Những không gian xanh giữa lòng đô thị

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong xã hội hiện đại, mọi người dường như sống gấp gáp và nhiều lo toan hơn. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ đang nỗ lực thay đổi phong cách, chọn lối sống chậm và xanh hơn để làm dịu tâm hồn.

Khu vườn “bốn mùa” trên ban công

Từ khoảng sân thượng “trống không”, chỉ cần 10 triệu đồng mua nguyên vật liệu, chị Phạm Thị Thu Trang, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã dọn dẹp, lên kế hoạch bố trí từng góc nhỏ phù hợp với việc trồng rau sạch. Ngoài công việc chính là một kỹ sư công nghệ thông tin, sau mỗi ngày làm việc về nhà, chị Trang lại được chăm chút cho niềm đam mê của mình, đó là trồng rau trên sân thượng.

Chị Trang cho biết, bản thân thừa hưởng đam mê làm vườn từ ông nội – người rất thích cây cảnh, hoa lá – nên từ nhỏ, chị đã có mơ ước sở hữu một ngôi nhà có vườn rau và vườn hoa, cây cảnh cho riêng mình. Năm 2019, khi mua căn hộ ở khu vực phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chị bắt đầu lên ý tưởng thực hiện ước mơ “khoảng vườn trên sân thượng” rộng khoảng 30m2 đó.

Những không gian xanh giữa lòng đô thị - ảnh 1
Chị Phạm Lan Anh chăm chút vườn rau.

Ban đầu, để đáp ứng nhu cầu ăn rau sạch của gia đình, chị thử trồng thủy canh ở ban công, nhưng sau 3 tháng thấy không đủ cung cấp rau ăn hàng ngày. Do diện tích trồng nhỏ, thiếu ánh sáng, cũng như phải tính toán, đo đạc các chỉ số nước, chị thấy hơi phức tạp. Vì vậy, chị bàn với chồng chuyển sang trồng rau bằng đất trong các thùng xốp và chuyển vườn lên mái nhà để vườn có đủ ánh sáng, diện tích lớn hơn, trồng được nhiều loại rau hơn.

“Chồng tôi rất hứng thú với ý tưởng của vợ. Cả hai vợ chồng thức đêm bàn bạc, mua nguyên liệu về dựng vườn. Chúng tôi bê từng bao đất, bao phân, khoan tường, lắp giàn… Cứ thế, vườn rau dần hình thành” – chị Trang hào hứng.

Để thiết kế một khu vườn có đủ các loại rau theo mùa, chị chia thành các khu vực trồng rau ăn lá, rau ăn củ và quả leo giàn. Sau đó, hai vợ chồng lại tìm hiểu các kỹ thuật gieo trồng từng loại rau, làm sao để không dùng hóa chất mà rau vẫn xanh tốt, ít sâu bệnh… Có lúc vào mùa mưa, sên phát triển nhanh, cả hai lại canh đến 9-10h đêm để lên vườn bắt sên. Có buổi sáng sớm lại lên vườn thụ phấn cho bầu, bí…

“Dùng thuốc phun thì sẽ hết nhưng vì muốn ăn rau sạch nên chúng tôi phải làm thủ công như vậy. Sau này, chồng tôi lắp hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự động nên đi đâu xa vắng nhà mấy ngày cũng không lo vườn rau bị chết héo” – chị nói.

Theo chị Trang, khó nhất khi thực hiện khu vườn trên cao là lúc bê đất lên để trồng. Còn trồng đúng kỹ thuật, thực hiện đúng thao tác: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống thì vườn lúc nào cũng đủ rau ăn, thậm chí còn biếu, tặng người thân, bạn bè nữa.

Hiện tại, khu vườn “bốn mùa” ở tầng thượng nhà chị Thu Trang đang gieo giống vụ đông. Chị ưu tiên các loại rau củ quả đúng vụ như các loại cải ăn lá, bầu, bí, susu, súp lơ, bắp cải, su hào, cà chua… Đến mùa hè, chị lại gieo hạt rau muống, mồng tơi, rau đay, rau dền, mướp, bầu, bí, đỗ… Một số loại rau gia vị, rau thơm như gừng, hành, sả, hẹ, húng quế, húng chanh, ngải cứu, lá lốt, xương sông, lá mơ, diếp cá, kinh giới, tía tô, mùi tàu, đinh lăng, quất, cherry, khế, nho…

Chị trồng gối liên tục nên rau lúc nào cũng đủ, có năm còn trồng được hơn 10kg cà chua cấp đông ăn dần. Chị bật mí: “Nhà có trẻ nhỏ, khi trẻ ốm, các loại rau thơm như tía tô, xương sông, kinh giới… trở thành liều thuốc hữu ích cho trẻ nhỏ”.

Những không gian xanh giữa lòng đô thị - ảnh 2
Một số giống rau xanh tốt từ những vườn rau độc lạ của các bà nội trợ.

“Trồng rau tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là một việc khá khó, nhưng không phải là không thực hiện được. Có vườn rau tại nhà như vậy rất nhiều lợi ích: Các bữa ăn của gia đình luôn đảm bảo nguồn rau sạch, không mất nhiều thời gian đi chợ, cần rau gia vị có thể lên vườn hái xuống được luôn. Ngoài ra, đây còn là không gian xanh cho ngôi nhà của mình. Các con tôi rất thích thú khi lên vườn hái rau, tưới rau cùng bố mẹ” – chị Trang nói.

