Những “viên gạch hồng” của phụ nữ Tây Hồ

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Sống xanh, ứng xử đẹp”, góp phần xây dựng một Hà Nội thanh lịch, văn minh từ lâu đã là phương châm sống và làm việc của các hội viên Hội LHPN quận Tây Hồ. Thực hiện phương châm ấy, thời gian qua, các cô, các chị với sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, mỗi người một “viên gạch hồng” đã triển khai được nhiều việc làm nhân văn, thiết thực.

“Viên gạch hồng” xây mái ấm tình thương

Hơn một tháng qua, Hà Nội liên tục đón những trận mưa như trút nước. Nếu vào thời điểm 2 tháng trước đây, bà Công Thị Mai (SN 1967) - phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang sống tại số nhà 4 hẻm 163/18/11 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng hẳn phải khóc dở, mếu dở, lo lắng khôn nguôi vì lo nhà dột, ướt… Nhưng bây giờ, nhờ sự chung tay giúp sức của cán bộ hội viên Hội LHPN quận Tây Hồ, nỗi lo đó đã không còn. Mặc cho ngoài trời u ám, bên trong căn nhà nhỏ của bà Công Thị Mai vẫn vô cùng ấm cúng. Đâu đó, tiếng cười nói, lời động viên, chia sẻ, chúc mừng của các cô, các chị phụ nữ tổ dân phố số 7 (phường Phú Thượng), Hội LHPN quận trong ngày khánh thành “mái ấm” hồi cuối tháng 5 vẫn vọng lại.

Những “viên gạch hồng” của phụ nữ Tây Hồ - ảnh 1
Đồng chí Bùi Thị Ngọc Thúy cùng đại diện Hội LHPN quận Tây Hồ trao kinh phí xây, sửa mái ấm tình thương cho hội viên Công Thị Mai

Còn nhớ, trong buổi bàn giao mái ấm, đứng trong căn nhà mới khang trang, ấm cúng, bà Mai cứ xúc động, nghẹn ngào mãi khi nhớ lại cuộc sống của mình: Trước kia, nơi đây như chỗ để chúng tôi “chui ra, chui vào”, chứ không giống một căn nhà bởi khắp nơi tường vôi bong tróc, ẩm mốc, mái vỡ dột. Mỗi lần trời mưa, nước hắt từ bên ngoài vào; nước thấm từ trên mái nhà, nhỏ khắp nhà, chỗ nào cũng phải đặt thau, chậu hứng”. 
Căn nhà dẫu đã “nát” như vậy, nhưng do cuộc sống khó khăn, là phụ nữ đơn thân, khuyết tật nhẹ, không có chế độ trợ cấp, sức khỏe yếu lại đau ốm thường xuyên, không có việc làm ổn định, kiếm sống qua ngày nhờ thu lượm ve chai hoặc ai thuê gì làm nấy… nên hội viên Công Thị Mai dù có muốn cũng không dám mơ tới việc có được một căn nhà che mưa, che nắng kiên cố. Và nếu không có sự vào cuộc của Hội LHPN quận Tây Hồ, Hội LHPN phường Phú Thượng, khu dân cư tổ dân phố số 7 và người thân của bà Mai, chắc hẳn giấc mơ đó vẫn rất xa vời.

Chia sẻ về quá trình chung sức giúp hội viên Công Thị Mai, đồng chí Bùi Thị Ngọc Thúy - Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ cho biết: Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch trợ giúp phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch tổ chức phong trào thi đua năm 2022, nhằm kịp thời động viên và chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà các hội viên phụ nữ khuyết tật gặp phải; đồng thời cũng mong muốn các hội viên cùng gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn về sức khỏe, bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống... Hội LHPN quận với phương châm “Quận đồng hành cùng cơ sở, nắm chắc hội viên, thấu hiểu phụ nữ”, ngay từ đầu năm đã chỉ đạo các phường rà soát, kịp thời nắm bắt tình hình cán bộ hội viên, đặc biệt phụ nữ yếu thế có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp giúp đỡ.

Căn cứ đề xuất của Hội LHPN phường Phú Thượng, Hội LHPN quận đã khảo sát thực tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà Mai về mong muốn sửa chữa căn nhà cấp 4. Trên cơ sở đó, Hội LHPN quận đã trích từ quỹ “Tuần lễ vàng” 30 triệu đồng hỗ trợ bà Mai. Hội Phụ nữ phường Phú Thượng, khu dân cư vận động xã hội hóa 18,042 triệu; anh em, con, cháu trong dòng họ hỗ trợ 12 triệu đồng hỗ trợ xây, sửa “Mái ấm tình thương” cho bà Mai trên nền diện tích là 50,5m2.

