Nhớ NSND Trần Hạnh: Người nghệ sĩ gốc phố, hồn quê!

Chia sẻ

Nghệ sĩ Trần Hạnh có sự nghiệp lẫy lừng với loạt vai diễn ấn tượng trên sân khấu nhưng khán giả biết đến ông nhiều hơn bởi các vai diễn ông già khắc khổ trên phim truyền hình.

Người Hà Nội hào hoa gắn với vai nông dân khắc khổ

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở Hà Nội. Cha làm công nhân nhà máy in ở phố Nhà Thờ, mẹ là thương gia nhỏ, nhưng cha qua đời sớm năm Trần Hạnh mới 8 tuổi. Vì thế, NSND Trần Hạnh phải tự lập từ rất sớm, cùng mẹ gồng gánh cả gia đình.

Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ này có nhiều người, sau đó đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng kịch Việt Nam như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng…

Lập gia đình năm 23 tuổi, nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn đam mê với sân khấu kịch. Ông vẫn tham gia những buổi tập kịch cùng CLB nhưng vì gánh nặng cơm áo mà ông đành rẽ ngang, không thể tiếp tục theo học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên của trường Sân khấu. Ông trở về Đoàn kịch Hà Nội, vừa rèn nghề vừa kiếm sống.

Trong suốt sự nghiệp diễn suất của mình, Trần Hạnh được khán giả biết đến các vai diễn ấn tượng ở cả lĩnh vực sân khấu và truyền hình.

Với sân khấu kịch, ông có những vai diễn xuất sắc, giành nhiều giải Vàng, Bạc ở các Liên hoan Sân khấu toàn quốc, đó là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa" (Huy chương Vàng Liên hoan Kịch toàn quốc); người chiến sĩ cộng sản Vũ Khiêm dũng cảm, can trường trong "Tiền tuyến gọi"; Uôm nham hiểm, thâm độc trong "Âm mưu và tình yêu"... Ông về hưu, rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989.

Năm 2019 nghệ sĩ Trần Hạnh mới được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ảnh: Hòa NguyễnNăm 2019 nghệ sĩ Trần Hạnh mới được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Mặc dù là người Hà Nội gốc, nhưng ở mảng phim truyền hình, nghệ sĩ Trần Hạnh ghi dấu ấn trong lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai người nông dân hiền lành, chất phác. Ông từng đóng chính phim "Chiếc bình tiền kiếp" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, sau đó là các phim "Tướng về hưu", "Hãy tha thứ cho em", "Cỏ lau", "Người đàn bà thứ hai", "Làng nổi"...

Ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình là một trong những vai diễn nghệ sĩ Trần Hạnh tâm đắc nhất. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 năm 1996, ông đoạt giải "Nam diễn viên xuất sắc nhất" trong phim "Nước mắt đàn bà". Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục "Giải thưởng Cống hiến" cho vai diễn của ông trong phim "Ngõ lỗ thủng". Năm 2017, ông tham gia vào bộ phim "Cha cõng con"...

Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú không cần làm hồ sơ. Vào năm 2019, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, sau khi được các nghệ sĩ và con cháu thuyết phục làm hồ sơ.

Một tâm hồn giản dị và thanh tao

NSND Trần Hạnh qua đời hôm 4/3/2021. Khán giả nhớ đến ông vì hình ảnh "khắc khổ nhất màn ảnh Việt", còn trong ký ức của bạn bè nghệ sĩ, Trần Hạnh là người nghệ sĩ đích thực, yêu nghề, không màng danh lợi.

Từng có duyên làm con gái (vai Na) nghệ sĩ Trần Hạnh (vai ông Trượng) trong bộ phim “Người yêu đi lấy chồng” của đạo diễn Vũ Châu, nghệ sĩ Chiều Xuân đã khóc khi nghe tin "bố" qua đời.

“Vẫn biết cõi đời là cõi tạm, bố Hạnh đã 92 tuổi rồi, nhưng nghe tin bố ra đi con không thể không nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi. Chắc ở bên thế giới bên kia, giờ này bố đã đoàn tụ cùng các cô chú và các anh các chị đi trước, chắc bố lại đang chuẩn bị cho một vai diễn mới của mình ở thế giới đó… Dù ở thế giới nào, cái nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố, cái nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, chia sẻ với con người với cuộc đời này. Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao như con người bố Trần Hạnh vậy” - nghệ sĩ Chiều Xuân tiễn NSND Trần Hạnh.

Diễn viên Mai Thu Huyền cũng có may mắn được "làm con gái" của nghệ sĩ Trần Hạnh trong 2 bộ phim “Tiếng sáo ly hương” của cố đạo diễn Trần Phương năm 1998 và “Nhà có 3 chị em gái” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải - bộ phim đã đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2007.

“Trong cả 2 phim thì bác Trần Hạnh đều đóng vai ông bố khó tính, nghiêm nghị, nhưng ngoài đời thì bác hiền lành giản dị lắm, luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo các diễn viên trẻ. Bác diễn rất chân thật, diễn mà như không diễn, khiến cho bạn diễn cũng bị cuốn hút theo.

Tiếc thương một tài năng nữa của điện ảnh Việt đã ra đi. Cầu mong bác yên nghỉ bình an cõi vĩnh hằng” - Mai Thu Huyền, chia sẻ.

Không chỉ có những đồng nghiệp, nhiều khán giả cũng bày tỏ tình cảm thương tiếc khi NSND Trần Hạnh qua đời. Khán giả sẽ nhớ mãi những vai diễn của NSND Trần Hạnh - người nghệ sĩ tài hoa, “gốc phố” nhưng tâm hồn thấm đẫm tình quê.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.