Những "lỗ thủng" của hôn nhân

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà ngồi ở phòng tư vấn, ân hận đến bây giờ mới nhận ra phương châm dạy con khi lập gia đình “con trai nắm đầu vợ, con gái nắm đầu chồng” của mình đã sai hoàn toàn. Để bây giờ, cả con trai lẫn con gái đều sống cảnh đổ vỡ, và những đứa cháu vô tội phải gánh chịu những tổn thương.

1

65 tuổi, ở cái tuổi này lẽ ra ông bà đã được nghỉ ngơi, an nhàn bên con cháu, thế nhưng giờ lại nặng gánh với 3 đứa cháu cả nội lẫn ngoại khi bố mẹ chúng ly hôn. 

Ông bà kết hôn đến nay gần 45 năm, sinh được 1 trai 1 gái. Gia đình hai bên đều có của ăn của để, hỗ trợ con cái nhiều nên họ khởi đầu hôn nhân khá thuận lợi. Sinh hai đứa con, nuôi chúng trưởng thành, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học rồi học lên thạc sĩ, có công ăn việc làm ổn định. Lo cho con xong phần lập nghiệp, họ chuyển sang lo phần lập thân. Ngày con trai yêu rồi dẫn bạn gái về, ông bà quán triệt tiêu chí chọn vợ cho con trai là phải đảm đang, biết thu vén gia đình và đặc biệt phải giỏi kiếm tiềm. Ông bà không phân biệt trình độ con dâu, bởi quan niệm trong cuộc sống thời hiện đại cứ biết kiếm tiền giỏi mà không vi phạm pháp luật đều được. Vì thế, ông bà loại hết những cô gái có tính cách tiểu thư, học cao nhưng cơm chẳng biết nấu, làm gì cũng phải có người giúp việc trong khi tiền không kiếm được, tiêu pha hoang phí… Cô con dâu mà họ chọn được sau này là một cô gái học hết cấp 3 nhưng rất nhanh nhạy trong làm ăn, 26 tuổi đã sở hữu hai cửa hàng bán quần áo thời trang rất đắt khách. Dù biết rằng có được thành quả đó, cô gái được kế thừa một phần từ sự nghiệp của gia đình, nhưng ông bà đánh giá cao tố chất biết làm ăn giỏi kiếm tiền của cô.

Con trai ông bà tốt nghiệp thạc sĩ, là chuyên viên trong một công ty Nhà nước. Xét về thu nhập không cao nhưng được cái danh trong xã hội. Cô gái ấy có lẽ cũng vì mê cái danh đó của con trai ông bà nên bất chấp sự phản đối của bố mẹ để yêu và lấy. Không giống như ông bà bỏ qua tiêu chuẩn môn đăng hộ đối về trình độ bằng cấp, bố mẹ cô gái lại rất chú trọng điều đó. Họ mong con tìm chồng cùng “tầng lớp” với mình để không bị chênh lệch trình độ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này. Nhưng con cái sống ở thời tự do hôn nhân nên bố mẹ cô cũng đành chấp nhận để con gái lựa chọn kết hôn theo ý mình. 

Cưới được cô con dâu giỏi làm kinh tế, biết thu vén gia đình nên ông bà hài lòng lắm. Dù vậy, ông bà vẫn luôn dạy con trai phải biết giữ vị trí tối cao trong gia đình: Chồng nói cái gì vợ cũng phải nghe, việc lớn trong nhà đều do chồng quyết định. Trong cuộc sống, đàn ông phải là người cầm cương, phụ nữ phải phục tùng. Cứ nghĩ, cách dạy con đó sẽ khiến con trai luôn giữ được cái oai trong gia đình. Ai ngờ, nó chỉ tạo nên một người chồng gia trưởng, việc gì cũng đổ lên đầu vợ cáng đáng. 

