Những quả chuối bọc xốp

Chia sẻ

Trong giờ nghỉ trưa, chị nhận được tin nhắn của mẹ: “Mẹ có mấy nải chuối ngon, đã gửi chú Cường chuyển lên Hà Nội cho con. Chiều nay tan làm, con bố trí qua chú lấy nhé”.

Chú Cường là người hàng xóm ở gần nhà chị dưới quê, làm nghề phụ xe khách chạy liên tỉnh. Thi thoảng mẹ lại nhờ chú chuyển đồ ở quê lên cho chị. Tuy nhiên, chú không có thời gian đưa đồ đến tận nhà mà chị phải đến bến xe nhận đồ. Và đấy chính là lý do để chị rất sợ đọc những dạng tin kiểu này của mẹ. Ở quê, mẹ đâu có rành đường xá Hà Nội. Mẹ không biết cơ quan chị cách bến xe cả chục km, đường đi thì vừa bụi, vừa tắc. Trong khi đó, chị còn phải lo chợ búa, cơm nước buổi chiều. Để lấy được món đồ mẹ gửi lên là cả một hành trình. Đúng là “một tiền gà thì ba tiền thóc”.

Chị bèn nhắn tin trả lời mẹ, giọng không mấy dễ chịu: “Con đã bảo mẹ rồi, ở trên này không thiếu gì. Mẹ gửi đồ lên làm gì?”. Mẹ chị nhắn lại: “Mẹ muốn gửi đồ sạch lên cho con cháu. ở đây đồ sạch nhiều, chứ trên thành phố thì ít”. Chị bắt đầu cáu, không nói vòng vo nữa: “Nhưng để lấy được đồ của mẹ con mệt lắm. Buổi chiều con còn bao nhiêu việc. Mẹ cứ rắc rối”. Mẹ chị trả lời: “Thôi, con cố gắng vậy. Là mẹ chỉ muốn tốt cho các con, cháu thôi”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị thấy bực trong người, liền quẳng máy điện thoại sang một bên. Đây có phải lần đầu tiên chị góp ý với mẹ không cần gửi đồ quê lên đâu. Hồi trước, hễ trong vườn nhà có gì là mẹ lại đóng thùng gửi lên, thập cẩm đủ loại. Nào thì quả bầu, mớ rau lang, mấy chục quả trứng, con chim bồ câu… Nhưng, rau gửi lên đến nơi cũng tướp lá, trứng thì bị dập… Còn chị thì phải chầu chực ở bến xe để lấy đồ. Mấy thực phẩm này ở chợ nhà chị thiếu gì. Thậm chí, người bán còn mang tới tận nhà, dúi vào tay cho chị chứ chị đâu phải xách lễ mễ như thế. Chị đã phải gọi điện làm căng thì mẹ mới giảm bớt tần suất gửi đồ. Nhưng, mẹ vẫn chưa thể bỏ hẳn thói quen ấy.

Chiều đó ở bến xe, chú Cường đưa cho chị một thùng carton to. Rồi chú cười: Cháu quá sướng nhé. Chẳng gì bằng có mẹ già ở quê. Ai đời con gái hai thứ tóc rồi mà vẫn được mẹ chăm chút bữa ăn cho.

Chị nhăn nhó: “Quý gì chú, có mà phiền hà thì có. Chú xem, cháu hết cả bình xăng mới tới được đây này”.

Chú Cường trả lời: “Thôi cháu ạ. Nước mắt chảy xuôi. Cháu không thể bảo mẹ dừng quan tâm đến cháu được đâu. Trong mắt mẹ cháu, ở tuổi nào thì cháu vẫn còn non nớt lắm. Mẹ cháu ở quê, lúc nào cũng lo cháu trên này sống không tốt”.

Về tới nhà, chị mở thùng carton để lấy chuối mẹ gửi. Chị giật mình, từng quả chuối được mẹ bọc trong túi xốp, buộc chun bên ngoài rất cẩn thận. Một nải 20 quả chuối là hai mươi cái túi xốp trắng. Phía ngoài nải chuối, mẹ lại gói giấy báo kín. Thì ra mẹ sợ, giống như mấy lần gửi đồ trước đây, chuối sẽ bị xây xát, dập nát không còn ngon nữa.

Tự nhiên, chị thấy lòng nghẹn lại. Chợt nhớ tới những lần nói xẵng với mẹ, chị còn giận dỗi khi mẹ gửi đồ lên cho mình. Những quả chuối bọc xốp này, chị có đi khắp cả chợ cũng chẳng bao giờ mua được, dù có sẵn sàng bỏ nhiều tiền đến đâu. Chỉ có mẹ chị vì nghĩ cho các con nên mới cầu kỳ, tỉ mỉ như vậy.

Chú Cường nói đúng, trong mắt mẹ chị, ở tuổi nào thì chị cũng chỉ là đứa trẻ cần mẹ chăm chút cho. Mẹ sẽ không bao giờ chịu “buông tay” chị đâu. Chợt nhớ mới hôm qua, chị gọi điện cho con gái đang đi học đại học ở miền Nam để nhắc nó nhớ ăn uống cẩn thận, ra đường phải đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19. Qua điện thoại, nó cũng cáu kỉnh: “Con lớn rồi, mẹ không cần lo. Mẹ phiền quá đi”. Chị nhủ thầm: “Rồi có ngày, con cũng sẽ ngộ ra như mẹ thôi, rằng nước mắt lúc nào cũng chảy xuôi”.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.