Nhức nhối án mạng từ bạo lực giới

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều vụ việc bạo lực gia đình chỉ được phát hiện sau khi hậu quả nặng nề xảy ra, dù trước đó đã có những dấu hiệu rõ ràng. Tình trạng này sẽ giảm rất nhiều nếu các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị có sự nhạy cảm giới và bản thân nạn nhân được trang bị kỹ năng phòng ngừa.

Đau lòng những án mạng gia đình

Khoảng 19h ngày 22/9, tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, người dân khu nhà trọ nơi ông H.V.K (sinh năm 1968) và bà L.T.L (sinh năm 1978, cùng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bạc Liêu) sinh sống nghe tiếng la hét thất thanh của bà L. Khi đến kiểm tra, họ phát hiện bà L nằm gục trong nhà tắm, trên người có nhiều vết máu, còn ông K bị dao đâm vào ngực. Dù được đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, bà L đã tử vong. Được biết, nguyên nhân vụ việc là do mâu thuẫn, ông K đâm vợ rồi tự tử.

Ngày 1/9, tại Hà Nội, 4 người trong 1 gia đình trú tại quận Long Biên được phát hiện đã tử vong tại nhà. Cơ quan chức năng nhận định: Người chồng đã giết chết cả nhà, sau đó treo cổ tự tử.

 Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân xảy ra án mạng xuất phát từ mâu thuẫn giữa Huy (chồng) và chị T (vợ). Trước đó, vì nghi ngờ vợ ngoại tình nên Huy đã nhiều lần đánh vợ. Tháng 6/2023, dù hai người đã ly hôn nhưng Huy thường xuyên đến gặp vợ cũ để níu kéo tình cảm. Tối 31/8, Huy cùng vợ cũ và hai con đi ăn, sau đó về nhà ở Long Biên. Tại đây, khi đang nói chuyện hàn gắn tình cảm, cả hai phát sinh mâu thuẫn, Huy ra tay sát hại vợ con rồi tự tử.

Nhức nhối án mạng từ bạo lực giới - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trước đó, vụ thảm án tàn độc khiến 3 người trong cùng gia đình ở Tiền Giang bị giết đã khiến dư luận phẫn nộ trước hành vi của hung thủ. Theo đó, khoảng 3 giờ ngày 13/8/2018, nhân lúc cha vợ vắng nhà, Nguyễn Đăng Khoa (31 tuổi, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đã dùng dây dù thắt cổ giết vợ. Sau đó, Khoa sang phòng mẹ vợ dùng dây thắt cổ bà đến tử vong. Chưa dừng ở đó, hắn đuổi theo con riêng (5 tuổi) của vợ sát hại cháu ngoài vườn.

Ngày 4/8, tại tỉnh Tây Ninh, chị T (sinh năm 1991, trú tại huyện Bến Cầu) bị chồng đâm tử vong. Cả hai mới cưới nhau hơn 1 năm, có 1 con nhỏ khoảng vài tháng tuổi…

Những vụ việc trên chỉ là con số rất ít những vụ tương tự xảy ra thời gian qua. Thực tế, chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm Google cụm từ “vợ bị chồng đánh, nhốt, tẩm xăng, giết chết…” cho kết quả 10.000 tin, bài. Có thể thấy, án mạng gia đình diễn ra từ bạo lực gia đình không ít, để lại hậu quả rất đau lòng.

 Theo điều tra quốc gia do UNFPA hỗ trợ thực hiện năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi thì có gần 2 người từng trải qua ít nhất 1 hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý hoặc kinh tế trong đời. Bạo lực đối với phụ nữ còn là vấn đề bị che giấu với hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, một nửa số phụ nữ bị bạo lực không chia sẻ với ai về chuyện này. Bạo lực trên cơ sở giới đang gây ra thiệt hại đáng kể đến kinh tế Việt Nam, ước tính chi phí tổn thất chiếm 1,81% GDP.

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ im lặng khi trở thành nạn nhân bị bạo lực, trong đó có nguyên nhân từ bản thân người phụ nữ cho rằng đó là chuyện… bình thường; và chồng có quyền làm như vậy. Mặt khác, nhiều người cũng không biết chia sẻ với ai để giải quyết, thậm chí, gửi gắm tâm sự vào nơi không an toàn, tin tưởng nên lại bị chồng bạo lực lại nhiều hơn.

Cùng với đó là tình trạng những cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực giới đôi khi thiếu kỹ năng, thiếu nhạy cảm trong phát hiện, phòng ngừa ngay từ những dấu hiệu đầu tiên, để đến khi xảy ra hậu quả mới… vội vàng vào cuộc xử lý. Bấy giờ, hậu quả để lại đã ở mức nghiêm trọng.

Nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận diện bạo lực cho cán bộ và người dân

Các chuyên gia về giới phân tích: Nhạy cảm giới trong vấn đề phát hiện, phòng ngừa của những cá nhân và cơ quan liên quan là cực kỳ quan trọng. Nếu có nhạy cảm giới, họ sẽ biết được rằng, người bị bạo lực thường có cơ chế sợ hãi, không dám nói ra câu chuyện của mình vì rất nhiều lý do. Nạn nhân có thể nói dối, song người có nhạy cảm giới sẽ phát hiện vấn đề bất thường để tiếp tục xử lý.