Gần 10 năm kết hôn, một ngày, cô con dâu “mở cuộc họp gia đình”, mời bố mẹ chồng sang chứng kiến. Tại đây, cô tuyên bố sẽ ly hôn vì không thể tiếp tục cuộc sống có chồng mà giống như đang sống cảnh làm “mẹ đơn thân”. Chồng cô ỷ lại vợ làm ra kinh tế, tiền lương đi làm về giữ riêng để chi tiêu. Cô thì nghĩ tiền lương ba cọc ba đồng của chồng có đưa thì cũng chẳng bõ bèn gì thôi thì để chồng giữ cũng được. Nếu bắt chồng đưa lương rồi lại chi lại cho anh tiêu pha thì cũng như nhau. Cô làm ra kinh tế nên việc chồng đưa lương hay không cũng chẳng quan trọng gì. Nhưng cô không ngờ, việc đó lại tạo ra hệ lụy cho sự vô trách nhiệm với vợ con sau này của chồng. 

Những
Ảnh minh họa

Hai đứa con sinh ra, chồng cũng để mặc cho vợ gánh vác từ việc chăm sóc đến chi phí ăn học của chúng. Cô muốn cho con vào học trường tốt, trường điểm học phí cao thì tự bỏ tiền ra lo cho chúng, muốn con dùng đồ tốt thì cô bỏ tiền ra mua, muốn con ăn ngon thì cô vào bếp mà nấu… Còn chồng cô, chỉ chơi với con khi chúng đã ăn no, tắm rửa xong, học hành xong xuôi.

Dần dần, cô cảm thấy mình có chồng cũng như không, cứ loay hoay một mình lo cho con cái giống như một bà mẹ đơn thân. Mỗi lần cô nói ra sự bất công đó, chồng cô lại lấy uy quyền làm chồng ra để rao giảng rằng: Chuyện chăm sóc con cái là thiên chức của người mẹ, phụ nữ lo vun vén quán xuyến mọi việc trong gia đình là thiên chức làm vợ… Nếu cô không làm được thì do cô kém cỏi, chứ không phải do chồng lười biếng. Mỗi lần đuối lý với vợ, chồng cô lại dùng bạo lực đánh con, đập phá đồ đạc để trấn áp vợ.

Cứ thế, con thuyền hôn nhân của họ bị thủng từng lỗ nhỏ rồi rách toạc thành lỗ lớn từ lúc nào không hay. Đến lúc này, con dâu ông bà kiên quyết rời bỏ con thuyền hôn nhân sắp bị chìm đó để tự cứu lấy cuộc đời của mình. 

2

Khi cô con gái đến tuổi cập kê, ông bà đưa ra tiêu chuẩn kén rể phải vững vàng về kinh tế, biết yêu thương, chia sẻ với vợ con công việc nhà, nuôi dạy con cái và đặc biệt là phải hào phóng với nhà vợ. Lựa chọn mãi, cuối cùng họ cũng kén được chàng rể như ý. Con gái ông bà lên xe hoa về nhà chồng trong sự cưng nựng yêu chiều hết mực của con rể và gia đình thông gia. Ông bà tự hào vì đã “cho họ” một người vợ, một cô con dâu xinh đẹp, có công ăn việc làm. Cứ ngỡ, cuộc sống của con gái hạnh phúc viên mãn. Nhưng rồi hơn 8 năm kết hôn, cuộc hôn nhân của con gái cũng đổ vỡ như con trai. 

Ngày con rể tuyên bố ly hôn, cũng như con dâu trước đó của ông bà, anh nói nhiều về sự mất thăng bằng trong cuộc sống hôn nhân của mình. Rằng mấy năm nay, anh có vợ mà phải sống cảnh “gà trống nuôi con” vì cô phó mặc mọi chuyện con cái, gia đình cho chồng. Vợ anh lấy chồng nhưng vẫn không bỏ được phong cách sống tiểu thư, luôn đòi hỏi chồng phải chiều chuộng đủ thứ mà không chịu hy sinh hay chia sẻ cùng anh bất cứ việc gì.

