Nhộn nhịp thị trường trà sữa giá rẻ

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay thị trường trà sữa giá rẻ, khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu đang bán tràn lan có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về tiêu thụ trà sữa

Theo công ty dịch vụ tư vấn Fortune Business Insights, giá trị thị trường trà sữa toàn cầu đạt 2,02 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 3,39 tỷ USD vào cuối năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,2% trong giai đoạn trên. Còn theo một báo cáo của Momentum Works và công ty giải pháp thanh toán kỹ thuật số Qlub cho thấy, niềm yêu thích với món trà sữa trân châu đã lan tỏa khắp Đông Nam Á và khiến ngành công nghiệp này chạm tới mức doanh thu 3,66 tỷ USD trong năm 2021. Theo báo cáo này, doanh thu ngành trà sữa Việt Nam đã lọt top 3 trong khu vực với 362 triệu USD, tương đương với 8.470 tỷ đồng, chỉ đứng sau Indonesia với 1,6 tỷ USD và Thái Lan là 749 triệu USD trong năm 2021.

Trong khi đó, theo một đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017. Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%). Trà sữa là thức uống được yêu thích thứ 2 tại Việt Nam, nó là món đồ uống giải khát khoái khẩu của rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên và cả nhân viên văn phòng. Thị trường này phát triển mạnh mẽ ở các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh,... giá dao động trung bình một ly trà sữa có thể từ 25 đến 70 nghìn đồng tùy từng thương hiệu, kích cỡ…

Nhộn nhịp thị trường trà sữa giá rẻ  - ảnh 1
Nhiều người đăng ký học pha chế trà sữa

Theo khảo sát từ Unica, trên địa bàn TP Hà Nội, có tới 50% người được hỏi cho biết họ mua ít nhất một cốc trà sữa mỗi tuần đơn giản vì loại đồ uống này ngon, hợp khẩu vị, nhanh gọn và thuận tiện cho việc mang đi. Mặc dù mỗi cốc trà sữa có giá không hề rẻ, song người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẵn sàng chi tiền để mua trà sữa quanh năm, cao điểm là vào mùa hè.

Chính vì giới trẻ có đam mê và có những người “nghiện” trà sữa với các loại topping (các loại thạch, trân châu, bánh flan… đi kèm) đa dạng mà ta có thể thấy trà sữa gần như “thống trị” thị trường nước uống. Thời gian qua, các cửa hàng trà sữa tại Việt Nam liên tục tăng nhanh về số lượng cửa hang với vài chục nhãn hiệu lớn và nhan nhản cửa hàng tư nhân. 

Trà sữa giá rẻ và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng

Hẳn người tiêu dùng vẫn còn nhớ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh và 3 kho cất giấu hàng hóa thuộc Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam (phường La Khê, quận Hà Đông) đã phát hiện hàng hóa tại cơ sở chủ yếu là nguyên liệu chế biến đồ uống, đặc biệt là nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu; siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal tea, Gongcha... bị bật tung, ẩm mốc, hàng đổ vương vãi.

Trên Fanpage của mình, Gong Cha đã ngay lập tức đính chính rằng đó là những nguyên liệu giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Gong Cha khẳng định rằng theo quy định toàn cầu, nguyên liệu của Gong Cha chỉ được phép sử dụng nội bộ cho hệ thống cửa hàng tại Việt Nam, tuyệt đối không được bán ra thị trường. 

Nhộn nhịp thị trường trà sữa giá rẻ  - ảnh 2
Các loại topping trong trà sữa đa dạng, bắt mắt

Dù thương hiệu đã khẳng định như vậy nhưng nhiều “tín đồ” trà sữa vẫn có thể dễ dàng mua các nguyên liệu được làm giả  hãng trên Shopee với giá thành rẻ chỉ từ 110-150 nghìn đồng/gói 500g. Khách hàng cũng chẳng khó tìm kiếm nguyên liệu làm trà sữa tại nhà nhái thương hiệu Phúc Long trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook với giá chỉ 30-59 nghìn đồng, được quảng cáo là nấu được 10-15 ly trà sữa từ 1 bộ nguyên liệu này.

