Những “đóa hoa” tiếp “lửa” cho “cuộc chiến” phòng chống dịch Covid-19

Chia sẻ

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ - những người được coi là “phái yếu” trong xã hội.

Thế nhưng, nhiều chị em đã vượt qua khó khăn, vừa chăm lo gia đình, vừa đảm đương công tác xã hội với nhiều sáng kiến hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phòng, chống dịch, thể hiện vị thế, vai trò tiên phong, sáng tạo của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh.

“Tiếp lửa” cho tuyến đầu chống dịch

Chị Nguyễn Thị Luyến, sinh năm 1982, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có gần 20 năm tham gia công tác Hội. Dù ở cương vị nào, chị cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, chu đáo, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, với tình thần “chống dịch như chống giặc”, chị Luyến đã chủ động cùng các chị em trong BCH Hội LHPN thị trấn có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Chị chia sẻ: Với vai trò của người thủ lĩnh đứng đầu trong tổ chức Hội cơ sở, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, với tinh thần xung kích, chị đã trực tiếp tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử…

Chị Nguyễn Thị Luyến (thứ hai từ trái sang) tặng quà cho phụ nữ khó khăn trên địa bànChị Nguyễn Thị Luyến (thứ hai từ trái sang) tặng quà cho phụ nữ khó khăn trên địa bàn

Biết lực lượng làm việc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thị trấn rất vất vả, vì vậy, dù nắng hay mưa, chị vẫn cùng các cán bộ Hội ngày đêm thầm lặng, nhiệt tình với công việc được giao. Từ ngày có dịch, chị thường phải đi sớm, về muộn, có hôm tận 12h đêm mới về nhà. Lúc đó, các con đã đi ngủ. “Chồng tôi là bộ đội nên thời gian giãn cách xã hội, anh trực tại đơn vị, không thể về thăm nhà. Hai con tôi: cháu lớn học lớp 8, cháu út mới lớp 4 tự chăm sóc và bảo nhau học tập. Thấy tôi đi lại, tiếp xúc nhiều, ai cũng lo lắng, song vẫn luôn động viên tôi cố gắng mang nhiệt huyết và tấm lòng thiện nguyện để chia sẻ yêu thương cho cộng đồng” – chị Luyến xúc động.

Với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chị Luyến đứng lên vận động kêu gọi các mạnh thường quân, cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân ủng hộ kinh phí trong công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền 65 triệu đồng để tặng quà cho các y bác sỹ tại Trạm y tế thị trấn Xuân Mai, hội viên phụ nữ khó khăn, các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi… Khi trên địa bàn xuất hiện ca dương tính, chị tiếp tục vận động nhà hảo tâm tặng quà đến các hội viên đang bị cách ly y tế… Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, chị đã vận động nhân dân chung tay mua nông sản cho bà con nông dân. Chỉ trong thời gian ngắn, các chị đã tiêu thụ gần 6 tấn bí đao, 2 tấn lạc, hơn 2.000 quả trứng các loại, hơn 2 tấn khoai lang và nhiều loại nông sản khác…

Đặc biệt, do giãn cách xã hội, nhiều lao động ngoại tỉnh phải nghỉ việc, không có thu nhập nên đã cùng nhau đi bộ về quê. Nhưng do chốt kiểm soát tỉnh Hoà Bình không cho qua, nên họ bị mắc kẹt lại tại thị trấn Xuân Mai. Chị Luyến đã chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thị trấn để Hội Phụ nữ nấu cơm cho người lao động bị mắc kẹt và các lực lượng phòng, chống dịch. Chị chia sẻ: “Trong khó khăn, ngọn lửa tình người được thắp lên ấm áp - đó là ngọn lửa của sự sẻ chia, ý thức, trách nhiệm với cộng đồng đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh góp phần đẩy lùi dịch Covid-19”.

Những việc làm của chị Nguyễn Thị Luyến xuất phát từ tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chung tay vì cộng đồng, nhất là trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, được lãnh đạo thị trấn Xuân Mai đánh giá cao.

