Những người mẹ đỡ đầu thắp lên niềm hy vọng

Bài và ảnh: Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mất cha, mất mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn cản bước tới trường, nhưng giờ đây, nhiều em nhỏ đã có mẹ đỡ đầu. Chương trình nhân văn này do Hội LHPN Việt Nam phát động tới các cấp Hội LHPN cả nước không chỉ có ý nghĩa giúp đỡ về vật chất, mà còn là sự khích lệ các em ổn định tâm lý để tiếp tục học hành, từ đó có định hướng cho tương lai phía trước.

Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 389 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, Thành Hội kết nối và nhận đỡ đầu 113 trẻ (với mức từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/trẻ/tháng) trong thời gian 1 năm, 3 năm, 5 năm và đến năm 18 tuổi với tổng trị giá trên 2,6 tỷ đồng.

“Mình cũng là một người mẹ”

Tại “Ngày hội gia đình - Kết nối yêu thương” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức tháng 6/2022, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội nhận đỡ đầu cho 3 trẻ mồ côi. Lý do thật đơn giản và chân tình, “vì mẹ cũng là một người mẹ”.

3 em nhỏ được bà Lan Hương nhận đỡ đầu là 3 hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Từ đề xuất của Hội Phụ nữ cơ sở, Hội LHPN Hà Nội đã kết nối để từ nay, ba em nhỏ có thêm một người mẹ mới - chị Lan Hương. Không giấu được sự xúc động, chị bảo rằng, đây thực sự là một chương trình nhân văn, ý nghĩa: “Tôi mong các con có thật nhiều sức khỏe, vững vàng vượt qua những nỗi đau để học tập tốt, trở thành công dân có ích cho đất nước. Các con, từ nay, sẽ có thêm những người mẹ từ các cấp Hội LHPN Hà Nội và Hiệp hội Nữ doanh nhân nhỏ và vừa. Các con sẽ tiếp tục được hỗ trợ đào tạo nghề để các con nhận đỡ đầu có việc làm, ổn định cuộc sống”. Không chỉ góp tiền, góp của để nuôi dạy, cho các em được tiếp tục đến trường, các mẹ đỡ đầu còn trở thành điểm tựa tinh thần to lớn, giúp các em có thêm mái nhà mới, những anh chị em mới dù không cùng huyết thống nhưng lại luôn yêu thương, đùm bọc.

Thay vì phải chơi một mình, từ nay, Ánh Dương (5 tuổi, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) sẽ có thêm một người mẹ chơi cùng mình. Điều đặc biệt, người mẹ - người bạn ấy có tên giống như em: Chị Lê Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hai mẹ con Song Dương cùng nhau học bài, chơi đùa, mỗi khi Ánh Dương khóc, đòi búp bê thì đều có mẹ Thùy Dương ở bên dỗ dành. “Tôi coi cháu như con, các hoạt động về trẻ em của Hội LHPN tôi đều sắp xếp cho cháu cùng tham gia”, chị Thùy Dương nói. Nhờ có mẹ đỡ đầu Thùy Dương, Ánh Dương - từ một cô bé thiếu thốn tình cảm của mẹ đã lâu giờ biết nhớ mẹ, khóc đòi mẹ, không cho mẹ về…

Những người mẹ đỡ đầu thắp lên niềm hy vọng - ảnh 1
Mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị Lan Hương gặp gỡ các con tại chương trình Ngày hội gia đình - Kết nối yêu thương.

