Những người lấy nghị lực bù đắp thiệt thòi

Bài và ảnh: Quỳnh anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghị lực ấy không những giúp họ vượt qua nghịch cảnh thiệt thòi của một người khuyết tật (NKT), mà còn lan tỏa tình yêu cuộc sống tốt đẹp đến tất cả mọi người.

Không có đường cùng cho người cố gắng

Trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, Vũ Thị Hải Anh (SN 2000) là đại biểu trẻ nhất. Nhưng “trẻ nhất” không phải ấn tượng duy nhất mà cô gái mang lại cho mọi người, mà thành tích và sự bền bỉ học hành của một người khiếm thị mới là điều làm cô tỏa sáng.

Hải Anh mắc căn bệnh đục thủy tinh thể khi mới chỉ một tháng tuổi. Dù được cố gắng chạy chữa nhưng mắt cô vẫn cứ mờ dần. Thật may, cô gái vẫn còn ánh sáng duy nhất – là mẹ. “Mẹ đồng hành, dạy cho tôi từ những điều nhỏ nhất như cầm đũa, cầm thìa, cầm dao gọt hoa quả”, Hải Anh nói. Và mẹ cô cũng là người tự mình thoát khỏi sự bất hạnh của một người có con bị khuyết tật, để giúp con đứng được trên chính đôi chân của mình. Hải Anh tâm niệm, đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, thì chỉ còn con đường học tập mới đưa ta thoát khỏi bóng tối. Xuất phát chậm bởi từng có lúc đi đâu xin học cũng không ai đồng ý, nhưng bạn trẻ Gen Z này vẫn cháy lên những nỗ lực. Bên cạnh 9 năm học đạt danh hiệu học sinh giỏi, Hải Anh còn thể hiện năng khiếu đàn, vẽ tranh, dẫn chương trình, viết báo, viết tập san, báo tường,… Cô còn được biết tới là hội viên tích cực trong Hội người mù quận Hoàn Kiếm.

Hiện nay, Hải Anh là đại sứ dự án The eyes Project 2020 - dự án nhằm xóa bỏ định kiến ngầm về người khiếm thị, phụ trách Ban tài chính – Đối ngoại của dự án The eyes Project 2020, là Đại sứ văn hóa đọc. Hải Anh được tặng giấy khen kèm học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2020 của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Mắt không nhìn thấy được nhưng vẫn còn tai, còn miệng… Hải Anh nuôi ước mơ trở thành một phát thanh viên. Hiện nay, cô vừa đi học, vừa xin làm xoa bóp bấm huyệt, cộng tác cho một số báo, tạp chí để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho việc học, cuộc sống. Hải Anh bật mí, cô còn là nhân vật trong bộ phim tài liệu “Ánh sáng của con” do hãng Phim Tài liệu Trung ương thực hiện với mục đích giúp cộng đồng xã hội hiểu hơn về cuộc sống của những đứa trẻ khiếm thị… Không thể phủ nhận, cô gái khiếm thị dù còn rất trẻ nhưng đã không ngần ngại xông pha, khẳng định bản thân mình ở nhiều môi trường để vươn lên và hòa nhập.

Những người lấy nghị lực bù đắp thiệt thòi - ảnh 1
Hải Anh (ngồi thứ 2, từ trái sang) say mê các hoạt động thiện nguyện

Ngày nay, khi quan niệm và cách nhìn đối với những NKT đã thay đổi nhiều theo hướng tích cực, ta không khó để bắt gặp nhiều bạn trẻ không may mắn về khiếm khuyết cơ thể nhưng vẫn tỏa sáng theo cách rất riêng của mình. Đó có thể là một cô gái không còn chân, nhưng có gu thời trang rất phong cách, hay một chàng trai khiến mọi người quên đi chiếc xe lăn, chỉ nhớ về nụ cười thường trực trên môi và một cuộc sống tích cực anh mang lại. Nguyễn Ngọc Như (TikToker 23 tuổi đến từ Cà Mau) là một người như thế. Đọng lại trong suy nghĩ của ai từng gặp cô là cái cách cô tự tin điều khiển chiếc xe lăn, cùng phong cách thời trang đẹp mắt, rạng rỡ. Đôi chân không còn đi lại được sau một vụ tai nạn nghiêm trọng tuổi 18, Như mất một thời gian dài suy sụp và rất mặc cảm. “Mình không biết làm gì để che giấu hết được sự xấu xí ấy. Mặc váy dài, quần dài che được đôi chân nhưng đâu thể che hết được chiếc xe lăn”, Như trải lòng.

