Những đứa cháu nội

Chia sẻ

Ở tuổi 70, ông Thịnh đã có một đàn 7 đứa cháu nội. Mà lại toàn là cháu trai. Mỗi lần chúng ở nhà, ông muốn nổ tung đầu vì ầm ĩ.

Những đứa cháu nội - ảnh 1

Ông Thịnh không còn trẻ, nhưng không quá già. Song, so với những người cùng lứa tuổi, thì sức khỏe của ông kém hơn hẳn. Ông bị tiểu đường đã hơn 10 năm, hai mắt thì mờ, tai đã nghễnh ngãng. Ông tự thấy mình cũng thuộc diện kỹ tính, nhất là đường ăn, ở. Ông rất ghét sự lộn xộn, nhà cửa lúc nào cũng phải ngăn nắp, gọn gàng.

Đó là lý do, mỗi lần cháu đến chơi, chỉ được một chốc lát là ông đã muốn nổi cáu. Ông không bằng lòng khi bọn trẻ cứ nô đùa, chạy nhảy trong nhà. Những bước chân nện xuống nền nhà thình thịch, như muốn thử thách sự kiên nhẫn của ông.
- Các cháu thôi ngay, mau ra kia đọc sách. Các cháu đang làm ông bị nhức đầu đây này.

Đó là những câu quen thuộc ông vẫn thường quát lũ trẻ. Bị ông mắng, bọn chúng nhớn nhác nhìn nhau, rồi rón rén ra một góc ngồi im thít. Song, cũng chỉ được vài phút, chúng lại chạy loạn lên như chưa từng có việc gì xảy ra trước đó.

Ông Thịnh cũng bực vì các cháu bừa bãi, làm đồ đạc trong nhà cứ bị xáo tung lên. Bức tường nhà ông vốn sạch sẽ là thế, vậy mà cũng bị chúng vẽ nhằng vẽ nhịt. Cái bình rượu quý ngâm thuốc bắc, ông đã cất cao trên giá. Vậy mà một ngày lấy ra, ông phát hoảng vì trong đó có một con thạch thùng và hai con nhện. Thì ra, bọn chúng nghịch, thả luôn mấy con vật đó vào bình rượu của ông để ngâm cùng. Mỗi lần bọn trẻ đến chơi, ông chỉ trực đi theo chúng nhắc nhở, cảnh giới xem chúng đang làm gì.

Một tuần 3 buổi, ông được các con nhờ đi đón con cho chúng ở trường, sau đó đưa đến lớp học thêm. Lịch học của bọn trẻ thì dày đặc, lại khác nhau giữa mỗi đứa khiến ông nhớ được cũng đã phát ốm. Đã thế, khi đến đón, bọn trẻ thấy ông đấy nhưng vẫn chạy khắp nơi, mặc cho ông khản cổ gọi cháu đi về. Lúc dắt tay cháu trên đường, chúng cũng chực nhao ra khỏi vòng tay ông. Mà ông thì đâu đủ sức để đuổi theo chúng. Vì thế, ông lại thêm áp lực để giữ bọn trẻ an toàn.

Những đứa cháu nội - ảnh 2

Đó là lý do không ít lần, ông đòi “trả cháu nội” về cho bố mẹ chúng. Ông cáu kỉnh với các con, bảo thôi con ai nấy lo, chứ ông già rồi, để cho ông nghỉ ngơi. Các con ông cũng tự ái, đã thế không gửi con đến nhà ông nữa. Chủ nhật đầu tiên, ông Thịnh thấy thảnh thơi, nhà sao mà yên tĩnh thanh bình đến vậy.

Nhưng, đến ngày thứ hai, thì niềm vui ấy ít dần đi. Lạ thay, ông bắt đầu thèm cái cảm giác được nghe tiếng la hét, cãi cọ trong nhà, tiếng chân chạy, thèm thấy đồ đạc bị xáo trộn. Trong tủ lạnh có nhiều món ăn ngon, nhưng không có đứa nào mở ra, tranh nhau đòi ông cho ăn. Không có các cháu, ông cũng chẳng biết phải kê dọn gì vì mọi thứ trong nhà đều “bất biến”.

Cuối cùng, ông Thịnh lại gọi cho các con, cháu để làm lành. Ông thừa nhận mình nhớ các cháu lắm rồi. Và rằng, ông mong các con, cháu thông cảm cho tính nết của người già. Đôi khi người già hay bị mệt nên mới cáu kỉnh chứ ông không ghét con, ghét cháu.

Cuối tuần đó, đàn cháu nội lại sang nhà ông chơi. Chúng vừa chào ông xong thì lao vào nhà, lại xô cửa, cấu véo nhau ầm ĩ. Ông nhìn các cháu, khe khẽ lắc đầu: “Cha chúng bay. Chúng bay làm ông xa thì nhớ nhưng ở gần thì ông lại sắp ong cái đầu rồi”.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.