất tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em phù hợp với tình hình mới của đất nước…

Ngày 14/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là dự án Luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm, do đó, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng, đóng góp cụ thể, xác đáng, xuất phát từ thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần tiếp tục trình, thẩm tra, nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các đại biểu để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Nhiều trăn trở với các hành vi bạo lực gia đình mới! - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Trao đổi tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý, chưa khả thi. Cụ thể, cần rà soát lại các quy định về hành vi bạo lực một cách cụ thể, rõ ràng, tránh những bất cập trong ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, việc lập cơ sở tạm giữ người bạo lực gia đình là không khả thi, không hợp lý, nếu không thực hiện khéo léo có thể dẫn đến vi phạm quyền con người. Ngoài ra, Điều 56 của Dự thảo Luật quy định, hàng năm, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, quy định này khó thực hiện được và không cần thiết. 

Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Luật quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người đã ly hôn và người chung sống với nhau như vợ chồng là hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược với khoản 2, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình quy định về gia đình và thành viên của gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân và huyết thống ba đời. Theo đại biểu Nguyệt Thu, nếu chúng ta thừa nhận hành vi này là hành vi bạo lực gia đình, thì vô hình dung chúng ta thừa nhận những mối quan hệ hôn nhân không hợp pháp và mối quan hệ này cũng là những nguyên nhân gây ra những vụ bạo lực với trẻ em khi phải sống chung với người tình của mẹ hoặc người tình của bố. Trong thời gian vừa qua thì những hành vi đó là xảy ra đã được xử lý, điều chỉnh bằng các luật tương ứng khác mà không phải điều chỉnh bằng luật này. 

Đại biểu Chau Chắc (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cũng đề nghị rà soát bổ sung để quy định chặt chẽ các điều khoản trong dự thảo Luật. Sau 15 năm thực hiện Luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhiều vụ việc bạo lực gia đình, mức độ gây nguy hại nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp, nếu không kịp thời ngăn chặn bạo lực sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, suy yếu động lực phát triển bền vững của đất nước. Do đó, tại điểm d, khoản 1, Điều 4, Dự thảo Luật cần bổ sung cụm từ “nuôi dưỡng” sau từ “chăm sóc” để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ hơn, bởi vì nội hàm từ “chăm sóc” chưa bao hàm nghĩa “nuôi dưỡng” vì hành vi không nuôi dưỡng cũng chính là bạo lực gia đình. Tại điểm b, khoản 2, Điều 10 đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của thành viên gia đình không chỉ là đưa người bị bạo lực gia đình đến cơ sở y tế hoặc đến nơi an toàn mà phải cứu chữa người bị bạo lực. Bổ sung vào Điều 11 Dự thảo Luật về quyền và trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, người già yếu, người được giám hộ không đủ khả năng tự thực hiện những quyền và trách nhiệm…

Luật phải giải quyết được các vấn đề bạo lực gia đình mới

Bạo lực gia đình từ lâu đã và đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Ông Phạm Ngọc Tiến, nguyên Vụ trưởng Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, những người gây bạo lực về tinh thần hay bạo lực tình dục thường không dễ để cho nạn nhân tìm kiếm được sự trợ giúp bên ngoài. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, can thiệp, xử lý của các cấp, các ngành ở địa phương còn hạn chế vì tâm lý coi bạo lực gia đình là việc riêng của các gia đình, còn nạn nhân thường im lặng, cam chịu, sợ mang tiếng. Có những vụ việc chỉ đến khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì các cấp, các ngành mới được biết.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật sửa đổi phải giải quyết được các vấn đề bạo lực mới như hành vi bạo lực trên không gian mạng, các mức độ bảo vệ trẻ em cần được nâng cao hơn…

Nhiều trăn trở với các hành vi bạo lực gia đình mới! - ảnh 2
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng quy định về hành vi bạo lực gia đình, Điều 4, khoản 1, điểm k quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình. Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung này cho sát với thực tiễn. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng ấy sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình, nhưng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tại điều 6, khoản 11 của Luật Trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và cả hai luật. 

Tại Điều 4 của Dự thảo Luật, đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. Vì hiện nay, chúng ta thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực, và bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Do vậy, đề xuất trong Dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, đây là một bộ Luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người, được Hiến pháp quy định. Bộ luật này cũng liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi luật khác về trẻ em, người cao tuổi, hôn nhân gia đình… Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải đơn giản. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.