Sẽ cùng con viết tiếp ước mơ

Mẹ mất vì căn bệnh ung thư, bố thường xuyên ốm đau, nên cuộc sống của gia đình em Nguyên Anh (phường Dương Nội, quận Hà Đông) vô cùng khó khăn. Niềm vui đến với em bé 8 tuổi này khi em nhận được sự giúp đỡ của các mẹ đỡ đầu. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ tịch Hội LHPN phường Dương Nội cho hay: “Chúng tôi cùng dành những tình cảm về cả tinh thần và vật chất để giúp đỡ em từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”. Còn cô bé Kim Ngân (7 tuổi, phường Đồng Mai, quận Hà Đông) thì thiếu thốn tình cảm khi mẹ bỏ đi lúc em mới 2 tuổi rưỡi, bố thì bệnh tật triền miên. Tháng ngày lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà nội, giờ đây, em có thêm một người mẹ nữa để quan tâm, thương yêu em, dạy em thêm nhiều điều hay, lẽ phải. Người mẹ ấy là chị Đoàn Phương Thảo, Chủ tịch Hội LHPN phường Đồng Mai. “Chẳng có gì khác ngoài niềm vui khi chúng tôi đón nhận trách nhiệm làm mẹ đỡ đầu. Trên địa bàn phường còn có rất nhiều con có hoàn cảnh khó khăn, là cán bộ Hội Phụ nữ, giờ được làm mẹ đỡ đầu, chúng tôi chỉ mong góp một phần công sức nhỏ bé của mình, dạy dỗ bảo ban các con trong học tập, trong cuộc sống”.

Những người thân của các em nhỏ được nhận làm con của mẹ đỡ đầu rất xúc động và yên tâm khi con có một người mẹ mới, là cán bộ của Hội Phụ nữ. “Các chị là những người rất có tâm, lại hiểu biết, có các chị dạy dỗ, bảo ban, uốn nắn các cháu, chúng tôi chẳng còn mong gì hơn, hy vọng từ nay con đường mà các con đi sẽ bớt thiệt thòi”, bà Kiều Thị Sơn, bà nội của Kim Ngân bày tỏ.

Giờ đây, con đường đến trường của cậu bé N.M.T, 7 tuổi, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội không còn rất xa nữa. Bởi từ một cậu bé không có bố, lại bị mẹ bỏ rơi từ khi chưa đầy một tuổi, cháu vẫn chưa có giấy khai sinh, thì việc đăng ký đi học cũng khó, bà Phùng Thị Vân (chi hội phụ nữ phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng các chị em trong Hội Phụ nữ đã vận động gia đình lo thủ tục để cháu được đến trường.

Những người mẹ đỡ đầu thắp lên niềm hy vọng - ảnh 2
Mẹ đỡ đầu Lê Thị Thùy Dương vui chơi cùng con gái Nguyễn Ánh Dương.

N.M.T là một trong những trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Tân Mai hiện đang ở cùng người bác và bà ngoại bị tai biến. Tất cả gánh nặng gia đình, nuôi cháu nhỏ đều dồn lên vai người bác với gánh hàng vặt. Thương cho hoàn cảnh của cháu, khi Hội LHPN phường Tân Mai phát động mô hình “Mẹ đỡ đầu” và kêu gọi sự chung tay, bà Phùng Thị Vân đã hưởng ứng tham gia với mong muốn đóng góp chút tấm lòng nhỏ để nhận đỡ đầu cho các cháu. Gần một năm nay, bà nhận làm mẹ đỡ đầu của bé T và 5 trẻ khác trong phường, gần gũi, thân quen như người thân của bé, chăm lo cho các bé chút quần áo, quà bánh và những tình cảm ân cần. Nhắc đến người mẹ đỡ đầu của các trẻ mồ côi, khó khăn, chị Nguyễn Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Mai cho biết: Phần kinh phí cho 6 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hiện đều do “mẹ Vân” hỗ trợ. Nhất là vào dịp lễ Tết, mẹ đỡ đầu và chi hội phụ nữ càng quan tâm hơn, để cho các cháu bớt đi những thiệt thòi.

Với chương trình Mẹ đỡ đầu, các con sẽ không chỉ có thêm một người Mẹ, mà sẽ có thêm nhiều người ông, người bà, người cha, người chị, có thêm một mái ấm gia đình. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thực sự là cầu nối yêu thương, đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con. Đây sẽ là tiền đề, là động lực để các em yên tâm học tập, phát triển, và để “không đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau”.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.