Nhịn “cơm sống” để ấm lòng

Lâm Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Giữa trưa, chị xăm xăm đi mượn cái máy bơm. Thì ra cánh thợ đào móng rào đang kêu là nước đọng sau cơn mưa đêm qua nên không có chỗ tập kết vật liệu xây dựng. Tám giờ tối, chị vẫn lúi húi quét dọn cát sỏi trên đường ngõ cho bà con đi lại khỏi ca thán. Sáng bảnh mắt, đã thấy chị kéo ống dẫn nước để thợ còn trộn vữa. Thế mà mỗi khi ra đường chị xinh như vợ một sếp bự nào đó, da dẻ nuột nà, ăn nói nhã nhặn. 

Có bữa về nhà thấy xe dựng lung tung khắp sân, giày dép đầy trên thềm, bạn bè của con ăn xong bát đĩa vứt chỏng chơ, chị xắn tay áo lên loáng cái, đã đâu vào đó. Chị chỉ dặn con lần sau bạn bè đến nhớ bảo nhau nấu mà ăn, rồi dọn dẹp cho sạch sẽ xong đâu vào đấy rồi chơi gì thì chơi. Có người bảo chị khôn quá, có người chê chị nhu mì.

Chị chẳng thanh minh. Nhu mì mà dạy con đâu ra đấy, nhà cửa xây đẹp nhất khu, lại còn tham gia công tác phụ nữ phường, tham gia các đoàn thiện nguyện. Thực ra, mấy việc mà người ngoài nhìn thấy và phán xét so với những gì đã trải qua với chị đã thấm vào đâu…

Nhịn “cơm sống” để ấm lòng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày trước khi anh Hiển (chồng chị) còn khỏe mạnh và đi làm, nhiều khi thấy chị suốt ngày lầm lũi ngoài đồng, trong vườn, nhiều người hù chị: “Mày đẹp nhưng cứ chân lấm tay bùn, cắm cúi thế này, chồng đi theo con khác chứ đùa. Gái xấu nhưng diện và khéo thì đàn ông vẫn chết với nó”.  

Chị cười coi đó là chuyện vui. Nhưng, không ngờ chị chỉ giữ được gia đình êm ấm được đến khi con gái út hết lớp 5 thì anh có bồ thật. Lần này, khỏi phải “bóng gió” gì mà có “sản phẩm” rõ ràng. Ông chồng ngày ngày đến việc mặc cái áo, cái quần còn do vợ chọn bỗng trong giây phút bị bản năng nổi loạn đã trót dại với cô gái mới ra nông nỗi ấy.

Nhịn “cơm sống” để ấm lòng - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Phải nói rằng chị là người biết tin sớm nhất. Sớm đến mức mà ngay cả anh còn chưa thể ngờ mọi chuyện sẽ vỡ lở. Dù nhún nhường đến đâu nhưng chị vẫn là phụ nữ, nói như ả Hoạn Thư trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là: “Rằng: Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, máu sôi trong người, chị đạp cửa bước vào nhà cô gái kia. Nhưng sau này, chị đã từng kể lại với tôi: “Mình đã “chết lặng” thật sự.

Cô gái đó đẹp quá, đến mình là đàn bà mà còn sững sờ huống hồ là cánh đàn ông. Có lúc vẻ đẹp làm người ta mất kiểm soát thật sự em ạ…”. Thế là, “ba máu, sáu cơn” của chị tan biến hết.

Chị ngồi nói chuyện cả buổi chiều với cô gái một thân một mình giữa thành phố với cái thai ba tháng trong bụng. Ngay cả cô gái cũng không thể biết bằng cách nào chị có thể tìm đến nhà cô ta nhanh đến thế. Lúc ấy, chị mới từ tốn giải thích với cô bồ của chồng mình: “Chị biết em qua lại với anh Hiển đã lâu, nhưng chị tôn trọng chồng chị cũng như em vì đều là người lớn cả. Nhưng đến một ngày, có người “thân tín” nói với chị là em có những biểu hiện… chị trải qua sinh nở hai lần chị biết, nên hôm nay chị mới đến đây…”.

Nhịn “cơm sống” để ấm lòng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Tôi hỏi chị, vì sao chị có thể giải quyết mọi việc êm ấm đến thế? Chị bảo: “Em biết tâm lý của một cô gái ở vào hoàn cảnh đó sợ nhất là gì không? Sợ bị đánh đập, nhục mạ và bắt phá thai”. Tôi thắc mắc: “Em tưởng với nhiều cô gái ngày nay chuyện phá thai hết sức bình thường”. “Không, em nhầm đấy, nếu có ý định ấy, cô bé kia sẽ không để đến ba tháng như thế”. 

Sau cùng, chị đưa ra một tuyên bố chắc nịch với cô gái: “Chị sẽ đảm bảo an toàn cho em và nuôi hai mẹ con chu đáo, với điều kiện đừng để chồng chị biết chị đã đến đây. Còn vì sao lại thế thì… em không có quyền đặt câu hỏi”.

Kết thúc câu chuyện có điều đáng tiếc là cô gái đã không giữ được cái thai ấy vì một sơ sảy khi lên cầu thang. Anh chồng chị như mèo cụt tai, từ đó sợ vợ một phép và không dám “tòm tem” bên ngoài vì nghĩ rằng giờ đây anh làm gì hình như chị cũng biết rõ. Sự nhẫn nhịn, cao thượng, điềm tĩnh đã giúp chị thắng thế trong cuộc đối đầu với những thử thách của đời sống hôn nhân. 

Hẳn khi nghe câu chuyện này, nhiều người sẽ không đồng tình với cách ứng xử của chị. Dù gì, ai cũng có bản năng phản ứng trước những việc làm sai trái, trước kẻ phá vỡ hạnh phúc gia đình. Cho dù không đánh ghen, không xúc phạm nhân phẩm thì ít nhất cũng làm cho “ra ngô ra khoai”. Ấy vậy mà chị chỉ có nhịn và nhịn. 

Nhịn “cơm sống” để ấm lòng - ảnh 4
Ảnh minh họa

Người viết nghĩ rằng trong cuộc sống này không có một công thức cố định cho hạnh phúc. Cũng như chẳng có bí kíp nào là đem lại hiệu quả tuyệt đối. Tất cả đều do chúng ta cảm nhận, thấu hiểu, biết nhường nhịn, vị tha và cương quyết, dứt khoát. Lúc nào, vào hoàn cảnh nào cần phải thể hiện ra sao chính là bí quyết thành công riêng của từng người vợ, người mẹ. Chị có thể nhịn chồng như nhịn “cơm sống” bởi chị đã nắm rõ tính cách, suy nghĩ cũng như những mối quan hệ của chồng mình. Nhưng khi cần phải cương quyết chị cũng đã quyết đoán như cái cách mà chị cắt đứt mối quan hệ của anh Hiển và cô bồ xinh đẹp kia. 

Đằng sau mỗi suy nghĩ, việc làm của người phụ nữ luôn là sự yêu thương, lo toan cho chồng, con, cho tổ ấm. Nhưng nếu người phụ nữ biết nhìn xa trông rộng, lấy đại cục làm trọng để thu xếp, ứng xử khéo léo thì sẽ giữ được tình cảm gia đình bền lâu. Hơn ai hết, họ hiểu trong cuộc đời này điều gì cũng có thể xảy ra, nếu không là người vững vàng, chủ động sẽ khó có thể giữ được hạnh phúc. Thiết nghĩ, chỉ có trái tim nhạy cảm của người phụ nữ mới có thể mách bảo họ nên làm như thế nào trước những sóng gió trong cuộc đời…

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.