Tại Thị trấn Xuân Mai, tấm gương chị Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1972, là Chi hội phó, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 3 Chi hội Tân Xuân, Thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng được nhiều người ca ngợi. Khi huyện Chương Mỹ chọn khu ký túc xá trường đại học Lâm nghiệp làm khu cách ly tập trung, chị đã đăng ký tự nguyện tham gia nấu ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân tại đây. Có những ngày, chị nấu mấy trăm suất cơm phục vụ mọi người. Bữa cơm chị nấu luôn được đánh giá là sạch, đẹp và đủ dinh dưỡng.

Hưởng ứng chương trình “triệu bữa cơm” cho người lang thang cơ nhỡ, chị đã cùng các cán bộ hội viên ủng hộ hàng trăm cân gạo, rau củ quả, thịt các loại và tiền mặt. Nhiều lúc, sự mệt mỏi đã in hằn trên khuôn mặt, nhưng chị vẫn vui vẻ và luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Chị còn nuôi 9 sinh viên bị mắc kẹt trên địa bàn thị trấn, cho ở miễn phí và nấu cơm đủ dinh dưỡng mỗi ngày cho các em…

Bàn tay của chị Nguyễn Thị Thu Hường sau quãng thời gian làm việc nấu nướng…Bàn tay của chị Nguyễn Thị Thu Hường sau quãng thời gian làm việc nấu nướng…

Những phụ nữ “nhóm” bếp ấm nghĩa tình cho người dân bị cách ly

Ở Thanh Xuân, để duy trì hai bếp cơm cho người đang cách ly, câu chuyện về hội viên phụ nữ đã “bỏ cơm nhà” để “ăn cơm hộp”, ngủ giường tầng, không màn che, không điều hoà khiến nhiều người cảm động. Chị Nguyễn Thị Thu Hường (Hội viên phụ nữ phường Thanh Xuân Nam) phụ trách bếp ấm nghĩa tình tại khu cách ly A1- Hoàng Đạo Thành (thuộc phường Kim Giang) cho biết, suốt nửa tháng, chị và một số chị em tại đây đã thực hiện “ba tại chỗ”: ăn, ngủ, sinh hoạt tại chỗ để “bếp” luôn đỏ lửa.

Bếp ấm nghĩa tình tại Nhà văn hoá phường Kim Giang được kích hoạt từ ngày 28/9, có nhiệm vụ nấu cơm cho các F1 đang thực hiện cách ly tập trung tại Khu cách ly A1 - Hoàng Đạo Thành và các cán bộ chiến sỹ đang trực chốt trên địa bàn phường Kim Giang. Để bếp được duy trì đều đặn và đúng giờ, chị Hường cùng 1 số chị em tình nguyện “ăn ngủ” tại chỗ. Trong khu nhà văn hoá, các chị mượn 2 giường tầng, 2 quạt cây, 1 số chiếu và chăn màn… để ngủ lại. Ngày nào cũng vậy, các chị dậy từ 3h sáng, chuẩn bị đồ ăn để kịp có đồ ăn cho người dân vào 6h sáng. Hơn 300 suất cơm được 2 đầu bếp, 1 số cán bộ hội viên hỗ trợ nấu, vận chuyển đồ từ 8h sáng đến 6h chiều. Buổi tối, các chị lại dọn dẹp, phân loại đồ cho ngày hôm sau, tổng hợp thu-chi. “Có những hôm tận 11h đêm chúng tôi mới ăn tối. Chỉ có đầu bếp mới được thay phiên nhau nghỉ, còn lại, chúng tôi hoạt động liên tục từ sáng sớm đến đêm muộn, ai mệt quá thì ngả lưng một chút. Dù mệt nhưng vui” – chị Hường nói.

