Nhớ mẹ

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Trang, con ăn cơm nhé. Cơm mẹ mới nấu xong, còn nóng lắm. Dạo này mẹ thấy con xanh xao, phải ăn nhiều vào mới khỏe được!”. “Con không muốn ăn, mẹ để cho con được yên…”…

Trang hẩy bát tô cơm về phía mẹ. Lúc này, cô không có tâm trạng ăn uống gì. Cô chỉ muốn nằm xuống và mãi mãi không mở mắt ra nữa, để có thể quên hết những mỏi mệt mà cô đang phải chịu đựng.

“Trang, con không được nằm, mẹ không cho con nằm. Con phải ngồi dậy, phải ăn cơm, phải khỏe mạnh. Cuộc đời con còn dài, còn nhiều cánh cửa khác đang đợi con mở. Trang ơi, Trang ơi, nghe mẹ… Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con”.

- Con không ăn, không ăn, không ăn… Mẹ đi chỗ khác đi - Trang hét lên.

Bỗng “choang”, bát tô cơm rơi xuống sàn nhà, vỡ toang. Mẹ cô sợ hãi lùi ra xa, rồi bà cũng từ từ gục xuống…

“Mẹ ơi, mẹ ơi…”. Trang thảm thiết gọi mẹ, cô muốn vùng chạy tới đỡ mẹ lên nhưng hai chân cô như hóa đá. 

Trang choàng tỉnh giấc, hai mắt cô nhìn trừng trừng lên trần nhà, mồ hôi túa ra, ướt đầm trên trán. Thì ra, đó chỉ là một cơn ác mộng. Trang bần thần hồi lâu rồi bật khóc: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con sai rồi”.

Nhớ mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trang chầm chậm bước ra phòng ngoài, sụt sùi thắp hương lên ban thờ mẹ. Từ trong khung ảnh kia, mẹ cô vẫn thế, dịu dàng, hiền từ nhìn cô. Cả một đời, mẹ chỉ biết lo lắng, chăm sóc cho cô, nhẫn nại chịu đựng cả những cơn hờn dỗi vô cớ, những lời nói sẵng vô tình. Cho đến tận lúc mất, chưa bao giờ mẹ trách cứ cô nửa lời. 

Bố qua đời từ khi Trang còn chưa được sinh ra. Mẹ Trang không được học lên cao, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mưu sinh nuôi con. 18 tuổi, Trang bắt đầu biết yêu trong sự phản đối của mẹ. Bằng kinh nghiệm nhìn đời, nhìn người của mình, mẹ nói người Trang yêu không tốt. Nếu Trang tiếp tục tiến sâu vào mối quan hệ đó, bà sợ Trang sẽ khổ. Nhưng hồi đó, Trang không tin mẹ. Cô chỉ thấy người yêu mình là tất cả. Trong khi bạn bè cùng trang lứa học lên cao, Trang chọn cách dừng lại để lấy chồng. Mẹ Trang đã đau khổ vô cùng nhưng bà không có chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận đứng ra làm đám cưới cho Trang.

Trang theo chồng xuống thành phố, bắt đầu xa mẹ. Bất hạnh của Trang xảy tới khi hai vợ chồng bước vào cuộc sống hôn nhân với đủ mọi lo toan. Trang đi làm công nhân, một ngày gần 10 tiếng dán mắt vào dây chuyền sản xuất với đồng lương khiêm tốn. Chồng Trang đi làm phụ hồ, vất vả chẳng kém. Ngôi nhà không còn là bến đỗ tình yêu mà đã trở thành nơi để hai người cãi vã. Vốn tính gia trưởng, vũ phu, không ít lần, Trang bị chồng bạo hành, thân thể thâm tím.

Cách đây 2 năm, chồng Trang bắt đầu sa vào cờ bạc đỏ đen, coi đó là cách để đổi đời. Lương tháng Trang được nhận còn chưa kịp nằm ấm túi đã bị chồng lấy nướng vào chiếu bạc. Nhưng trên đời này, có ai lười làm, ham bạc mà được trời thương cho giàu có đâu. Tiền hết, đồ đạc trong nhà chẳng có gì để bán, chồng Trang còn lén cầm cố cả sổ đỏ ngôi nhà được bố mẹ chồng Trang sang tên cho khi hai vợ chồng lấy nhau. Đến khi những kẻ mặt mày sừng sỏ đến tận nhà siết nợ, Trang mới ngã ngửa người. 
Đó cũng là lúc Trang vừa mới phát hiện mang thai con đầu lòng. Xót của, giận chồng không biết tu chí làm ăn mà sa vào con đường sai trái, Trang càm ràm chồng thì bị anh ta đánh cho tới tấp. Cái thai còn chưa kịp hình hài vì thế cũng không giữ được.

- Con đi về quê với mẹ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. 

Tối đó, nằm trông Trang trong bệnh viện, mẹ sụt sùi bảo Trang như vậy.

