Những người đồng đội cũ

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

- Có ai ở nhà không? Ông Vọng lại đi lạc, tôi đưa về nhà rồi này.

Tôi lật đật trong nhà chạy ra vừa cảm ơn bác hàng xóm rối rít vừa đưa nội vào nhà. Nội vùng vẫy hất tay tôi ra:

- Cháu là ai? Sao cháu cứ ép tôi vào nhà cháu?

Phải khuyên dữ lắm nội mới lại nguôi ngoai mà bước vào nhà. Nội tôi năm nay già lắm rồi, giờ cũng đã lẫn. Nội vẫn thường nhân lúc người nhà không để ý lại đi lang thang ra ngoài bảo tìm đường về nhà, lúc nhớ được người thân, lúc không. Nhưng mỗi khi ý thức trở về trong phút chốc, chúng tôi luôn cảm nhận được tình thương vô bờ bến từ nội. Có nhiều khi đi làm về, thấy nội đương ngồi trên bậc thềm đợi tôi. Vừa thấy tôi, nội đã cất tiếng:

- Thằng Đông đi làm về rồi đấy phải không?

Đông là tên bố tôi, vì bố con tôi nom trạc tuổi nhau nên nội vẫn hay nhìn nhầm. Bố tôi mất từ khi tôi còn đỏ hỏn, năm ấy, khi bà vừa qua đời và rồi bố cũng ra đi trong một chuyến công tác do tai nạn ngoài đảo xa. Vì quá đau lòng nội lên cơn tai biến rồi bắt đầu lẫn như bây giờ. Tôi không buồn vì nội cứ nhận nhầm tôi là bố, tôi biết nỗi đau của nội lớn hơn nhiều so với việc tôi mong mình có một danh phận đúng. Cũng có nhiều lúc nội nhận ra tôi, lúc ấy bằng giọng trầm buồn nội vỗ vai tôi:

- Tao biết có nhiều lúc tao cứ nhầm mày với thằng Đông. Mày đừng buồn về ông, ông vẫn luôn thương mày như thương bố mày.

Nội là một cựu chiến binh nên đôi khi những ký ức dội về trong tâm trí, nội hay kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến trường xưa, nơi nội và các đồng đội cũ của mình từng cùng nhau kề vai sát cánh vượt qua bao mưa bom bão đạn để mang lại hòa bình thống nhất cho đất nước. Dù nội đã quên đi rất nhiều ký ức thậm chí, nhiều lúc ngay khi vừa kể xong nội lại quên béng đi những gì mình vừa kể nhưng tôi luôn là một chứng nhân theo dõi từng thước phim ký ức năm xưa của nội một cách sống động nhất. Có hôm mẹ tôi ngâm ít cà pháo cho bữa ăn, mang lên cho nội, vừa nhìn thấy bát cà nội đã khóc rưng rức không nói gì. Sau đó mẹ nói với tôi:

- Nội nhớ đồng đội đấy, đây là một trong những món mà nội thích nhất. Cà pháo ăn kèm với rau muống là những bữa ăn trường kỳ kháng chiến khi vào giai đoạn khó khăn trong chiến đấu.

Những người đồng đội cũ - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ký ức lúc nhớ lúc quên cứ về từng mảng trong cuộc sống thường nhật của nội. Có bận tôi thấy nội ngâm rượu, đó là thứ rượu sung rừng cay xè lại có phần hơi chát, khó uống nhưng nội lại rất thích. Cứ mỗi bữa ăn nội lại rót ra một ít, chỉ nhấp thôi, không bao giờ uống hết ly nhưng luôn có trong mỗi bữa.

- Xưa tao có một thằng bạn thân rất thích rượu này. Mà giả không thích cũng phải thích thôi, cứ uống mãi là cũng buộc phải thích. Lúc ấy trong rừng làm gì có thứ chi khác, không mớ chuối chát cũng mớ sung.