Giờ đây, sau mỗi ngày làm việc ở cơ quan, hai vợ chồng chị lại thay nhau lên thăm vườn, chăm sóc vườn, vừa để thư giãn, giải tỏa stress. Cuối tuần rảnh rỗi, vợ chồng chị cùng làm vườn, làm những chậu đất mới, dọn rau già, dọn vườn cho sạch sẽ… “Những lúc đó, tôi thấy cuộc sống của mình bình yên, tâm hồn của chúng tôi lúc nào cũng tươi tắn, xanh mướt”  - chị cười.

Biến rác thải thành vườn

Ấp ủ ý định tái chế rác, bảo vệ môi trường, chị Phạm Lan Anh, 55 tuổi, trú tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã xin, mua lại đồ cũ, rác nhà bếp… của hàng xóm để xây dựng vườn rau xanh của mình.

Ba năm nay, những người hàng xóm quanh nhà chị Lan Anh vẫn thường tự phân loại rác hữu cơ sau 1 ngày rồi gửi cho chị Lan Anh làm phân bón trồng rau. Việc làm này vừa làm sạch môi trường, giảm gánh nặng rác thải ra môi trường mà còn giúp cho gia đình chị Lan Anh có một vườn rau sạch luôn tươi tốt.

Chị Lan Anh cho biết, ý tưởng trồng rau từ các nguyên liệu tái chế được chị ấp ủ từ khi còn làm kế toán tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Thời gian này, chị thấy học sinh được giáo dục rất nhiều về bảo vệ môi trường, để rác đúng quy định. Tuy nhiên, rất nhiều học sinh vẫn không bỏ được thói quen vứt rác bừa bãi. Vì vậy, khi về hưu, chị quyết định làm mô hình trực quan, để mọi người thấy được lợi ích của việc phân loại, tái chế rác, hạn chế vứt rác ra môi trường.

Thay vì trồng cây cảnh như mọi người ở quê, chị Lan Anh quyết định… trồng rau. Theo chị, rau có vòng đời ngắn, nhanh nhìn thấy hiệu quả và có sản phẩm phục vụ bữa ăn gia đình.

Những không gian xanh giữa lòng đô thị - ảnh 3
Chị Phạm Thị Thu Trang với vườn rau bốn mùa trên sân thượng.

Sau khi hình thành ý tưởng, chị tận dụng các thùng xốp bỏ đi để trồng rau. Chị cắt, sơn lại vỏ can dầu ăn để trồng các loại rau lấy củ, trái như bắp cải, su hào, khoai tây, cà tím, cà pháo, cà chua… Các loại cây, rau cần nhiều đất như ngô, cải kale, ớt được trồng trong thùng sơn 18 lít. Chị cũng tận dụng vỏ dừa, nồi cơm điện, thùng rác hỏng, lốp xe, giỏ hoa cũ… để trồng rau màu. Chị còn “xin” của nhà hàng xóm các vật dụng hỏng không còn sử dụng. Chị ủ các loại rác hữu cơ làm phân tưới cho cây…

Theo chị Lan Anh, để có khu vườn rợp màu xanh như bây giờ trong khuôn viên chỉ rộng 70m2, chị đã trải qua không ít khó khăn. Ban đầu, chồng chị không ủng hộ, mà còn cho rằng chị đang làm việc “dư thừa” khi đi gom rác về nhà. Do thiếu kinh nghiệm trồng trọt, nhiều lần chị gặp thất bại. “Tôi lên mạng học cách trồng hoa màu nhưng hôm thì gặp mưa trôi hết hạt, hôm thì pha nước ủ quá đặc dẫn đến cháy cây… Phải mất dăm ba đợt kiên trì thử đi thử lại, thành quả là khu vườn xanh mát trước mắt, ai nhìn cũng thích.

Chị chia sẻ: “Tôi đặt nhiều tâm huyết vào vườn rau. Bởi, mục đích tôi làm vườn rau là để xử lý, tái chế rác thải. Do đó, những gì có thể tận dụng, tôi sẽ tận dụng hết để trồng rau, hoa. Bây giờ, dù vườn đã chật, tôi vẫn tận dụng mọi thứ. Ai cho rác gì tôi vẫn nhận. Hết chỗ trồng dưới mặt sân, tôi làm giá, kệ, giàn đặt, treo lên để trồng. Với cách này, khu vườn sẽ thu nạp thêm nhiều rác khiến rác không bị thải ra môi trường bên ngoài”.

Mỗi ngày, chị dành 2 buổi sáng, chiều tưới nước, bón phân cho khu vườn. Ngoài ra, chị cũng phòng, trừ sâu bệnh cho những luống rau, gốc cây. Nhận thấy việc làm ý nghĩa của chị, nhiều phụ huynh đưa con đến tham quan, trải nghiệm, xin giống về trồng, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau… Đặc biệt, một số trường học bắt đầu đặt vấn đề đưa học sinh đến vườn rau tham quan, học cách làm vườn.

Chị cười: “Tôi thấy mô hình này có thể áp dụng cho các hộ gia đình, thậm chí rất thích hợp cho các trường mầm non, trường bán trú. Mục đích của việc này là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ cho các cháu. Các cháu sẽ có thói quen, biết cách phân loại rác. Khi được tiếp xúc với cây cỏ, các con sẽ biết lợi ích của rau, củ, tác dụng của cây xanh đối với môi trường. Thông qua việc làm vườn, các cháu sẽ yêu lao động, biết giúp đỡ người lớn. Đặc biệt, các cháu sẽ hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính…”.

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.