Vậy mà, cô gái đã “lột xác”, biến sự xấu xí thành vẻ đẹp. “Không đi lại được thì mình lăn. Mọi người xung quanh chỉ có thể động viên, giúp mình phần nào, nhưng không ai sống hộ mình cả”, Như quyết tâm. Rồi cô bạn tích cực hơn, cố gắng tập luyện vật lý trị liệu theo lời bác sĩ. Cuối năm 2019, cô đánh liều ra Thủ đô với quyết tâm thay đổi để tốt hơn. Như tìm đến Trung tâm Nghị lực sống, nơi giúp NKT tìm việc làm, bình đẳng trong thị trường lao động và được học về thiết kế đồ họa. Tốt nghiệp khóa học, Như bắt đầu với công việc thiết kế hoạt hình 2D. Công ty Như làm việc cách nơi trọ 7km, Như đi xe lăn mỗi ngày, mệt nhưng vui vì được sống và làm việc bình thường như mọi người.

Đã thế, không ít người còn nhận ra cô gái chủ kênh TikTok “Nom Nom lạc quan” và đến chào hỏi. Như biết cuộc sống mình đang dần đổi thay, và cô cũng tự thay đổi mình. Yêu bản thân hơn, Như dành cho nó những điều đẹp đẽ, như thêm một chiếc váy, hay một đôi giày cá tính. “Khi được mặc bộ đồ đẹp, mang đôi giày đẹp, tôi cảm thấy rất tự tin, không còn cảm giác mặc chỉ để che đi khiếm khuyết như xưa nữa”. Như thử đăng những bức hình chụp của mình vào các group thời trang trên mạng xã hội. Gu thời trang cá tính của cô gái trên chiếc xe lăn đã được nhiều người yêu thích và khích lệ: “Chị ơi, chị xinh lắm luôn”, “Cố lên chị nhé, gửi ngàn cái ôm đến chị”, “Chị cười xinh lắm”...

Chung tay để cánh cửa cuộc đời cho NKT ngày càng mở ra

Với khoảng 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ NKT khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo NKT Việt Nam đã chủ động vươn lên trong cuộc sống, đạt nhiều thành tựu mà nhiều người lành lặn đôi khi không thực hiện được. Trong đó, các bạn trẻ khuyết tật tưởng chừng số phận kém may mắn, đã biết tận dụng mặt tốt của mạng xã hội để làm chủ đời mình và lan tỏa tình yêu cuộc sống tốt đẹp, nghị lực vượt qua nghịch cảnh...

Những người lấy nghị lực bù đắp thiệt thòi - ảnh 2
Giờ đây, Nguyễn Ngọc Như vui sống bên công việc và nhiều người bạn yêu quý

Cùng với ý chí, nghị lực phi thường của bản thân NKT, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp NKT tự tin, vui sống, trở thành những nhân tố tích cực trong xã hội. Một trong những cách giúp đỡ tối ưu nhất là trao “cần câu” - giải quyết việc làm cho NKT để họ vươn lên một cách bền vững.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, NKT có khả năng tiếp cận công việc chủ yếu thuộc nhóm NKT vận động, khiếm thị, khiếm thính và các doanh nghiệp chủ yếu tuyển NKT vào các công việc ít vận động như: Thiết kế website, kế toán, thợ may… 5 năm qua, Hội NKT TP Hà Nội đã tăng cường phối hợp, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc, kỹ năng tìm việc, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho NKT. Đã có 12 cuộc tập huấn cho khoảng 360 NKT có nhu cầu việc làm, tư vấn về việc làm cho 600 lượt NKT. Phó Chủ tịch Thường trực Hội NKT Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho hay, Hội cũng đã thực hiện Dự án “Hợp tác công tư trong việc đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam” do Hội Phục hồi chức năng quốc tế tài trợ. Trong khuôn khổ dự án, hàng loạt hoạt động được tiến hành để thực hiện mục tiêu. Hội đã phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp dạy nghề cho 200 thanh niên khuyết tật. Đồng thời, học viên cũng được đào tạo các kỹ năng mềm giúp dễ dàng hòa nhập trong môi trường doanh nghiệp.

Tuy đã có những kết quả tích cực nhưng công tác tạo việc làm cho NKT hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi việc làm dành cho NKT chiếm tỷ lệ khiêm tốn và cách nhìn nhận của doanh nghiệp đối với NKT chưa tích cực. Ngoài ra, NKT bị hạn chế cơ hội nâng cao trình độ, dẫn đến việc cạnh tranh nghề nghiệp không thuận lợi. Vì thế, rất cần các cơ quan, tổ chức liên quan đến NKT tăng cường sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NKT tự vượt khó, hòa nhập cộng đồng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.