Cô mặc nhiên xem chồng là trụ cột kinh tế gia đình nên không chỉ gánh vác chi tiêu trong gia đình mà còn phải có “tài khoản riêng” cho vợ chi tiêu, làm đẹp. Việc nhà, cô lấy lý do lâu nay không làm nên không biết làm, không thể đảm đương vừa đi làm ở cơ quan lại về làm cả việc nhà, do đó, anh phải thuê giúp việc. 

Con rể bà bảo mấy năm nay, giúp việc làm thay vợ vai trò làm dâu, chăm sóc con cái, dọn dẹp, nội trợ trong nhà. Việc đưa đón con đi học, họp phụ huynh, con học thêm, học cái gì, cô đều “khoán trắng” cho chồng. Thời gian rảnh sau giờ làm việc ở cơ quan, cô đi làm đẹp, tập thể dục thẩm mỹ, hoặc tụ tập với nhóm bạn đi du lịch. Lâu dần, cô như khách trọ trong nhà, chẳng hiểu chồng con muốn gì, thích gì. Bố mẹ chồng đau ốm, cô “phân công” giúp việc vào bệnh viện chăm sóc cho họ. Bình thường nếu có việc bên nhà chồng, cô về nhưng luôn kè kè giúp việc đi theo để giúp nấu nướng, dọn dẹp. Bao nhiêu năm nay, giúp việc hiểu tính bố mẹ chồng hơn cả cô. Dần dần, họ “yêu” giúp việc hơn cả con dâu. 

Mấy năm nay, công việc làm ăn của anh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cô chẳng thông cảm và chia sẻ, ngược lại vẫn đòi hỏi chồng chu cấp để chi tiêu như trước. Khi anh không đủ điều kiện đáp ứng như mong muốn, cô quay sang chỉ trích anh bất tài vô dụng, dằn hắt sang cả con cái. Mỗi lần giận dỗi chồng, cô lại về bên bố mẹ kể khổ, ông bà lại gọi con rể sang giáo huấn đủ điều. Bố con anh mệt mỏi gồng theo tính khí ích kỷ của vợ lâu dần cũng thấy đuối. Vì vậy, anh thấy cuộc sống của mình không có vợ thì sẽ “nhẹ nhõm” hơn. Đó là lý do, anh kiên quyết ly hôn. 

Những
Ảnh minh họa

3

Ngày con trai ly hôn, ông bà muốn lấy hai đứa cháu ra làm sức ép để con dâu vì con mà tiếp tục cuộc hôn nhân này. Anh con trai nghe bố mẹ nên dùng các chiêu trò để gây khó trong việc giành quyền nuôi con của vợ. Cô vợ chẳng muốn tốn sức cho cuộc chiến tranh giành quyền nuôi con nên đồng ý để hai đứa con lại cho chồng nuôi một thời gian. Khi nào anh không nuôi con được thì cô sẽ đón các con về nuôi dưỡng. Vì cô biết chắc chắn rằng, với khả năng của anh và bố mẹ anh thì việc buông tay trong việc nuôi con, nuôi cháu sẽ rất nhanh. 

Con gái ông bà đổ vỡ hôn nhân cũng mang theo một đứa con về “ăn bám” bố mẹ. Tòa xử, mỗi người nuôi một đứa nên bây giờ cô chẳng thể vứt hết lại con cho chồng như trước. Vậy là cô đưa con về nhà bố mẹ đẻ, trút lại trách nhiệm chăm sóc cháu cho ông bà. 

Gần một năm nay, ông bà quay cuồng với ba đứa cháu, mệt mỏi không biết trút vào đâu. Con trai và con gái sau ly hôn thì sống bất cần, buông thả, vẫn giữ lối sống ỷ lại như trước đây. 

Bây giờ ông bà hối hận vì đã góp phần khiến “lỗ thủng” trong cuộc hôn nhân của các con ngày một nhiều, nhưng lại không biết cách giúp chúng vá lại. Từ cách dạy dỗ các con, tiêu chuẩn chọn dâu, rể… ông bà đều có sai lầm. Hậu quả khiến cho con trai, con gái ông bà biến thành toa tàu vô dụng trong cuộc sống hôn nhân cần phải tháo bỏ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.