Nhớ món dưa bở ngày hè

Thu Đình
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những ngày nóng như đổ lửa, tôi ước được thưởng thức món dưa bở giải nhiệt từ tay mẹ làm. Món ngon ấy chẳng ở đâu xa, chẳng phải cất công đi tìm. Bởi mùa hè là mùa cây cho trái thơm ngon, ngọt mát nhất.

Từ vườn nhà ra cánh đồng, dọc hai bên đường đi, nhiều hơn vẫn là chợ làng… đều có dưa bở. Mẹ từng bảo:  “Ăn một cốc dưa bở dầm đường vừa là giải nhiệt, vừa bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe!”. 

Dưa bở còn được gọi với cái tên: Dưa gang, dưa nứt. Loại cây ngắn ngày này được người dân quê tôi gieo trồng bắt đầu từ đầu tháng 2 âm lịch, đến giữa tháng 5, tháng 6 dương lịch là mùa cho quả. Dưa bở thường chín theo đợt và kéo dài khoảng một đến hai tháng. Loại quả thuộc về mùa hè này nếu được thưởng thức vào dịp chính vụ, ta mới cảm nhận hết được hương vị đặc biệt của nó, càng biết trân trọng hơn những giọt mồ hôi khó nhọc của người vun trồng. 

Nhớ món dưa bở ngày hè - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ai cũng bảo, không gì dung dị cho bằng thức quà quê. Dưa bở chính là thức quà thảo thơm như thế. Nhớ về một thời tuổi thơ nhọc nhằn, chẳng thể nào quên những kỷ niệm về món dưa bở nhà trồng. Nhớ công mẹ làm đất, gieo trồng; nhớ công cha tưới tiêu, vun xới; nhớ những lần theo mẹ thăm đồng, đã mắt ngắm nhìn ruộng dưa chi chít quả cùng niềm mong mỏi đến ngày bội thu quả ngọt. Nâng niu từng quả dưa bở to tròn, chắc nặng, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc rạng ngời trong nụ cười thỏa nguyện của bố mẹ.

Học hỏi từ bố mẹ và kinh nghiệm nhiều lần được ăn dưa bở, tôi đã thành thục trong cách nhìn và chọn dưa bở như ý. Dưa bở ngon thường có hình dáng tròn đều, cầm trên tay thấy chắc và nặng, cuống dưa còn mới; trên vỏ dưa có một lớp lông măng mỏng mịn, kèm theo vết rạn ở vỏ, với mùi thơm dễ chịu. Dưa bở ngon đúng điệu là khi quả đã già, những hàng kẻ sọc màu vàng đậm hơn bình thường, bổ ra sẽ có ruột màu vàng, chỉ nhìn thôi đã hấp dẫn muốn được thưởng thức ngay.

Dưa bở là loại trái cây ngon và dễ ăn. Sau mỗi đợt thu hoạch, phần mẹ dành bán cho thương lái tại ruộng, phần đem bán ở chợ, đem biếu họ hàng. Mẹ còn dành những quả dưa ngon nhất để lại cho anh em tôi ăn đã thích. Những ai đã từng được thưởng thức dưa bở mới biết rằng, dưa bở rất giàu dinh dưỡng. Chỉ cần đem dưa gọt vỏ, bỏ hạt, cắt thành miếng bỏ vào bát, thêm chén đường hoặc đem dưa dầm với sữa đặc, thêm vài viên đá lạnh và cứ thế nhấm nháp, đảm bảo, ai cũng phải gật gù ngon miệng. 

Nhớ món dưa bở ngày hè - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có lẽ vì dưa bở vừa sạch vừa tốt cho sức khỏe nên ai cũng thích ăn. Đi làm đồng về, bố ăn tạm ly dưa bở dầm đường, liền tỉnh táo, khoan khoái hẳn giữa tiết trời oi bức, nóng nực. Anh em tôi đi học về, có ly dưa bở dầm sữa đá lót dạ, thấy ngon lành chẳng gì cho bằng. Tôi lại nhớ cứ mỗi khi vợ chồng cụ Khánh trong xóm bị ho khan hay mệt mỏi, mẹ vẫn thường sai anh em tôi đem biếu các cụ một vài quả dưa bở thơm ngon. Rồi thì trong làng, từ trẻ em đến người già, hễ ai bị mất ngủ, khó tiêu, muốn đẹp da… đều có thể dùng món dưa bở này để cải thiện. 

Lớn lên lập nghiệp xa nhà, thế nhưng với tôi, món dưa bở vẫn đằm sâu trong trí nhớ. Hôm rồi, có cô bạn ngoài quê ghé nhà cho mấy quả dưa bở vừa chín, bảo là quà cây nhà lá vườn, ăn giải nhiệt, thấy quý và biết ơn quá đỗi. Thế rồi, tự dưng, những kỷ niệm dọc dài tuổi thơ không ai gọi mời, cứ thế rạo rực xốn xang trong lòng. Nhớ món dưa bở ngày hè tuổi thơ, tôi càng nhớ dáng mẹ tảo tần… để anh em tôi có được cuộc sống như hiện tại. 

Hè được về nhà, mẹ làm cho tôi ly sinh tố dưa bở dầm đường cùng giọng ân cần, yêu thương: “Đang mùa dưa bở. Thức quả dân dã quê mình nhìn thế mà kỳ diệu thật. Nhờ có loại quả này mà…”. Vòng tay ôm lấy mẹ, tôi nâng niu những mùa dưa bở quê mình, càng thương vô vàn dáng mẹ tảo tần.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.