Người đồng đội thân thiết mà nội thường hay nhắc, tôi biết, đó là bác Phụng, vốn là anh nuôi trong đơn vị của nội. Nội và bác vốn là hai người hai quê khác hẳn nhau, người Nam người Bắc. Duyên phận thế nào mà những ngày đầu về chung đơn vị, thủ trưởng thường cắt cử hai người hết trực chung tới đi chung, đi công tác, đi dân vận lúc nào cũng đi với nhau. Mà tính hai người không hợp, mỗi khi cãi nhau người lại trọ trẹ tiếng Bắc, kẻ lại cứ đằng hắng giọng Nam, đã không hiểu nổi nhau nói gì lại còn nói nhiều nên mâu thuẫn lại cứ chất chồng. Thế rồi trong một lần đi công tác, trúng ổ phục kích của địch, nội không may bị thương, đáng lẽ có thể bỏ nội mà trốn nhưng bác Phụng nhất quyết không đi, giữa làn đạn rát như thế nhưng lại cứ vừa khóc vừa vác nội trên lưng mà chạy.

- Mày đừng có nói gì nữa, mày là đồng đội của tao, bình thường cãi… cho vui chứ ai ghét mày đâu mà bỏ mày giữa sống chết như này.

Nội nhớ nội cũng khóc rất nhiều. Sau lần đó, thi thoảng hai người vẫn… cãi nhau nhưng rồi cứ mỗi khi cãi nội vẫn hay đem bình rượu sung tự ngâm tới để giải hòa. Nội kể đó là ký ức nội nhớ nhất chứ giữa hai người có rất nhiều kỷ niệm, cũng nhiều lần vượt qua bao mất mát hy sinh, những lần tưởng sẽ ra đi nhưng rồi cuối cùng cũng chờ được đến ngày thống nhất cùng nhau. Sau hòa bình ai về quê nấy, khi còn khỏe nội luôn dành thời gian làm một chuyến đi xa chỉ để thăm lại người đồng đội xưa. Bẵng đi rất nhiều năm, nội và bác đều đã yếu, những chuyến thăm bắt đầu thưa dần, chiếc điện thoại trở thành phương tiện liên lạc giữa những người đồng đội cũ. Tôi cũng còn nhớ như in bác Phụng, hằng năm bác vẫn hay ghé thăm nội tôi, nhất là vào ngày hăm bảy tháng bảy. Vừa thăm nội vừa cùng nội ghé thắp nén hương tại nghĩa trang liệt sỹ như nhớ về những người đã cùng kề vai sát cánh khi xưa. Lần cuối bác ghé thăm nhà tôi chắc cũng hơn ba năm, khi ấy nội tôi không còn nhớ bác ấy là ai nữa, khi tôi cố gợi cho nội thì bác ngăn tôi:

- Không cần đâu con, bác biết anh ấy vẫn còn khỏe là được rồi. Tới là để được gặp, là để thăm cho đỡ nhớ chứ đâu cần để anh ấy biết bác là ai. Tuổi già mà, đâu ai tránh được, cũng không biết mấy lần đươc gặp nữa.

Những người đồng đội cũ - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Khi nghe bác nói vậy, đột nhiên tôi thấy mắt nội hay háy nước. Tôi không biết nội có nhớ bác ấy hay không, chỉ nhớ buổi cơm trưa hôm ấy, nội rót cho bác một cốc rượu sung đầy… Nhưng đúng là tuổi già không chừa một ai thật, năm sau, bác Phụng mất, khi được tin báo, tôi lưỡng lự không biết có nên nói với nội hay không. Nhưng nội đã vô tình nghe thấy:

- Thế nó đi trước tao rồi à? Thế là năm nay tao không có người uống rượu cùng rồi.

Và thời gian vẫn cứ qua đi, mỗi khi nhớ về năm xưa nội vẫn kể tôi nghe, nội vẫn cười khi nhớ về thời ấy với những mẩu chuyện lạc quan nhen nhóm giữa biển trời khói lửa. Và tôi chắc dù đã lẫn nhưng nội vẫn nhớ bác Phụng nhiều lắm, vì mỗi bữa cơm khi hăm bảy lại về, tôi luôn thấy nội rót một cốc rượu để phía đối diện như đang chờ một ai đó tới thăm…

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.