Những giọt nước mắt của cha

Tả Tử (Trung Quốc)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cha tôi và các đồng nghiệp làm việc “3 ca”, giờ làm việc không ổn định và cuộc sống của họ cũng không theo quy luật nào. Sau ca đêm, mọi người đều tranh thủ ngủ ban ngày nhưng cha tôi không muốn nghỉ ngơi nhiều, sáng thức dậy ăn nhanh rồi đi làm, hoặc lên núi kiếm củi hay khai hoang làm ruộng, chẳng lúc nào ngơi tay, hiếm khi bắt gặp bóng dáng của ông ở nhà.

Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở vùng núi. Cha tôi đẩy xe goong trong xưởng vôi, hàng ngày chở đá vôi vào lò nung, công việc vất vả, nặng nhọc và đầy rẫy nguy hiểm. Đây là một loại xe chạy trên đường ray, khi chất đầy tải thì ít nhất nặng hai ba tấn, phải có hai người hợp sức mới đẩy đi được. Sau khi đẩy các xe vào mỏ đá, trước tiên, các công nhân đẩy xe lên đường chính, nối từng xe lại với nhau và kéo chúng lên bằng tời. Sau đó lại dùng sức người đẩy xe vào lò nung, tại đây sẽ có người chuyên tiếp nhận và nung thành vôi.

Mùa đông, cha tôi một mình lên núi bẻ cành khô, đến chiều bố chất đồ lên xe trượt tuyết kéo về nhà, xếp gọn ghẽ, mấy ngày đã bó thành một bó to tướng, chờ có người đến mua. Vào mùa hè và mùa thu, cha tôi đi kiếm củi, bó cả cành và lá gọi là “củi cành”. Cha tôi chọn một bụi cây trên sườn đồi, túm một đầu, duỗi cánh tay trái ra sau lưng, tay phải vung liềm cắt một nhát thật nhanh, mỗi nhát một bó. Cha tôi làm việc rất nhanh nhẹn, chẳng bao lâu sau đã chất ra một đống củi lớn, một ngày ông thường cho ra sáu bảy mươi bó củi. Sau chừng nửa tháng phơi củi, cha giao cho tôi và hai anh em nhiệm vụ sắp xếp củi sau giờ học. Bó củi tròn như hình người rồi dựng đứng, hơn chục bó tạo thành bãi củi rộng, tiếp tục phơi khô.

Những giọt nước mắt của cha - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Trước khi tuyết rơi, củi phải được vận chuyển về, chất cao và bán rất được giá. Theo lời dặn của cha, sáng sớm chúng tôi phải lên núi vác củi về trước, sau đó mới rửa mặt, ăn uống rồi đi học; tan học lại phải vác củi về trước rồi mới có thể ăn tối. Trong gia đình tôi, điều này đã trở thành quy tắc, không thể thay đổi. Cha tôi không có ở nhà thì mẹ tôi trở thành “người chấp hành” trung thành của ông. Sáng sớm mẹ gọi chúng tôi dậy. Khi thấy chúng tôi còn nằm trên giường, mẹ sẽ bước vào lật từng chiếc chăn bông lên, giục chúng tôi đi vác củi và nói: Đây là việc mà cha các con đã dặn, nhất định phải hoàn thành.

Chúng tôi không dám chậm trễ, đứng dậy dụi đôi mắt còn ngái ngủ, vội vàng đi làm nhiệm vụ, không ai dám lười biếng hay phạm sai sót gì, vì lý do này mà mẹ tôi gọi bố tôi là “Lý Lão Lang” (con sói già họ Lý). Chỉ có lúc đang học bài thì mới có được đặc quyền không phải ra ngoài làm việc nhà. Lúc này, cha tôi sẽ nheo mắt cười, giục: “Viết đi!”, rồi đi đâu mới đi.

Sau khi vào đông, người miền xuôi thường đến trong làng mua củi, thấy một đống củi chất trước cửa nhà ai đó thì vào mặc cả xem một bó bao nhiêu xu hay một đồng. Họ để lại vài đồng tiền đặt cọc, mấy hôm sau mang xe ngựa đến chở về. Lúc này, anh em tôi được giao nhiệm vụ kiểm tra số củi, sau khi chất lên xe người mua sẽ căn cứ số bó củi để thanh toán tiền. Một xe củi như vậy thường có thể được bán với giá từ 10 đến 20 nhân dân tệ. Vào thời điểm đó, lương hàng tháng của cha tôi chỉ có 34 nhân dân tệ, đây chắc chắn là một số tiền “khủng” đối với chúng tôi.

Dưới sự dẫn dắt của cha, cả gia đình đều cố gắng tham gia kiếm củi. Xung quanh sân quanh năm có mấy đống củi lớn chất cao như quả đồi nhỏ. Thông thường, ngay khi những bó củi được bán hết, những bó mới lại được xếp chồng lên. Gia đình tôi bán nhiều củi nên thu nhập đương nhiên cũng cao. Ở trong làng, gia đình tôi trở thành một trong số ít “hộ giàu”, được người khác thèm muốn và thường xuyên bị nhiều người ghen tị. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, cha tôi lại giết một con lợn béo nặng trăm ký, ngoài việc mời xóm giềng đến đánh chén một bữa, phần thịt lợn còn lại sẽ được cắt thành khối vuông rồi cho vào thùng lớn để đông lạnh.

Hầu hết mọi nhà sẽ không có thịt ăn sau ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, nhưng thịt lợn dự trữ trong gia đình tôi có thể ăn xen kẽ cho đến Rằm tháng Giêng, thậm chí đến ngày 2 tháng 2 âm lịch, chúng tôi vẫn có thủ lợn và chân giò để ăn. Ngoài ra, mẹ tôi còn tinh chế hai lọ mỡ lớn rồi để trong bếp để nấu ăn. Nhiều khi thèm quá, tôi lại nhân lúc mẹ không để ý, lén múc một thìa mỡ lợn trong hũ trộn với ít cơm cao lương, vị thơm ngon thật vô cùng khó tả.

Lúc đó, miền núi nghèo khó nhưng cờ bạc lại thịnh hành. Trong những ngày lễ, ngay cả trẻ vị thành niên cũng đặt cược thắng hay thua khi chơi bài tu lơ khơ, việc bỏ ra một vài xu, đối với nhiều người thì dường như không có gì bất thường. Cha tôi ghét cờ bạc nhất và cấm chúng tôi dính vào. Ông nói: “Bố không sợ con ăn hay tiêu dùng, nhưng sợ anh em con sẽ trở thành những kẻ thèm khát tiền. Nếu một người trở thành tay cờ bạc, cuộc đời xem như là xong.” Sau này, hai anh tôi không thể cưỡng lại được sự cám dỗ và lén học cách đọc bài và chơi tu lơ khơ, nhân lúc bố tôi trực ca đêm, hai anh trốn mẹ đi chơi với mọi người. Số tiền tiêu phí vào cờ bạc tuy không lớn nhưng họ lại nghiện và mắc kẹt trong đó, khó có thể tự thoát ra được.

Những giọt nước mắt của cha - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Đêm mồng Một, tôi và hai anh sang nhà hàng xóm, có người đang chơi trò “ba đấu một”, không nói một lời, hai anh tôi leo lên giường chơi luôn, mỗi người có hai mươi hạt ngô làm vốn, mỗi hạt là một xu, cuối trò tính theo số hạt ngô để tính tiền. Tôi ngồi “chầu rìa” ở một bên, buồn ngủ đến mức không thể nhấc mí mắt lên được, nhưng họ lại vui vẻ và không có ý định về nhà. Cha tôi đi ca đêm về, thấy chúng tôi không có ở nhà, vội vàng chạy đi tìm, lúc bước vào đã thấy hai anh trai đang đánh bài với mấy người lớn thì ông đỏ mặt, mắt trợn tròn và giận dữ quát to: “Về nhà ngay lập tức!”. Sau đó, ông quay người và giận dữ bỏ đi. Hai ông anh sợ tái mặt, vội vàng đặt bài xuống rồi đi về nhà. Tôi biết cha tôi cực ghét cờ bạc, nhưng chỉ vì tình làng nghĩa xóm mà ông đành ngó lơ việc cờ bạc diễn ra ở nhà người khác.

