Những cô gái “kim cương” của bóng đá Việt

Chia sẻ

Chiến tích lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết World Cup giúp các tuyển thủ nữ Việt Nam nổi tiếng, có khoản thưởng mà họ chưa từng dám mơ tới.

Nhưng để có thành công đó, “các cô gái kim cương” đã phải trải qua những tháng ngày mùa hè không có điều hoà, mùa đông không có nước ấm tắm và thu nhập thì không đủ sống, phải làm thêm nhiều nghề tay trái. Đáng nói hơn, những tuyển thủ được hưởng thành quả trên chỉ là nhóm nhỏ, còn rất nhiều cầu thủ ở các CLB vẫn đang sống với những vất vả, nhiều lúc họ muốn bỏ đam mê để đi làm... công nhân.

Chiếc điện thoại iPhone của phóng viên đang livestream bỗng tắt ngóm vì nhiệt độ nóng vượt quá ngưỡng cho phép. Những chiếc máy ảnh thì nóng ran dù đã được che ô. Phóng viên ảnh ở bốn góc sân phải đổ nước vào khăn, trùm lên đầu để giải nhiệt. Thời tiết lúc 15h nắng nóng, oi bức, không một chút gió. Thế nhưng, trong tiếng nhạc, thầy trò ông Mai Đức Chung vẫn cùng nhau bước ra sân quyết đấu ở SEA Games, để có thể mang về tấm HC vàng mà cả nước mong mỏi.

Những “cô gái kim cương” của bóng đá ViệtNhững “cô gái kim cương” của bóng đá Việt

Điều ấn tượng nhất trong trận đấu năm 2017 đó không phải là những pha tranh bóng máu lửa hay những bàn thắng, mà là hình ảnh chiếc quần một nữ tuyển thủ đang từ màu trắng, chuyển sang... đỏ sau 30 phút chạy. Giữa hiệp, cô thay một bộ trang phục khác rồi lại tiếp tục chiến đấu, giữa cái nắng như đổ lửa. Trong đội hình trận đấu khó quên năm đó, có người đã nghỉ thi đấu như thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh, tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thuỳ hay tiền vệ Vũ Thị Nhung… nhưng vẫn còn đó những cầu thủ vừa giúp bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023 như trung vệ Chương Thị Kiều, tiền vệ Tuyết Dung hay tiền đạo Huỳnh Như. Chứng kiến cảnh cầu thủ “đến ngày” vẫn ra sân, hẳn không nhiều người còn muốn cho con gái họ theo nghiệp quần đùi áo số.

Nhưng đó chỉ là một phần nổi trong tảng băng của những vất vả mà cầu thủ nữ phải chịu đựng khi chọn theo nghề cầu thủ. “Cầu thủ nữ khổ lắm. Họ chịu khổ thành quen, tôi thương lắm”, HLV Mai Đức Chung rớm nước mắt khi được hỏi về đời sống cầu thủ nữ. “Trước đây, ở các địa phương, phòng sinh hoạt của nữ cầu thủ nằm dưới gầm cầu thang sân vận động. Trời nắng, nền nhiệt gần 400C mà không có điều hoà, cả đêm không ngủ được. Rồi mùa đông, lạnh mà không có lấy cái bình nước nóng để tắm. Tôi từng phải đi xin cho chúng một chiếc bình nước nóng chứ mùa đông tập về tắm nước lạnh thì cảm hết”.

Vất vả như vậy nhưng thu nhập thì chẳng được là bao. Mức lương trung bình của cầu thủ những năm 2019 là khoảng 1,9 triệu đồng, chỉ đủ mua một đôi giày “xịn” để đá bóng. Sau nhiều lần được nâng, hiện tại mức thu nhập của các cầu thủ tầm trung ở CLB cũng chỉ vào khoảng 5 triệu đồng. Thế mới có chuyện nhiều cầu thủ của CLB Thái Nguyên từng bỏ bóng đá để đi làm công nhân năm 2019. HLV Đoàn Việt Triều than thở: “Trừ đi ngày cuối tuần, mỗi tháng các cháu được chấm 22 ngày công, mỗi ngày 60.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, nhiều cháu xin nghỉ để đi làm việc khác. Chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh các cháu nên không cấm cản được”.

Cầu thủ nữ Việt Nam ăn mừng lần đầu tiên giành vé dự World CupCầu thủ nữ Việt Nam ăn mừng lần đầu tiên giành vé dự World Cup

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Quỳnh đam mê bóng đá rất lớn, bố mẹ cấm cản không nổi nhưng năm 2015 đã quyết định bỏ bóng đá. Cô gái trẻ sinh năm 1995 bảo “thích đá bóng nhưng tiền hỗ trợ quá ít ỏi, chẳng đủ sống”. Vậy nên cô rẽ ngang làm công nhân, rồi mỗi khi có giải lại xin nghỉ làm về tập và thi đấu cùng đội. Tiền “lót tay” của tiền vệ Nguyễn Quang Hải một năm thôi cũng đủ để nuôi cả một đội bóng nữ sống khoẻ. Nói thế để thấy chênh lệch thu nhập giữa bóng đá nam và nữ nó khủng khiếp đến mức nào.