Ví dụ, khi công an hay Hội Phụ nữ đến nhà, nạn nhân sẽ nói “gia đình tôi không có vấn đề gì”. Tuy nhiên, người làm công tác hoà giải cơ sở có sự nhạy cảm giới, họ sẽ tiếp tục quan sát, xem xét tin báo để tiếp tục theo dõi. Nếu xảy ra bạo lực, các lực lượng liên quan sẽ có mặt ngay, hoặc tìm cách tách người phụ nữ ra khỏi môi trường đang bị bạo lực, bảo vệ họ trước nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ.

Bạo lực gia đình là một vấn nạn cần được ngăn ngừa từ ban đầu và xóa bỏ trong cuộc sống. Do đó, mỗi thành viên cần có những kỹ năng phòng ngừa. Trước hết là kiến thức nhận diện được nguy cơ có thể trở thành nạn nhân, hoặc người gây ra bạo lực.

Nhức nhối án mạng từ bạo lực giới - ảnh 2
Ảnh minh họa

Do đó, trước khi lập gia đình hay chung sống lâu dài với ai đó, phụ nữ phải có sự hiểu biết, kỹ năng về những dấu hiệu liên quan đến bạo lực, để không chấp nhận bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Những dấu hiệu này có thể là ngôn từ, là việc bị mất cân bằng quyền lực trong gia đình như không có quyền quyết định cái gì, kể cả chuyện sinh hoạt vợ chồng, chuyện sinh con, vấn đề kinh tế... Nếu người chồng chiếm quyền kiểm soát mọi thứ, nghĩa là phụ nữ đang có nguy cơ bị bạo lực về tinh thần, kinh tế.

Mặt khác, chúng ta cần tuyên truyền để nam giới trước khi bước vào hôn nhân hiểu rõ về bình đẳng giới, về việc hôn nhân được xây dựng dựa trên sự chia sẻ và đồng thuận, cùng nhau vun đắp gia đình và nuôi dạy con cái. Người chồng không có quyền gây bạo lực hay kiểm soát đời sống của người khác dù đó là vợ, con hay là những người thân xung quanh. Người gây ra bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật, đều bị pháp luật xử lý…

Nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, Hội phụ nữ, các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phi chính phủ… cũng đã có nhiều chương trình, dự án đến các địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ và người dân về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

Ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia về giới chia sẻ, quá trình tập huấn không chỉ trang bị kiến thức cho người vợ mà cần thực hiện với cả người chồng hoặc người gây ra bạo lực. “Với nam giới, chúng tôi tập huấn kỹ năng “Hết giờ”, tức là khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng, kỹ năng đó giúp họ nhận diện những dấu hiệu đạt đến đỉnh điểm có thể dẫn tới bạo lực. Đó là dấu hiệu về suy nghĩ, cơ thể như mắt trợn, hơi thở nhanh, gấp gáp, cơ căng cứng… Sau đó là kỹ năng “Dừng lại”, tức là họ ra ngoài ít nhất trong vòng 1 tiếng. Lưu ý là đi ra ngoài một cách an toàn chứ không phải đi uống rượu. Trong quá trình đó, người chồng suy nghĩ về việc khi quay lại gặp vợ thì sẽ nói gì. Những kỹ năng này phải được tập luyện thường xuyên, sau đó là trang bị kỹ năng thương lượng, giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, kỹ năng giao tiếp tôn trọng…”- ông Đồng cho hay.

Cùng với đó, người phụ nữ cũng được tập huấn về kỹ năng “Dừng lại” và có sự trao đổi thống nhất, đồng thuận giữa hai vợ chồng. Trong phòng ngừa, kỹ năng “An toàn” là quan trọng hơn cả, nó diễn ra trước, trong và sau khi bị bạo lực. Chẳng hạn, người vợ khi nhận diện được các dấu hiệu nêu trên ở người chồng thì dừng mâu thuẫn, không khiêu khích. Tiếp đó, khi thấy chồng có nguy cơ đánh mình thì phải chạy ra ngoài, không chạy vào những nơi góc tường. Họ phải chuẩn bị trước những số điện thoại của lực lượng chức năng, Hội Phụ nữ và cơ sở trợ giúp để gọi điện xin hỗ trợ, hoặc ra “ám hiệu” với ai đó cho thấy mình bị bạo lực…

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ, trẻ em gái; khuyến khích nạn nhân chia sẻ vụ việc; chủ động thông tin với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực về giới. Đối với UBND các cấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường giải pháp khuyến khích tố giác, trình báo vụ việc, xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ bạo lực về giới; thông tin rộng rãi địa chỉ, số điện thoại của cơ quan, đơn vị như UBND các cấp, công an, cơ sở khám chữa bệnh, trợ giúp pháp lý… để người bị hại, cá nhân, tổ chức liên hệ khi cần hỗ trợ, bảo vệ…

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.