Những giáo viên tâm huyết với nghề

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bằng niềm đam mê, sự nhiệt huyết với nghề và trên tất cả đó chính là tình yêu thương đối với các em học sinh, các cô giáo đã luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình để ươm những mầm non, những thế hệ tương lai của đất nước.

Nữ giáo viên luôn trăn trở với chính sách thu hút người giỏi theo ngành sư phạm

Cô giáo Lê Thị Na Sa, giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội, là một trong 41 giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội xét tặng giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2023. Cô trăn trở, phải có chính sách thu hút người trẻ giỏi theo ngành sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh hàng nghìn nhà giáo rời bỏ ngành.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm năm 2005, cô Na Sa học lên đại học rồi lấy bằng thạc sĩ và gắn bó với nghề gõ đầu trẻ ở bậc tiểu học từ đó đến nay. Tròn 17 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, cô Sa luôn tâm niệm: “Mình đã chọn nghề, yêu nghề nên luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức để học hỏi, hoàn thành công việc tốt nhất”.

Năm 2020-2021, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng đổi mới chương trình, SGK, ngoài việc tập huấn đổi mới SGK còn đòi hỏi giáo viên phải tự học, tự đổi mới chính mình. Cô Sa là giáo viên cốt cán của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình và Sở GD-ĐT Hà Nội nên có mặt trong tất cả các kỳ cuộc học tập, dự giờ trường bạn, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ.

 “Dạy ngày 2 buổi trên lớp, về đến nhà chong đèn soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng là bình thường. Đợt cao điểm của chương trình có khi làm đến 2 giờ sáng. Cũng may mắn là có chồng thấu hiểu và chia sẻ”- cô kể.

Những giáo viên tâm huyết với nghề  - ảnh 1
Cô giáo Na Sa

Cô đã dạy qua các lớp 1 đến lớp 5 và hiện là khối trưởng của khối 2. Lớp chừng 40 học sinh và năm học nào cũng có những em có hoàn cảnh đặc biệt, được cô tận tâm dạy bảo, động viên. Thương nhất là những em học sinh nhỏ tuổi nhưng thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ. Năm học trước, có em ở với ông bà rất nghịch ngợm, hay đánh bạn, nói tục. Cô tìm hiểu thấy, ông bà làm nghề bán hàng đêm nên em cũng thức xuyên đêm, vạ vật đi theo ở hàng quán. Hôm sau lên lớp, em luôn trong tình trạng mệt mỏi, nằm úp xuống bàn ngủ. Thương xót học sinh, cô đến tận nhà nói chuyện với ông bà. Ban đầu, ông bà của học sinh không nghe vì còn phải bán hàng mưu sinh nhưng bằng sự tận tâm, kiên trì trò chuyện, cuối cùng gia đình phải sắp xếp để cháu ở nhà học bài và đi ngủ đúng giờ. Phía cô giáo mỗi ngày cũng dành ít thời gian hướng dẫn con ôn bài, dần giúp con tiến bộ.

Hay có em bị tự kỷ thể nhẹ vẫn nắm được bài nhưng khi lên lớp không có nhu cầu giao tiếp với các bạn và cô giáo. Khi nhận lớp, cô hỏi gì con cũng không trả lời. Đối với những trẻ như vậy, cô lại phải có phương án riêng, đó là động viên, khích lệ từng ngày, không đòi hỏi con phải viết đẹp, đọc rõ ràng như bạn khác. Chỉ cần con tiến bộ hơn hôm qua, con chịu viết bài cô đã khen, con đọc được ít dòng cô cũng khen để động viên học sinh tìm được niềm vui trong học tập. Cuối năm, học sinh tiến bộ, đạt điểm khá trong bài kiểm tra. Đối với cô Sa, đó chính là trái ngọt trong nghề và cũng nhờ điều đó cô thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Ở lớp, để gần hơn và thấu hiểu nỗi niềm khó nói của học sinh, cô Sa đặt một chiếc hộp “thần kỳ” cạnh một hộp kẹo. Mỗi ngày lên lớp, học sinh nào có nỗi buồn, điều khó nói muốn chia sẻ cùng cô viết ra giấy thả vào chiếc hộp “thần kỳ” và lấy 1 chiếc kẹo. Hộp “thần kỳ” đã giúp cô nắm bắt được tâm tư của trẻ, kết nối với gia đình nhằm cùng tháo gỡ.

Cô quan niệm, dạy học sinh tiểu học không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết mà còn dạy về lòng biết ơn, lẽ phải, việc tốt, việc xấu để các em có nhận thức đúng, hành xử đúng trong cuộc sống. Cô lập sổ theo dõi học sinh hằng ngày. Những tiến bộ của học sinh dù nhỏ nhất cũng được cô động viên, khích lệ và cuối tháng trẻ được nhận quà. Ngoài dạy chữ, cô dạy học sinh điều hay, lẽ phải và kỹ năng tự phục vụ. Ở độ tuổi tiểu học, học sinh không ỷ lại cha mẹ các việc trong gia đình. Trẻ được khuyến khích làm việc nhà như: Gập quần áo, vào bếp cùng cha mẹ...

 Cô Lê Thị Na Sa từng giành giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học năm 2022 cấp Thành phố và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2021-2022 và nhiều giải thưởng cấp quận khác.