Tuyển nữ Việt Nam vừa giành vé vào World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đón cơn mưa tiền thưởng, với hơn 25 tỷ đồng tiền mặt cùng rất nhiều hiện vật như xe máy, điện thoại, các chuyến nghỉ dưỡng… Đó là đợt thưởng “chưa từng có trong cuộc đời” như các cầu thủ tâm sự. Nhưng đó là ở đội tuyển, còn biết bao cầu thủ chấn thương hay cùng đội tập trung nhưng ra về khi đội chốt danh sách vẫn là tay không, họ không khỏi tâm tư. Và đội tuyển chỉ là một tập thể nhỏ, phía dưới còn hàng trăm cầu thủ ở các CLB vẫn tiếp tục sống với những đồng thu nhập ít ỏi.

Vật chất kém, sự cổ vũ tinh thần dành cho các cầu thủ nữ cũng đáng buồn. Chuyện những trận đấu ở giải vô địch quốc gia nữ có khán đài vắng như chùa bà Đanh hầu như năm nào cũng diễn ra. Đá dưới sân, cầu thủ nhìn lên chỉ thấy vài đồng nghiệp ở các đội khác tới “xem giò” là chính. Thậm chí nhiều trận của đội tuyển quốc gia cũng thưa thớt người xem.

“Tôi xuất thân từ bóng đá nam, làm bóng đá nam nhiều rồi, trước khi chuyển sang bóng đá nữ. Nói thật là khi so sánh tôi cũng chạnh lòng, thương các cháu. Tại sao cũng là thi đấu 90 phút, thậm chí là 120 phút, dưới thời tiết nắng nóng và cả mưa giá mà nữ không có khán giả tới sân cổ vũ. HLV hay cầu thủ cũng suy nghĩ chứ. Nhưng chúng tôi hiểu không chỉ Việt Nam, trên thế giới người ta cũng quan tâm tới bóng đá nam nhiều hơn, ít tới nữ, nên chúng tôi phải quen. Tôi chỉ biết động viên các cầu thủ cứ hết mình đi, chơi tốt đi rồi khán giả sẽ đến”, HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ.

Nữ tuyển thủ Tuyết DungNữ tuyển thủ Tuyết Dung

Tuyết Dung tự nhận mình là cầu thủ may mắn, khi thường xuyên có mặt ở đội tuyển, chinh chiến ở mọi giải đấu. Cô có mọi danh hiệu, được người hâm mộ biết đến cũng có khoản thu nhập tốt, thuộc hàng đứng đầu nữ cầu thủ Việt Nam. Nhưng tiền vệ với khả năng đá phạt góc ghi bàn thuộc hàng hiếm trên thế giới lại có một nỗi khổ khác là chuyện chồng con. “Nhiều lúc bố mẹ cũng chưa hiểu cho chuyện tình cảm của tôi”, Tuyết Dung bật khóc khi nói về câu chuyện tế nhị của mình.

Lúc bé, Tuyết Dung thân với bố. Nhưng rồi khi lớn lên, bố giục nhiều chuyện lập gia đình khiến khoảng cách giữa hai người ngày một lớn. Giờ cô ít tâm sự với bố mà trò chuyện nhiều với mẹ. “Lắm lúc cũng chỉ muốn cho con cái có tuổi, lập gia đình, yên bề gia thất như bạn bè nhưng chưa được”, bố Tuyết Dung buồn kể. Rồi ông cũng rầu lòng khi con cắt tóc ngắn như con trai.

Chuyện tình cảm của cầu thủ nữ đôi khi lại là chuyện tế nhị. Họ sẽ không khỏi chạnh lòng khi người khác nhắc tới. Đã có không ít tuyển thủ nữ sau khi giải nghệ đã không lập gia đình, thậm chí có người cưới ít lâu rồi cũng đường ai nấy đi. Và ở các CLB thì cũng thường xuyên có chuyện cầu thủ bị bố mẹ bắt nghỉ đá bóng về lấy chồng, nhất là ở các đội như Sơn La, Thái Nguyên…Và bạn cũng đừng thấy lạ nếu hai tuyển thủ nữ đi với nhau, người thì thục nữ, người thì tóc ngắn, ăn mặc lịch lãm như nam.

NHẬT MINH

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.