Nhắc đến chồng con, chị mỉm cười: “Trước khi tham gia các hoạt động xã hội này, tôi đã bàn với chồng và được ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi lần gọi điện về nhà, tôi đều phải chỉnh trang cẩn thận, nói là điều kiện ngủ nghỉ rất tốt để chồng con yên tâm”. Hết thời gian cách ly, người dân được về nhà, nhưng vẫn nhắn tin cảm ơn các chị đã cho họ có những suất cơm ngon, đủ dinh dưỡng. Đó là những động lực để các chị vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động vì cộng đồng của mình.

Tại bếp ăn ngay trước cổng bệnh viện Than - Khoáng sản (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), hằng ngày, các chị em nấu từ 130-160 suất cơm cho các cán bộ hỗ trợ và người dân đang cách ly. Trong đó, có 3 suất cháo cho bé được nấu riêng và nóng hổi mỗi ngày. Ngoài ra, đối với các trường hợp mẹ đang nuôi con nhỏ, các chị lại “đặc cách” thêm món ăn đêm và bữa phụ mỗi ngày.

Chị Lê Thị Tố Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phương Liệt, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hăng hái cho biết, ngay khi khu cách ly tập trung tại bệnh viện Than - Khoáng sản được kích hoạt, các suất cơm phục vụ F1 và của lực lượng tham gia hỗ trợ khu vực cách ly ít món, thiếu dinh dưỡng. Với phương châm “mọi thứ đều tại chỗ”, hằng ngày, các chị ở chi hội phụ nữ 10, phường Phương Liệt có mặt tại điểm nấu cơm. Người đi chợ, người nhặt rau, thái thịt, người nấu nướng. Trong đó, bếp trưởng là một chị cán bộ phụ nữ trẻ, chuyên bán cơm bình dân cho khu vực. Các chị đều được tập huấn kỹ về an toàn thực phẩm. Đối với các món ăn, các chị đều lưu giữ mẫu 1 ngày để đối chiếu nếu có trường hợp xấu xảy ra. Chị Liên cười chia sẻ: “Các chị ở đây ngày nào cũng đi từ 6h sáng, đến tận 8-9h tối mới về nhà. Việc nhà giao hết cho chồng con. Có chị vì bận rộn quên cả việc đóng học phí ghi danh đầu năm cho con. May mắn là cô giáo biết chị đang làm việc vì cộng đồng nên hỗ trợ đóng trước cho chị rồi gọi điện thông báo”. Những tấm lòng của các chị đã được Quận Hội, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chị Nguyễn Thị Chung đang nấu cơm phục vụ sinh viên, người lao động đang mắc kẹt trên địa bàn…Chị Nguyễn Thị Chung đang nấu cơm phục vụ sinh viên, người lao động đang mắc kẹt trên địa bàn…

Giảm tiền nhà trọ, hỗ trợ người lao động khó khăn vượt qua đại dịch

Bên cạnh tặng quà, nhiều chủ trọ đã chủ động miễn, giảm tiền nhà cho các lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quyết định dành hẳn căn nhà mới xây với 20 phòng trọ trang bị đầy đủ tiện nghi để làm nơi ở miễn phí cho những người cần. Đến nay, gần như các phòng của tòa nhà đã có người đến ở, mỗi phòng có 1-2 người, chủ yếu là lao động khó khăn, sinh viên bị kẹt lại Hà Nội và gặp vấn đề về chỗ trọ. Ngay cả sau khi Thành phố mở cửa trở lại, chị Hạnh vẫn giảm 50% số tiền nhà để ủng hộ cho những người vẫn đang khó khăn do một thời gian dài không có thu nhập. Hay bà Đỗ Thị Thảo (Tổ 14, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cũng đã chủ động miễn giảm tiền thuê căn hộ cho sinh viên, công nhân, người lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ 50-100% số tiền thuê trọ hàng tháng. Trong 2 năm 2020 và 2021, gia đình bà Thảo đã hỗ trợ người nghèo gần 240 triệu đồng… Tấm lòng, hành động đẹp của những người phụ nữ ấy thực sự là những đóa hoa đẹp, ngát hương giữa cuộc đời này...

THẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.