Những “bóng hồng” tại châu lục lạnh nhất thế giới

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tại châu Nam Cực, có một bưu điện đặc biệt mang tên “Bưu điện chim cánh cụt”. Bưu điện này hoạt động dưới sự điều tiết của một nhóm 4 người phụ nữ.

Những người phụ nữ làm việc ở nơi “tận cùng” Trái đất

Nhóm 4 phụ nữ được lựa chọn vào công việc đặc biệt ở đảo Goudier – nơi xa xôi và lạnh lẽo nhất Trái đất gồm: Lucy Bruzzone, quản lý cơ sở. Lucy phụ trách điều phối các tàu đến thăm và liên lạc với các nhà lãnh đạo đoàn thám hiểm. Cô rất hào hứng khi nộp đơn xin gia nhập: "Ước mơ cả đời của tôi là được làm việc ở bưu điện Nam Cực. Tôi nóng lòng được đến nơi chim cánh cụt đẻ trứng". Mairi Hilton, chuyên viên giám sát động vật hoang dã, cô đảm nhiệm vai trò giám sát động vật hoang dã, chịu trách nhiệm chính trong việc đếm số lượng chim cánh cụt trên đảo và để mắt đến đàn con mới sinh và tổ của chúng. Natalie Corbett đã rời xa chồng con để đến Nam Cực làm việc ngay sau khi trúng tuyển. Cô đã tham gia vào ngành bán lẻ hơn 10 năm, đảm nhận gánh nặng của người quản lý cửa hàng quà tặng. “Em út” 23 tuổi Clare Ballantyne, quản lý bưu điện, chịu trách nhiệm xử lý khoảng 80.000 bưu thiếp gửi đến hơn 100 quốc gia.

Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn với tỉ lệ chọi “khủng” lên tới 1/1.000, nhóm 4 người còn phải tiếp tục trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt ở Anh, rồi vượt qua hành trình gần 13.000km bằng máy bay và thuyền trải dài từ Bắc tới Nam Bán cầu.

Để có thể tới làm việc, Hải quân Hoàng gia Anh không chỉ hỗ trợ họ vượt biển, mà còn giúp dọn lớp tuyết dày 4m bao phủ quanh bưu điện đặc biệt này. Nam Cực quanh năm đóng băng với tuyết, ngay cả trong mùa hè. Nhiệt độ trung bình của bưu điện ở Port Rockroy là từ -15°C đến 5°C. 4 nhân viên phải làm việc ngoài trời lạnh giá vài giờ mỗi ngày.

Ballantyne cho hay: “Chim cánh cụt có ở khắp mọi nơi”. Điều này dẫn tới một trong những nhiệm vụ chính của họ là đếm số lượng chim cánh cụt. Những con số mà các cô gái ở “Bưu điện chim cánh cụt” thu thập được thậm chí còn trở thành dữ liệu khoa học quý về mô hình sinh sản của loài chim cánh cụt Gentoo (loài chim cánh cụt bơi nhanh nhất thế giới với tốc độ đạt 36 km/h).

Những “bóng hồng” tại châu lục lạnh nhất thế giới  - ảnh 1
Nhóm 4 người phụ nữ làm việc ở “Bưu điện chim cánh cụt”. Ảnh: CNN

Đây chắc chắn không phải là một công việc lý tưởng, đặc biệt với phụ nữ. Trong vòng 5 tháng, 4 người phụ nữ phải vượt qua hàng loạt khó khăn như thiếu thốn không gian sinh hoạt, không có nước ngọt, không có internet, lạnh giá và thiếu thức ăn cũng như phương tiện sưởi. Họ còn phải làm việc liên tục 2 tuần mới có 1 ngày nghỉ.

Lucy Bruzzone cho biết: “Đây thực sự là một trải nghiệm rất thử thách và ban đầu gây khó chịu. Chúng tôi phải ở chung trong một không gian rất chật hẹp, hoàn toàn không có nơi nào riêng tư. Chúng tôi phải sử dụng tiết kiệm thực phẩm bởi chúng hầu hết được đóng hộp hoặc sấy khô”. Mô tả về công việc hàng ngày của mình, Mairi Hilton nói: “Chúng tôi phải đi bộ quanh hòn đảo thật chậm rãi để có thể quan sát mọi thứ, đặc biệt là những thứ nhỏ ít được chú ý, như sên biển, sao biển, rêu và các loài nhuyễn thể. Chúng tôi cần phải đảm bảo mình không bỏ sót bất cứ thứ gì”.

Bưu điện của những chú chim cánh cụt

Port Lockroy được xem là một cơ sở nghiên cứu khoa học, nhưng kiêm nhiệm thêm chức năng của bưu điện, bảo tàng và cửa hàng quà lưu niệm. Cụm công trình này tọa lạc trên hòn một hòn đảo nhỏ có diện tích xấp xỉ một sân bóng đá, thuộc khu vực do nước Anh quản lý ở phía tây bán đảo Nam Cực - một trong những vùng khô và lạnh nhất trên Trái đất, cũng là nơi sinh sống của hơn 1.000 con chim cánh cụt Gentoo.

 Được xây dựng từ năm 1944, cơ sở này chính là căn cứ cố định đầu tiên của Vương quốc Anh tại “lục địa băng”. Sau đó, Port Lockroy đã trở thành điểm hẹn cho các nhà thám hiểm, nhà khoa học.

Gần đây, địa điểm này còn thu hút đông đông đảo khách du lịch. Chỉ trong mùa du lịch 2022 - 2023, đã có gần 16.000 du khách từ hơn 200 con tàu đi qua khu vực, biến nơi đây thành một trong những điểm nhộn nhịp nhất ở châu Nam Cực. Theo đó, các tour du lịch đến Nam Cực đã tăng nhanh trong thập niên vừa qua.

Mỗi năm, ở đây có một nhóm được tuyển chọn khắt khe để đảm nhiệm việc điều hành và bảo trì cơ sở trong vòng 4 tháng. Từ tháng 11 đến tháng 3 chính là thời điểm mùa hè ở Nam bán cầu do đó đây cũng là thời điểm “ấm áp” nhất ở châu lục này. Sau đại dịch Covid-19, có khoảng 4.000 người đã đăng ký tham gia ứng tuyển làm việc tại “Bưu điện chim cánh cụt” nhưng chỉ có 4 phụ nữ được chọn.

Nữ quản lý Vicky Inglis chia sẻ: “Nam Cực không giống bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Quy mô nơi này quá rộng lớn, lại rất nguyên sơ, không khí rất trong lành. Đột nhiên bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới”.

Công việc của những cô gái ở “Bưu điện chim cánh cụt” tuy thầm lặng nhưng lại mang ý nghĩa to lớn, khẳng định sự kiên cường, sự dẻo dai và sức bền cũng như trí tuệ của phụ nữ không thua kém gì nam giới. Thậm chí họ còn nỗ lực để làm tốt công việc của mình ngay cả trong những điều kiện gian khổ bậc nhất.

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

(PNTĐ) - Là một phụ nữ mang trong mình những đam mê cháy bỏng, cùng kiến thức rộng lớn về các loại cỏ cây hoa lá, Thu Hiền Nguyễn đã phác họa nên “Hoa 10 Giờ” - tiệm hoa tươi phong cách cổ điển đầu tiên tại Việt Nam bằng tất cả niềm đam mê, nỗ lực và một tâm hồn hướng thiện.
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ.