Những tấm gương “tàn nhưng không phế”

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Họ là những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể, bị khuyết tật vận động, khiếm thị, khiếm thính…, nhưng với nghị lực “tàn nhưng không phế”, họ đã vươn lên khẳng định bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

“Nàng út ống tre” và giấc mơ hoa sáp

Vượt lên hoàn cảnh đặc biệt, Bùi Thị Yến Nhi (trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) quyết tâm khởi nghiệp từ niềm đam mê hoa sáp. Câu chuyện của Nhi nhiều người gọi “nàng Út ống tre”, là hành trình truyền cảm hứng cho nhiều người.

Yến Nhi kể, cô sinh ra đã mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, phải đi bằng 10 đầu ngón chân. Di chuyển khó khăn khiến cô gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống. Giai đoạn từ 1 đến 15 tuổi, cô bé không nhớ biết bao nhiêu lần mình bị gãy xương tay, xương chân. Bố mẹ là những người nâng đỡ cô suốt tuổi thơ và cổ vũ, động viên cô trong quá trình khởi nghiệp với hoa sáp.

Tuy sức khoẻ yếu, nhưng từ bé, Nhi đã ham học và học rất giỏi. 12 năm ròng, bố mẹ thay nhau bế con gái đến trường. Nhi cũng thi đỗ ngành Dược, nhưng do sức khỏe yếu không đáp ứng được việc học nên cô đành gác lại ước mơ.

“Dù rất hụt hẫng, nhưng được sự an ủi của bố mẹ, tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần, cùng cả nhà làm nghề đan lục bình - nghề truyền thống của gia đình” – Nhi nói.

Yến Nhi cho biết, cô thành thạo gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lúc 6 tuổi. Hàng ngày, Nhi nhận đan gia công lục bình như những chị em khác ở địa phương. Vốn có niềm đam mê hoa sáp và yêu thích kinh doanh nên bên cạnh công việc thường ngày, cô gái nhỏ còn tập tành làm những sản phẩm từ hoa sáp để trang trí trong nhà và đăng lên mạng xã hội. Không ngờ, các sản phẩm hoa sáp của Nhi nhận được sự quan tâm của nhiều người. Từ năm 2019, Nhi chọn cho mình hướng đi mới là kinh doanh hoa sáp.

Những tấm gương “tàn nhưng không phế” - ảnh 1
Yến Nhi và các sản phẩm hoa sáp do cô làm ra.

Đến nay khách hàng của “Nàng Út ống tre” đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Khách hàng chủ yếu đặt mua qua các trang mạng xã hội. Những dịp lễ, Tết là thời gian bận rộn nhất của cô. Yến Nhi luôn tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã mới, thiết kế độc đáo, bắt mắt… vừa để tăng sức cạnh tranh vừa giữ chân khách hàng.

Hiện nay, mỗi ngày Nhi bán được vài chục bó sáp; vào những đợt lễ như: 14/2, 8/3, 20/10, 20/11… mỗi đợt Nhi bán vài nghìn bó hoa. Cứ thế, từ năm 2020 đến nay mỗi năm Nhi bán ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm hoa từ sáp thơm, thu về lợi nhuận khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm, với đông đảo nhân viên và cộng tác viên.

Khi được hỏi về dự định tương lai, chị Yến Nhi bày tỏ: “Chưa bao giờ tôi muốn bỏ cuộc, chùn bước trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Tôi mong muốn truyền năng lượng tích cực cho những bạn hoàn cảnh khó khăn, đừng mặc cảm, tự ti, cứ vô tư sống và hài lòng với cái mình đang có”.

Cô giáo không tay mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò

Từ khi sinh ra, Lê Thị Thắm, sinh năm 1998, quê ở tỉnh Thanh Hoá đã không được may mắn, hoàn thiện như bạn bè cùng trang lứa. Lúc chào đời, Thắm chỉ nặng hơn 1kg và không có hai tay. Khi đi học mầm non, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại chỉ trừ Thắm ra, nên cô bé cũng đòi tập viết bằng được. Thấy các bạn kẹp bút vào tay, Thắm cũng lấy bút kẹp vào ngón chân của mình để tập viết. Vì chân phải ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn. Những ngón chân nhiều hôm trầy xước, phồng rộp rất đau và đêm về không thể ngủ được. Không nản chí, dù ở trên lớp hay ở nhà, Thắm đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Lên 5 tuổi, Thắm viết thành thạo, đọc được số và chữ cái. Lên 6 tuổi, mẹ cho Thắm vào lớp 1 trường làng. Nhờ sự trợ giúp của mẹ, thầy cô, Thắm đã hoàn thành 12 năm học.

Cô gái trẻ nhớ như in câu nói của mẹ tạo động lực cho em tiến lên đến hôm nay: “Người bình thường cố gắng 1 thì con phải cố gắng gấp 20 lần. Trên đời này còn rất nhiều người thiệt thòi hơn mình, con phải cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội”. “Mẹ cũng là cô giáo thứ hai, ngoài giúp đỡ em mọi việc thì còn đưa ra những lời khuyên tốt nhất để em tốt hơn và phát triển hơn trong tương lai” - Thắm nói. Đó là 12 năm mẹ Thắm không quản ngại nắng mưa đưa con đến trường bằng xe đạp. 12 năm, Thắm đều đạt học sinh giỏi và hàng loạt giải xuất sắc ở các cuộc thi viết chữ đẹp, thi vẽ toàn tỉnh Thanh Hoá.

Ngày thi đại học, do sức khoẻ yếu, Thắm ngất 2 lần, không đủ sức khoẻ để dự thi. Mẹ Thắm “đánh liều” đến trường đại học gặp thầy hiệu trưởng để nói về ước mơ muốn trở thành giáo viên của con mình. May mắn, thầy Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức – đã đặc cách cho Thắm vào trường và vào khoa Sư phạm Tiếng Anh, hệ đại học, đúng như ước mơ của cô gái.

Những tấm gương “tàn nhưng không phế” - ảnh 2
Cô giáo Lê Thị Thắm.  Ảnh: Lê Dung

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thắm về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, bổ trợ tiếng Anh cho các em gần nhà. Thời gian đầu, Thắm mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng, sau này một số phụ huynh gửi con học thêm, nâng cao kiến thức nên Thắm quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy.

Thắm còn ước một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp và được cống hiến trong một môi trường giáo dục. Ghi nhận sự nỗ lực vươn lên này, tỉnh Thanh Hóa đã xét đặc cách cho em vào ngành giáo dục.

“Trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước” - Thắm chia sẻ.

Vượt lên số phận

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, khi năm thứ hai đại học, Nguyễn Ngọc Chiến không may bị tai nạn, dẫn đến chấn thương cột sống, bị liệt hoàn toàn hai chân, phải phụ thuộc vào xe lăn vĩnh viễn. Hiện thực phũ phàng khiến chàng trai vừa bước qua tuổi 19 khó lòng chấp nhận. Trước mặt mọi người, Chiến cố gắng bình tĩnh nhưng đêm đến lại lặng lẽ khóc một mình.

Ba năm liền sau đó, Chiến không dám đối mặt với sự thật, trốn mình trong căn phòng nhỏ. Từ một người hoạt bát năng nổ, cậu thu mình, cộc cằn, không muốn tiếp xúc với ai. Có lúc thấy bi quan vào cuộc sống, nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ và sự tận tâm chăm sóc của gia đình, anh tự nhủ sẽ phải cố gắng để tiếp tục sống.

Năm 2014, Chiến xin gia đình học thêm lớp công nghệ thông tin tại Trường Estih. Qua tìm hiểu được biết SEO Google là công việc đang khá hót thời điểm đó, cũng phù hợp với người khuyết tật nên Chiến đăng ký theo học. Sau khi ra trường, Chiến được một công ty nhận việc với mức lương ổn định. Chiến từng bước phấn đấu, từ nhân viên lên trưởng nhóm Maketting online, trưởng phòng Maketting… của công ty.

Chiến nói, từ khi mở lòng, cậu nhận ra cuộc sống có rất nhiều điều thú vị. Chiến quen người yêu cũng làm cùng công ty. Quá trình làm việc, cả hai thường xuyên chia sẻ về công việc và cuộc sống. “Ban đầu, tôi khá tự ti vì mình là người khuyết tật còn cô ấy bình thường. Nhưng cô ấy luôn nói sẽ ở bên cạnh dù mọi người có dị nghị thế nào, khiến tôi tự tin hơn” - Chiến nói.

Cả hai ấp ủ dự án Pet Online và sau nhiều năm dành tâm huyết, đến năm 2022, cửa hàng chuyên bán các loại thức ăn, phụ kiện, đồ dùng cho thú cưng tại Cầu Giấy, Hà Nội ra đời. Sau hơn 1 năm hoạt động, cửa hàng đã ổn định doanh thu. Sắp tới, Chiến dự định sẽ mở rộng các dịch vụ khác liên quan đến thú cưng như spa, tắm gội.

“Tôi biết chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng với nghị lực của mình, cùng sự động viên của gia đình, người yêu, tôi tin rằng, cái gì cũng sẽ vượt qua được” - Chiến tự tin nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.