Những “chiến binh của nghịch cảnh”

TRƯƠNG HẰNG - THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Cuộc sống không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Nhiều người khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ lại tìm thấy cơ hội để vươn lên. Họ giống như những đóa hoa nở trên đá, như những chiến binh dũng cảm chiến thắng nghịch cảnh, khẳng định bản thân và truyền cảm hứng cho cộng đồng, xã hội.

Tìm hy vọng trong tuyệt vọng

Đến nay, rất nhiều thế hệ học sinh trong các nhà trường biết tới và yêu thích những cuốn sách dịch như “Cây cam ngọt của tôi”, “Được học”, hay truyện ngắn “Sống trong chờ đợi”, truyện cực ngắn “Những ngọn lửa”, đặc biệt là tự truyện “Không gục ngã” của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan. Sở dĩ tác phẩm của chị có thể chạm tới trái tim nhiều người đọc như vậy là bởi đó là câu chuyện chân thực về nghị lực sống của chính chị. “Như cuốn tự truyện “Không gục ngã”, nó đã cung cấp cho người đọc một bằng chứng rõ ràng rằng: Trong hoàn cảnh khó khăn như tôi nếu không rời bỏ hy vọng thì tương lai tươi sáng không rời bỏ mình” – nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ.

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Thái Bình, hiện sống ở Hà Nội. Chị được biết tới là một tấm gương tự học, một người phụ nữ đầy nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Biến cố xảy đến với chị vào năm 14 tuổi, lúc chị đang học lớp 8. Không may mắc chứng loạn dưỡng cơ nên hành trình đến trường của chị phải dừng lại.

Đây là một căn bệnh nan y mà lựa chọn duy nhất của chị thời điểm đó là chờ y học tiến bộ, tìm ra phương thuốc chữa bệnh. Với chị khi ấy, đất trời đã sụp đổ. Nhưng sau một thời gian trống rỗng, loay hoay, nhờ động viên của gia đình và nhờ nghị lực của chính bản thân, chị đã lấy lại được tinh thần, tìm thấy con đường thoát khỏi bế tắc cho cuộc đời mình. Hành trình tự học của chị cũng bắt đầu từ đó.

Những “chiến binh của nghịch cảnh” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vốn sinh ra trong một gia đình mà từ ông bà tới bố mẹ đều trọng chữ nghĩa nên chị đọc rất nhiều tác phẩm văn chương, rồi tự học thêm tiếng Anh để đọc được những tác phẩm nước ngoài. Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan nhớ lại: “Hồi ấy khoảng đầu những năm 90, ở làng quê Việt Nam rất ít người biết tiếng Anh, làng tôi cũng không ai biết. Phải lên cấp 3 học sinh mới được làm quen với những chữ cái đầu tiên, đó cũng chỉ là tiếng Anh sơ đẳng. Trong hoàn cảnh đó, vì nghỉ học từ lớp 8 nên tôi còn không được nhận kiến thức sơ đẳng ấy, mà phải tự học miệt mài trong suốt 6 năm từ những cuốn từ điển, giáo trình cũ mà mọi người gửi cho. Rồi vừa học tôi vừa dạy lại tiếng Anh cho học sinh trong làng. 

Tới khi sức khỏe yếu hơn, không thể dạy học, tôi lại trăn trở phải tìm một công việc gì đó để mỗi ngày trôi qua của mình trở nên hữu ích, để sự tồn tại của mình có lý do để sống. Một người thân gợi ý là tại sao tôi không dịch các tác phẩm Văn học, vì tôi từng là học sinh chuyên văn, lại đã từng đọc rất nhiều tác phẩm tiếng Anh. Thấy rằng đó cũng là một lựa chọn hay, một công việc giúp tôi ít phải đi lại, tương tác, giữ sức khỏe nhưng vẫn đem lại niềm vui và có ích. 

Ngay từ tác phẩm dịch đầu tiên “Đừng nghi ngờ tình yêu của anh” của tác giả người Úc Daisy Thompson vào năm 2002, chị đã thành công, được nhà xuất bản và đọc giả đón nhận. Dịch sách cũng không phải nhàn nhã nhưng trong suốt những ngày làm việc, chị chưa từng kêu ca về khó khăn, mệt nhọc bởi chị coi đó là phương thuốc chữa bệnh của mình, là niềm hạnh phúc khi mỗi tác phẩm dịch xong một thông điệp nhân văn lại được gửi tới mọi người.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan từng chia sẻ, chị nắm trong tay “bộ chìa khóa vượt khó”, bao gồm: Lòng yêu đời, sự kiên nhẫn và niềm tin rằng, thách thức dù có lớn đến đâu cũng không mạnh bằng sức mạnh của con người. 

Những “chiến binh của nghịch cảnh” - ảnh 2
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan

Bằng nghị lực phi thường, vượt lên trong nghịch cảnh, chị đã đạt được những thành tựu mà có lẽ nhiều người bình thường cũng khó làm được. Năm 2010, chị nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Triệu phú ổ chuột” và trở thành hội viên Hội Nhà văn.

Đến nay, số lượng tác phẩm sách dịch của chị đã lên tới con số 52, đó toàn là những tác phẩm đình đám. Ngoài ra chị còn có 4 tác phẩm sáng tác, gồm tự truyện, truyện ngắn, truyện cực ngắn… Mỗi tác phẩm đều là tâm huyết, tình cảm chị gửi gắm vào đó, mong muốn sẽ lan tỏa thật nhiều giá trị nhân văn, tốt đẹp đến với mọi người.