Người gieo khát vọng đam mê học tập cho học sinh

“Yêu thương của cô dành cho chúng con là qua những bài giảng, hoạt động ngoại khóa, qua những hành động quan tâm vô cùng tinh tế…” - đó là những lời tâm tình trong bức thư tay nắn nót yêu thương mà một bạn học sinh gửi tới cô giáo Đặng Thị Thùy Nga, giáo viên dạy môn Vật lý Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Từ khi còn là sinh viên khoa Vật Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Nga đã luôn khát khao tìm kiếm tri thức cùng những ước mơ, hoài bão đẹp đẽ. Trong vai trò phó Bí thư Đoàn, với sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo, cô Nga tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa của Khoa Vật lý và của nhà trường. Cô còn tình nguyện giảng dạy cho các em nhỏ tại làng trẻ SOS trong suốt 4 năm đại học. Cô như người cô, người mẹ, người chị dạy các em học đọc chữ, làm Toán, học các môn Khoa học tự nhiên, học kỹ năng sống và tổ chức nhiều hoạt động tại làng trẻ cho các em.

Những giáo viên tâm huyết với nghề  - ảnh 2
Cô giáo Thuỳ Nga

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Nga giảng dạy tại Trường THPT Văn Hiến - ngôi trường đón nhận nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn phải ở với ông bà do bố mẹ bỏ nhau, bố mẹ đi tù hay làm công việc không ổn định. Trong 4 năm công tác, cô thường xuyên dạy miễn phí ôn tập cho nhóm lớp yếu kém của nhà trường, hỗ trợ các em ôn thi tốt nghiệp. Trong lớp chủ nhiệm 10A2, niên khóa 2007 – 2010, cô nhận đỡ đầu (hỗ trợ tiền học phí, học phẩm) cho 2 bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Từ năm 2010 đến nay, cô Nga chuyển về công tác tại Trường THCS Giảng Võ. Không chỉ chinh phục học sinh bằng kiến thức chuyên môn vững chắc và phương pháp mới mẻ, sáng tạo trong những tiết học chính khóa, cô Nga còn là người truyền cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, niềm say mê nghiên cứu khoa học, khơi dậy trong các em tình yêu với Vật lý và các môn Khoa học tự nhiên. Những giải thưởng học sinh giỏi cấp Quận, cấp Thành phố, những tấm huy chương cấp Quốc gia, Quốc tế, hay những kết quả đỗ chuyên của học trò Giảng Võ là niềm vui, là động lực để cô hết mình hơn nữa.

Từ năm 2014, cô Nga đã cùng các thầy cô khác của trường Giảng Võ tham gia xây dựng chương trình giáo dục STEM cho nhà trường, tổ chức các Ngày Hội STEM & Sách, xây dựng 3 CLB gồm Stem Mộc, Stem Robotic, Stem Science thu hút được hàng nghìn lượt học sinh tham gia. Trong năm học 2022 – 2023, tham gia tổ chức ngày hội STEM “Amazing Race” của Giảng Võ, cô Nga đã hướng dẫn miễn phí kèm hỗ trợ 100% học liệu 20 buổi (50 giờ) cho học sinh. Cô còn được biệt phái làm việc tại Phòng GD-ĐT quận Ba Đình từ năm 2011-2023, mỗi năm, trung bình cô dạy cho đội tuyển học sinh giỏi Quận và Thành phố của trường Giảng Võ vượt kế hoạch ngoài giờ 45 buổi. Sau 9 năm học, tổng số buổi cô dạy ngoài giờ miễn phí lên đến 405 buổi.

Không chỉ xuất sắc trong công tác chuyên môn, luôn sẻ chia với các đồng nghiệp, cô Nga còn là cô giáo hết lòng vì học trò. Cô hiểu tuổi học trò mộng mơ, tươi đẹp song cũng là lứa tuổi không tránh khỏi những lúc chơi vơi, thậm chí là bất an, khủng hoảng. Những lúc đó, cô Nga lại là “chuyên gia tâm lý”, là người các em luôn tin yêu chia sẻ mọi tâm tư. Cô luôn quan tâm, giúp đỡ, chăm lo cho học trò cả tinh thần và thể chất. Ở trường THCS Giảng Võ, có em N.Q.A, khoá 2010-2014 có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Cô đã phối hợp với Ban phụ huynh xây dựng quỹ ủng hộ, hỗ trợ tiền học phí, tiền học bồi dưỡng ôn thi vào lớp 10 cho em.

Cô còn rất tích cực trong các hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng như tham gia nhiều đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ biển đảo. ủng hộ quỹ phòng chống Covid... Để học sinh hiểu được ý nghĩa của công việc thiện nguyện, của tình yêu thương được trao đi, cô phát động, truyền cảm hứng học sinh tham gia chương trình “Bữa ăn cho em”, “Trung thu hồng” tại bệnh viện Nhi Trung ương. Nhờ hai chương trình này, có khoảng hơn một nghìn em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo đã nhận được hỗ trợ với tổng số tiền ủng hộ lên tới 120 triệu đồng. Nhờ vậy, một cách tự nhiên, thuyết phục nhất, cô giúp cho tinh thần đồng cảm, sẻ chia, “tương thân tương ái” thấm dần trong mỗi bạn học sinh.

Với những cống hiến của mình, cô giáo Đặng Thị Thùy Nga đã đạt được nhiều thành tích cao trong công tác chuyên môn và công tác phong trào. Năm nào, cô Nga cũng nhận được nhiều giấy khen, danh hiệu cao quý, tiêu biểu như Bằng khen UBND TP Hà Nội khen thưởng đã có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc tế; giấy khen “Đã có thành tích trong bồi dưỡng học sinh dự kỳ thi Olympiad Toán và Khoa học Quốc tế” và giấy khen Bồi dưỡng HSG Vật lý và Khoa học cấp Thành phố nhiều năm liền.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.