Những ám ảnh không dứt

Chia sẻ

Những năm gần đây, dư luận xã hội đã nhiều lần bàng hoàng trước những thông tin về các vụ án mẹ giết con mới đẻ rồi tự tử. Kết quả điều tra hầu hết đều xác minh người mẹ bất hạnh trong các vụ án thương tâm này đều là nạn nhân của hội chứng trầm cảm sau sinh.

Những “sát thủ” giấu mặt

Đầu năm 2021, trên đại bàn xã Bộc Bố, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, một em bé 4 tháng tuổi được xác định tử vong bất thường tại nhà riêng, trên cổ có nhiều vết bầm tím nghi bị bạo hành. Nghi phạm được xác định là chị Hoàng Thị Đ (SN 2000, mẹ cháu bé). Theo lãnh đạo xã, chị Đ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Thời gian xảy ra sự việc đau lòng, chồng chị Đ đang đi làm ăn xa. Do bố mẹ đẻ ở xa, còn bố mẹ chồng đều đã mất, một mình chị Đ chăm sóc con nhỏ mới sinh, không ai giúp đỡ. Đ khai tại cơ quan điều tra rằng, do thấy con khóc nhiều quá nên đã dùng khăn tã vải xô siết cổ bé đến chết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuối tháng 11/2020, tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, người dân phát hiện một cháu bé 9 tháng tuổi cũng tử vong trong xô nước nhà tắm, trong khi mẹ cháu bé nằm vật vã, khóc lóc trong phòng ngủ. Mẹ cháu bé khai, do bực tức vì con khóc, không chịu ngủ nên đã bế con vào phòng tắm, dìm trong xô nước. Đến lúc không còn nghe con khóc, chị báo với em trai mình đang ngủ ở phòng bên ra xem thì phát hiện bé đã tử vong. Được biết, người mẹ trẻ có hai con, cháu bé tử vong là con thứ hai. Mẹ cháu bé bị bệnh trầm cảm sau sinh hơn 2 năm nay và thường xuyên điều trị ở TP Hồ Chí Minh, vừa về một ngày trước.

Giữa tháng 8/2018, công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan lấy lời khai, lập hồ sơ xử lý về hành vi giết người với chị Nguyễn Thị T.H. Nguyễn Thị T.H (32 tuổi) khai bản thân lâm vào túng quẫn, trầm cảm do con bị bệnh hiểm nghèo, không có khả năng chữa trị. Chính vì vậy, H đã thuê nhà nghỉ, rồi nảy sinh ý định giết con rồi chết theo. H dùng dây sạc điện thoại sát hại con, sau đó, ra con kênh gần đó để tự tử nhưng không thực hiện được.

Ngày 3/9/2019, C.T.V (SN 1992, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, lúc đó đang mang thai 2 tháng) vì giận chồng đã lấy xe máy chở theo hai con (7 tuổi và 6 tuổi) về nhà bố đẻ. Dọc đường về, đi ngang qua con sông, chị V lúc bất ngờ dừng xe, tháo dép, áo khoác rồi ôm hai con nhỏ lao xuống sông…

Liên tiếp hàng loạt những vụ mẹ trẻ giết con thơ khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Điều đáng nói là “sát thủ” giấu mặt của những vụ án đau lòng ấy chính là căn bệnh trầm cảm quái ác.

Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm thần thường diễn ra ở 10-20% các bà mẹ, nhưng các triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở nhiều hơn nửa số sản phụ mới sinh em bé. Rối loạn này thường hết sức nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 2017, người mẹ trẻ ở Thạch Thất, Hà Nội vì trầm cảm sau sinh nặng đã dìm chết con trai hơn 1 tháng tuổi của mình trong chậu nước. Tại cơ quan điều tra, người mẹ khai nhận bản thân không cố ý và do bị trầm cảm. Người thân và hàng xóm cũng xác nhận, mẹ cháu bé có tiền sử bệnh tâm thần, người nhà (bố và ông nội) cũng “không bình thường” về tâm lý.

Bệnh lý nguy hiểm, nhưng nhiều phụ nữ mắc phải

Nhiều chuyện gia cho rằng, những vụ việc này cần được xem là một “bệnh án” chứ không phải là vụ án. Bệnh án thì nên được cảm thông và chữa trị vì “không người mẹ nào nhẫn tâm giết hại con mình”.

Quả thực, hơn 9 tháng mang nặng đẻ đau, không ít phụ nữ rơi vào trạng thái bối rối khi đối mặt với thiên chức làm mẹ. Sức khoẻ chưa hồi phục, họ lại phải đối mặt với chuyện chăm sóc em bé, áp lực từ phía gia đình, cách chăm sóc trẻ… Những cơn mất ngủ triền miên cộng với sự lơ là không quan tâm đến cảm xúc, trâm trạng của mọi người xung quanh khiến nhiều phụ nữ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Tại Việt Nam, theo thống kê của một số nghiên cứu sàng lọc cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh có thể lên tới 33%. Những phụ nữ từng mắc trầm cảm sau sinh có nguy cơ tái phát ở những lần sinh tiếp theo là 50%. Người có tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh là 25%. Nếu trong thời kỳ mang thai mắc trầm cảm mà ngưng thuốc sớm thì tỷ lệ tái phát sau sinh là 68%. Nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% tái phát trầm cảm sau sinh; 41.2% người bệnh trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rối loạn tâm thần sau sinh là rối loạn tâm thần ngắn có ba giai đoạn: buồn, trầm cảm, loạn thần. Sau sinh, có tới 30-50% phụ nữ rơi vào trạng thái buồn sau sinh với những triệu chứng cảm xúc dễ dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. Trầm cảm sau sinh chiếm 10-15% với biểu hiện khí sắc trầm buồn, lo âu quá mức, mất ngủ. Nặng hơn, phụ nữ rơi vào trạng thái loạn thần sau sinh với triệu chứng kích động, gây hấn, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng, giải thể nhân cách và có hành vi vô tổ chức.

Bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh cao gấp 2 lần so với nam giới. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mẹ như sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng, hành vi nguy hiểm. Thậm chí, một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.

Bên cạnh đó, trầm cảm sau sinh còn tác động đến đứa con của họ như giảm sự tương tác giữa mẹ và con. Việc này làm ảnh hưởng đến sự phát triển về nhận thức và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị trầm cảm ít biểu cảm ngôn ngữ hơn và chức năng nhận thức ngôn ngữ cũng kém hơn, trẻ cũng kém linh hoạt hơn so với những trẻ khác. Hậu quả này có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tính cách, tâm lý và trí tuệ của trẻ sau này. Nguy hiểm hơn, một số bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường cảm thấy sợ khi ở với con một mình, cảm thấy không có khả năng chăm sóc cho con, lo sợ mình và con mắc bệnh hiểm nghèo… từ đó xuất hiện ý nghĩ huỷ hoại con hoặc tự tử. “Cần tăng cường giáo dục sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho bà mẹ trước và sau sinh, quan tâm, hỗ trợ bà mẹ sau sinh trong việc chăm sóc con cái, tầm soát các trường hợp trầm cảm trong thời kỳ mang thai và các trường hợp có tiền sử liên quan đến trầm cảm trước đó là những việc làm hiệu quả giúp bà mẹ sau sinh cải thiện sức khoẻ tinh thần, phòng tránh, phát hiện sớm và vượt qua trầm cảm” – BS Hồng Thu phân tích.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.