Sau khi trở về nhà, hai người biết mình phải chịu trận, sợ hãi đến mức cau mày ngơ ngác, nằm co rúm trong chăn không ngủ được, chỉ thở dài thườn thượt, không biết phải làm gì. Tôi cũng vô cùng sợ hãi và thầm đổ mồ hôi hột cho họ. Sau đó, mẹ tôi đi tới, chỉ vào trán bọn họ nói: “Lần này xem cha các ngươi sẽ xử lý các ngươi thế nào!”. Hai anh trai tôi sợ hãi đến mức đáng thương, chỉ còn biết cầu cứu mẹ.

Mẹ tôi mềm lòng, thở dài, yêu cầu các con  hãy thừa nhận lỗi lầm của mình. Lúc này, cha tôi cầm gậy trên tay hung hãn xông vào, hai anh tôi sợ đến mức khóc rống lên, quỳ xuống giường và cầu xin: “Bố ơi, con sai rồi, con không dám chơi cờ bạc nữa!”. Cha tôi thấy vậy, sửng sốt giây lát, giơ cây gậy lên chĩa vào bọn họ, chỉ chỉ liên tục rồi lắc đầu đau đớn, quay người đi ra ngoài.

Sau này mẹ tôi kể, khi về đến phòng, cha tôi đã chảy nước mắt, không nói gì, ngồi trên đầu giường hút thuốc, suốt đêm không nhắm mắt. Mẹ tôi cũng rơi nước mắt và cảnh cáo chúng tôi không được đánh bạc để cha tôi phải tức giận nữa.

Cha tôi có một cuộc đời khó khăn, ông làm nhân viên ngân hàng, bưu điện, sau đó làm quản lý căng tin trong công xã nhân dân, cuối cùng vào làm ở xí nghiệp vôi. Sau tất cả những thăng trầm, ông đều âm thầm chịu đựng và chưa bao giờ tỏ ra hèn nhát. Trước đây tôi chỉ nhìn thấy nước mắt của cha tôi một lần, đó là ngày ông nội tôi mất, hai bà cô tôi đã quỳ trước linh cữu ông tôi mà khóc lớn. Tôi sợ quá chạy vào nhà thì thấy cha tôi đang ngồi thẫn thờ bên mép giường, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. Đàn ông không dễ dàng rơi nước mắt chỉ vì chưa đến lúc phải buồn bã, thương tâm. Xem ra, hành vi cờ bạc của các anh tôi đã khiến trái tim cha tôi tổn thương hoàn toàn. Nghĩ đến tình cảnh cha lặng lẽ khóc, lòng tôi thấy đau xót vô cùng.

Từ đó về sau, nhớ đến những giọt nước mắt của cha, tôi tránh xa những gì liên quan đến cờ bạc. Sau khi tham gia công tác thì mạt chược đang trở nên trò chơi thịnh hành, nhiều bạn bè thích thú và thường thuyết phục tôi tham gia chơi mạt chược nhưng tôi chỉ cười trừ và không học, không chơi cũng không xem. Sau khi có gia đình, tôi yêu cầu vợ và con trai rằng, tuyệt đối không được có âm thanh mạt chược trong nhà. Hiện nay con trai tôi đã ba mươi tuổi và đã có gia đình riêng, nó cũng luôn tuân thủ quy tắc gia đình này.

                Trần Dân Phong (dịch)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.