Tự tin đi đến ước mơ

Không may mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng với nhiều chị em, đó không hoàn toàn là điều bất hạnh, đôi khi còn là động lực để các chị nỗ lực, sáng tạo, làm việc chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn để đến gần với ước mơ dù là nhỏ bé nhất.

Trong lễ trao giải cuộc thi "Tôi khỏe đẹp hơn" (cuộc thi về thử thách ăn uống lành mạnh để có vóc dáng đẹp) do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 11/2022, có một gương mặt khiến nhiều người có mặt trong chương trình phải nể phục và nhớ mãi.

Chị là Trần Thu Phương, sinh năm 1982 đến từ Quảng Ninh – người đạt giải Đặc biệt. Nhưng trên hết cả, chị là người phụ nữ bản lĩnh, nghị lực, vượt qua căn bệnh hiểm nghèo ung thư phổi, luôn hướng về tương lai phía trước.

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Phương cho hay: Tháng 6/2021, tôi nhận được một cú sốc lớn khi bác sĩ thông báo mình bị ung thư phổi giai đoạn 4, đã di căn và không thể mổ hay can thiệp được nữa. Tôi khi ấy mới 39 tuổi, phía trước còn rất nhiều điều mong muốn làm và chưa làm được.

Với một trái tim suy sụp, tôi thật sự không thể chấp nhận được việc mình còn trẻ như vậy mà đã bị ung thư. Cùng với "án tử" treo lơ lửng trên đầu, tôi còn bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ độ 2, phù 2 tay, phù 2 chân và thay đổi hết tay này chân kia trong một thời gian dài mà không tìm ra nguyên nhân. Cô gái cao 1m72 khi ấy nặng tới 69,8kg. 

Những “chiến binh của nghịch cảnh” - ảnh 3
Chị Trần Thu Phương được trao giải đặc biệt trong một cuộc thi mang tên “Tôi khỏe đẹp hơn”.

Nhưng nhìn lại tình trạng sức khỏe của mình, thay vì chán nản, gục ngã, chị Phương đã có bản lĩnh, nghị lực vượt lên chính mình. Chị muốn những ngày được sống phải là những ngày thật đẹp.
Chị cũng khát khao mình có một vóc dáng đẹp như nhiều phụ nữ khác. Để cải thiện tình trạng sức khỏe, chị quyết tâm, vui vẻ luyện tập thể dục và tham gia một khóa học tư vấn về dinh dưỡng, chế độ ăn hợp lý. Sau 3 tháng kiên trì và nghiêm túc tuân thủ, chị đã giảm được 9,7kg, tình trạng sức khỏe không hề ảnh hưởng. 

Việc làm của chị Phương có thể không quá lớn lao, nhưng nó là câu chuyện truyền cảm hứng cho không ít chị em phụ nữ, những người "lành lặn" hơn mình với một thông điệp rằng: Chỉ cần chúng ta có ước mơ và nỗ lực, làm việc chăm chỉ, đặt mục tiêu rõ ràng thì dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể thành công. Cuộc sống là vậy, không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Từ những việc làm nhỏ, chúng ta có thể làm được nhiều việc lớn hơn.

Đó cũng là thông điệp mà chị Nguyễn Thị Quyên (Quảng Ninh) và nhiều người đồng bệnh của chị mong muốn gửi gắm tới mọi người. Ngày 17/11/2016, khi chỉ còn cách ngày sinh nhật một tuần, chị Quyên bàng hoàng nhận tin mình bị ung thư máu. Những ngày đầu nằm trên giường bệnh, chị đã khóc rất nhiều: “Mình oán giận bản thân và luôn tự trách sao ông trời lại chọn mình? Mình sẽ sống được bao lâu? Cuộc đời mình sẽ chẳng còn gì nữa?… Những ý nghĩ u ám luôn đeo bám mình trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Mình khát khao được sống, được ở bên hai con gái bé bỏng và những người thân yêu. Mình phải trả ơn cha mẹ, người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã an ủi, chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần, không ai bỏ rơi mình cả…”.

Nhưng những suy nghĩ ấy từ lúc nào đã biến thành động lực để chị bước tiếp, chiến đấu với bệnh tật, tự mình không cho phép bản thân đầu hàng trước những đau đớn, mệt mỏi trong quá trình ngày nằm viện. Có những khi toàn thân đau nhức, suy kiệt, không nuốt nổi một miếng cơm nhưng chị đều gắng gượng vượt qua; đem ý chí, sự cố gắng vào từng khoảnh khắc, từng bữa ăn, từng suy nghĩ để không gục ngã: “Mỗi bát cháo, mỗi bữa cơm, mình đều dành tâm thức để ăn, ăn với sự yêu thương, ăn thêm phần động viên của con, ăn thêm phần bạn K. Từ không ăn được mình phấn đấu bữa ăn sau phải hơn bữa ăn trước, dù chỉ một thìa cháo, một miếng cơm, một ngụm nước và một nụ cười…”. Nhờ sự kiên cường và suy nghĩ tích cực, đến nay, chị Quyên đã đi qua hành trình 6 năm chung sống bình yên với ung thư.

Nghịch cảnh, bất hạnh đã “thử lửa”, đem đến cho đời những nữ chiến binh mạnh mẽ, tuyệt vời như thế.

Ảnh: T.H

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.