Những cánh hoa tin yêu
Gió hè đưa hương hoa sử quân tử vấn vít quanh nhà, tỏa lan khắp ngõ xóm. Nếu mùa hè đẹp nhất là những đêm trăng thì những đêm trăng mùa hè càng đẹp hơn bởi sắc hương sử quân tử...
“Bà ơi, sử quân tử cũng là loài hoa của mùa hè, bà nhỉ?”. Buổi tối mùa hè trăng thanh, gió mát, tôi đứng giữa sân nhà, dưới dàn sử quân tử đương mùa rộ hoa, ngẩng lên vừa ngắm vừa thỏa sức hít hà mùi hương. Bà xoa đầu tôi, cười ấm áp: “Không chỉ là loài hoa của mùa hè, đây còn là loài hoa gắn liền với nhiều kỷ niệm của bà cháu ạ…”.
Sử quân tử, người ta còn gọi là hoa giun, một loài thực vật thuộc họ trâm bầu, thân leo. Sử quân tử có thể phát triển quanh năm, nhưng xanh tốt nhất vẫn là vào hè. Dù là hoa đơn hay hoa kép, sử quân tử đều có sự chuyển biến màu sắc thật diệu kỳ: khi mới nở, hoa có màu trắng rồi dần chuyển sang màu hồng phấn; lúc đủ nắng, hoa sẽ chuyển sang màu đỏ thắm rồi tím phớt. Vẻ dịu dàng, mộc mạc, nữ tính nhưng không kém phần sang trọng cùng hương thơm nồng nàn của những cánh hoa sử quân tử đã góp cho hương sắc mùa hè càng thêm rực rỡ.
Bà bảo, sinh thời, ông từng nói: Hoa sử quân tử là biểu tượng cho người quân tử bền bỉ, thanh cao. Dù giông bão, nắng mưa, hoa vẫn vươn mình xanh tốt. Tôi nở nụ cười tươi rói, tựa đầu vào lòng bà, bàn tay búp măng mềm tựa cánh hoa thơm, mải mân mê đôi tay hằn rõ từng đường gân xanh chằng chịt của bà, vô tư hỏi: “Bà ơi, hoa sử quân tử còn là biểu tượng cho tình yêu hả bà?”. Bà ngạc nhiên: “Sao cháu biết?”. “Vì cháu nghe ba cháu nói vậy. Hoa đẹp như tình yêu của của bà với ông ấy!”.
Bà kể cho tôi nghe về sự tích hoa sử quân tử gắn liền với mối tình cảm động, sắt son giữa chàng Bông Hương và nàng Ờm ở xứ Mường Ống thời xưa. Bà nhẩm lại câu thơ đã nằm lòng: “Dù sông sâu có cạn/ Núi đá cao có mòn/ Hai ta vẫn cứ nên duyên chồng vợ”. Rồi bà dằng dai kể về tình yêu của ông bà. Rằng thuở còn đôi mươi, bà thương ông không chỉ vì ông hiền lành, chăm chỉ, quan tâm bà mà xúc động hơn còn vì món quà ông tặng. Đó là một nhành sử quân tử với vô số những bông hoa trắng, hồng đan cài hài hòa, thoảng thơm dịu nhẹ.
Ông đi bộ đội biền biệt, bà ở nhà mỏi mòn ra vào ngóng trông. Dẫu phương trời xa cách, dẫu thời gian dằng dặc, tình yêu bà dành cho ông vẫn như cánh hoa sử quân tử ngày hè, càng trở nên rực rỡ, ngào ngạt ngát thơm. Đất nước thống nhất, ông trở về, trên tay cầm một cành sử quân tử được cuộn thành vòng, khuôn mặt dạn dày sương gió, ông hạnh phúc đặt vào tay bà: “Em thích trồng cây sử quân tử ở trước cổng ngõ hay bên hiên nhà?”. Bà cứ thế rưng rưng, ôm chặt lấy ông, nức nở khóc vì hạnh phúc.
Bà nhớ, có lần ngắm hoa, ông đến bên, nắm lấy tay bà, tếu táo: “Những bông hoa sử quân tử này sao giống vợ của anh thế, vừa đẹp lại vừa thơm!”. Thế là bà bẽn lẽn, đỏ bừng hai má: “Đời thuở nhà ai, làm mẹ của hai thằng con trai lớn tướng, sắp có vợ đến nơi rồi mà còn khen… đẹp!”. Nói vậy nhưng bà vẫn thoáng vẻ thẹn thùng và cảm thấy rất hạnh phúc khi được ông khen.
Đã hơn mười năm, ông xa bà về với tổ tiên, để lại mình bà bên con cháu. Gốc sử quân tử ông trồng mấy chục năm trước cũng đã nhiều lần được cải tạo, trồng đi trồng lại bằng chính những cành to khỏe nhất. Cây vẫn tươi tốt suốt bốn mùa, và mùa hè năm nào, hoa cũng khoe sắc, đưa hương ngát.
Đêm hè về êm tựa những câu chuyện kể của bà. Gió hè đưa hương hoa sử quân tử vấn vít quanh nhà, tỏa lan khắp ngõ xóm. Nếu mùa hè đẹp nhất là những đêm trăng thì những đêm trăng mùa hè càng đẹp hơn bởi sắc hương sử quân tử. Từ bao giờ, tôi đã yêu màu hoa ấy, màu hoa của niềm tin và hy vọng, của yêu thương dạt dào, của những điều bình dị mà thiêng liêng, đáng quý đến vô ngần.
XANH NGUYÊN