Nhớ mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và Trang lại theo mẹ về quê. Trang thấy mình thực sự tệ hại. Bằng tuổi cô, con gái nhà người ta đã có thể phụng dưỡng, báo hiếu mẹ. Đằng này, mẹ cô tóc trắng mái đầu, thân thể gầy gò hóa ra lại là nơi để cô tựa vào. Trang vẫn chỉ là kẻ trắng tay, không chồng con, không tiền, không nghề nghiệp. 

“Con cứ nghỉ ngơi đi cho khỏe rồi xin việc gì đó để làm. Trước mắt, mẹ vẫn nuôi được con. Mẹ con mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, mẹ Trang nói.

Nhưng, chẳng hiểu sao, Trang lại không lấy việc được mẹ quan tâm làm hạnh phúc. Ngược lại, bao nhiêu hờn giận, ấm ức trong lòng, cô lần lượt trút lên mẹ. Cô khó chịu khi bị mẹ hỏi thăm tình hình, không thích những lúc mẹ nhẫn nại mời cô ăn cơm, rồi ép cho cô ăn thêm từng bát nhỏ một. Cô cũng sợ cả việc thấy mẹ phải nhận thêm phần lam lũ để bảo bọc cô.

- Mẹ để cho con yên đi. Con lớn rồi, con muốn được ở một mình.

Đó là cách Trang thường vặc lại mẹ mỗi khi bà ân cần đến bên cô. 

Một ngày, Trang nói với mẹ:

- Con sẽ lại xuống thành phố tìm việc. Con không thể ở đây được. Con ở bên mẹ con sẽ thấy mình tội lỗi mà chết mất.

- Sao phải tội lỗi, mẹ thì chỉ mong được ở bên con. ở quê mình không thiếu việc, chỉ cần con chịu khó thì vẫn có thể sống được. Mẹ chỉ cần mẹ con mình được ở bên nhau, dựa vào nhau mà sống như thế này là được rồi.

- Nhưng con không muốn…

- Con đi thế này, lòng mẹ sao yên…

Lần thứ hai, Trang lại xách túi ra đi. Mẹ theo cô ra đầu ngõ, nước mắt sụt sùi. Bịn rịn mãi, bà mới chịu buông tay Trang ra. Từ đó, hai mẹ con chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại. 

Nhớ mẹ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mỗi lần gọi tới, mẹ đều rón rén hỏi: “Con à, con đỡ bận chưa, cho mẹ nói chuyện với con một chút được không? Dạo này ở dưới đó con thế nào? Công việc của con có tốt không? Con có ăn uống đầy đủ không? Con nhớ phải giữ gìn sức khỏe nhé. Cần gì thì cứ gọi lên cho mẹ”.

Tất nhiên là Trang thường trả lời qua quýt cho xong. Lắm hôm, những cuộc điện thoại hỏi thăm của mẹ diễn ra đúng lúc Trang đang bận rộn bán hàng cho khách liền bị Trang tắt luôn không một lời giải thích. Sau đó khi về nhà thì trời đã tối muộn, Trang cũng mệt mỏi và quên luôn việc sẽ gọi lại cho mẹ. 

Cho đến khi nhận được tin mẹ bị ngã đuối nước, Trang vội vã trở về nhà thì đã muộn rồi. Chắc là tối muộn bà lần hồi ra giàn bầu gần ao để hái bầu cho bữa cơm chiều, chẳng may trượt chân ngã xuống. 

Mấy ngày đó, Trang đau đớn chết đi sống lại, chỉ thèm một lần được có mẹ để gọi tiếng mẹ ơi mà không được. Từ hồi thoát ly lên thành phố đến nay, Trang còn chưa một lần gặp lại mẹ. Trang đã quên mất rằng, đâu chỉ có mình cô là vất vả, khổ sở, bất hạnh. Mẹ cô chân chậm mắt mờ rồi mà vẫn một mình, không con, cháu. Mẹ chết cũng trong cảnh cô độc.

Trang nằm bẹp trên giường, mặt mày hốc hác. Bình thường, nếu còn sống, mẹ sẽ không cam lòng khi thấy Trang như vậy. Bà sẽ lại tất tả chuẩn bị cơm  nước, rồi bê lên tận giường cho Trang, nhẫn nại ngồi nhìn Trang ăn. Bà sẽ rất thỏa mãn khi bữa đó Trang ăn hết bữa. Và rồi mẹ sẽ lại nói: “Con để bát đũa đó mẹ dọn cho. Ăn xong, con đi nghỉ luôn đi kẻo mệt”. 

Nghĩ đến mẹ, Trang thấy mình thực sự là đứa con bất hiếu, ích kỷ. Cô chỉ biết làm cho mẹ mình buồn. Trang coi việc mẹ yêu thương, chăm sóc mình là đương nhiên. Trang cũng ỷ vào việc mẹ là mẹ, sẽ chẳng bao giờ giận dỗi các con của mình thì mình ứng xử như thế nào với mẹ cũng được.

Bây giờ, Trang muốn thay đổi, muốn cảm ơn sự chăm sóc, tình yêu của mẹ dành cho mình, muốn được về quê báo hiếu lại mẹ, cho dù chỉ bằng việc ở bên đỡ đần, giúp cho mẹ an lòng về mình thôi cũng đã quá muộn mất rồi… 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.