Các tiểu thương ngoài bán những nguyên liệu nhái các hãng trà sữa nổi tiếng còn bán những loại trà sữa khác như: Vị sô cô la, khoai môn, dâu,… tràn lan trên các hội nhóm Facebook. Trong nhóm “sỉ set trà sữa rẻ nhất”, tài khoản N. Đ. H rao bán nhiều loại nguyên liệu làm các vị trà sữa khác nhau giá 35 nghìn/gói (500-600g), 3 gói chỉ 99 nghìn. Chủ tài khoản quảng cáo là hàng “xịn xò”, “ai nấu cũng được và ngon như ngoài hàng”…

Hầu như những sản phẩm này được đóng gói thủ công và đựng bằng túi zíp, chỉ ghi hướng dẫn cách nấu trà cho khách hàng chứ không có nguồn gốc xuất xứ hay các thông tin quan trọng khác nên người dùng khó có thể tin tưởng vào chất lượng. 

Các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ này có thật sự an toàn cho sức khỏe hay không là băn khoăn của nhiều người. Thời gian qua, nhiều vụ việc học sinh uống trà sữa phải nhập viện, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến trà sữa bẩn tràn lan trên thị trường nhưng giới “nghiền” trà sữa vẫn không màng quan tâm.

Vào đầu tháng 1/2023, sau khi ăn gà rán, uống trà sữa để liên hoan cuối năm, 19 học sinh cùng một lớp ở Bà Rịa TP Vũng Tàu xuất hiện triệu chứng bất thường: Đau bụng, nôn ói, phải nhập viện cấp cứu. Trước đó, cuối tháng 12/2022, 16 học sinh tiểu học tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) cũng phải nhập viện cấp cứu sau khi uống trà sữa.

TS. BS Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City cho biết, uống trà sữa không rõ nguồn gốc cũng đồng nghĩa với nguy cơ mỗi ngày bạn uống một lượng hóa chất độc hại cho cơ thể. Sử dụng trà sữa trong một thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm độc thực phẩm mãn tính. Để bảo vệ sức khỏe, bạn không nên sử dụng trà sữa khi không biết rõ nguồn gốc của nguyên liệu. Ngay cả việc tự làm trà sữa tại nhà cũng được các chuyên gia khuyến cáo: Sự kết hợp giữa trà và sữa sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Trà cũng đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể được hấp thu. Do vậy, bạn nên cân nhắc khi sử dụng.

Nhộn nhịp thị trường trà sữa giá rẻ  - ảnh 3
Trà sữa nhiều vị, trình bày hình thức đẹp

Nói về tác hại của trà sữa, TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì lợi ích, một số cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu.

Hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học. “Ngoài những nguy cơ về thừa năng lượng, gây tổn thương gan, thận và vô sinh, trà sữa được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Vấn đề này không đến từ bản thân trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này” - bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường sữa đã là điều không nên, đằng này lại tiêu thụ hằng ngày chắc chắn là không tốt và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường sữa có thể khiến bạn tăng cân, béo phì, thừa canxi và dẫn đến sỏi thận…

Việc uống đều đặn sau mỗi bữa ăn mỗi ly trà sữa nhiều đường nhiều sữa sẽ khiến bạn khó tránh những rủi ro không mong muốn về lâu dài. Không những người lớn bị thức uống này mê hoặc mà cả trẻ nhỏ cũng vậy, biết điều đó chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh, lưu ý khi cho trẻ nhỏ uống trà sữa: “Trẻ nhỏ vốn là đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những hạt trân châu nhiều màu sắc nên thường thích thú uống loại đồ uống này. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa còn yếu nên hấp thu loại thực phẩm này rất kém, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm, nôn, tiêu chảy, thậm chí sặc, ngạt thở vì cố hút loại hạt này” – chuyên gia cho biết thêm.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên chỉ nên uống trà sữa ở những nhãn hàng uy tín, không nên uống trà sữa chứa quá nhiều đường, cũng không nên uống món đồ uống này quá thường xuyên như uống hàng ngày hay uống nhiều lần trong ngày để tránh những hậu quả sức khỏe không mong muốn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.