Những “viên gạch hồng” của phụ nữ Tây Hồ - ảnh 2
Hội LHPN quận Tây Hồ chúc mừng bà Nguyễn Thị Thành - Hội viên phụ nữ Chi hội số 15, phường Bưởi có ngôi nhà mới khang trang nhờ sự chung tay của cán bộ, hội viên phụ nữ quận.
Không chỉ đóng góp những “viên gạch hồng” để xây dựng, cải tạo nhiều công trình ý nghĩa, Hội LHPN các cấp quận Tây Hồ còn có nhiều công trình, phần việc thiết thực như: “Phụ nữ Quảng An - kết nối vòng tay nhân ái”, vận động kinh phí để giúp đỡ đến những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; nhận đỡ đầu, chăm sóc, hỗ trợ học phí, trao học bổng cho nhiều trẻ em nghèo học giỏi; hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trao tặng sổ tiết kiệm đến hội viên phụ nữ ốm đau mắc bệnh hiểm nghèo…

“Viên gạch hồng” tôn tạo di tích lịch sử

Cũng bằng cách làm huy động sự ủng hộ, đóng góp của hội viên phụ nữ, mỗi người một “viên gạch hồng” trị giá 10.000đ, mới đây, Hội LHPN quận Tây Hồ đã trao tặng 200 triệu đồng cho Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), để tu bổ, cải tạo công trình hồ nước trong khuôn viên Đền.

Hát Môn là một trong 4 địa điểm thờ Hai Bà Trưng trên cả nước, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu; và cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Đến nay, Đền đã phát huy giá trị tuyên truyền lịch sử cho nhiều thế hệ người dân địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước.

“Thông qua hoạt động chung tay tôn tạo, tu sửa đền Hai Bà Trưng, Hội LHPN quận Tây Hồ mong muốn được góp sức vào tuyên truyền, giáo dục truyền thống, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; góp phần bồi dưỡng niềm tự hào của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân trên địa bàn quận về những đóng góp to lớn của giới nữ nói chung, các thế hệ phụ nữ Việt Nam, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp đối với phong trào phụ nữ và công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Đây cũng là dịp để cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Tây Hồ chủ động, tích cực, hăng hái thi đua trong các hoạt động phong trào, thiện nguyện” - đồng chí Bùi Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh.

Những “viên gạch hồng” của phụ nữ Tây Hồ - ảnh 3
Hội LHPN quận Tây Hồ đóng góp 200 triệu đồng cùng chính quyền xã Hát Môn tôn tạo, tu sửa khuôn viên đền Hai Bà Trưng

Với ý nghĩa đó, chương trình đã tạo ra sức lan tỏa lớn không chỉ trong cán bộ, hội viên phụ nữ mà còn nhận được sự ủng hộ tích cực, tham gia gây quỹ từ các đồng chí lãnh đạo quận; các nữ công nhân viên chức công đoàn quận Tây Hồ; cùng sự chung sức của nhiều nhà hảo tâm trên địa bàn. Nhờ vậy sau khi kết thúc 3 tháng phát động, Hội LHPN quận Tây Hồ đã vận động được 200 triệu đồng; đóng góp một phần kinh phí cùng chính quyền xã Hát Môn tu bổ, cải tạo khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng.

Đánh giá cao hoạt động của Hội LHPN Hà Nội trong lễ bàn giao công trình “viên gạch hồng”, đồng chí Trần Thị Thu Hường - Trưởng ban Dân vận quận ủy Tây Hồ cũng cho biết: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh các anh hùng dân tộc... theo cách làm của Phụ nữ Tây Hồ rất ấn tượng và thiết thực. Qua đó, cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình sẽ có dịp tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà; góp phần hun đúc tinh thần yêu nước; thể hiện lòng biết ơn tới công lao của các anh hùng dân tộc.

Số tiền đóng góp của Hội LHPN quận Tây Hồ chính là tình cảm, tri ân của hội viên phụ nữ với người có công với đất nước. Ngoài công trình này, tới đây mong còn có nhiều đơn vị khác trên địa bàn quận, cấp cơ sở trực thuộc tiếp tục có tổ chức các đợt về nguồn, tham quan di tích và giáo dục truyền thống lịch sử; đóng góp tôn tạo, tu bổ di tích quốc gia được trường tồn cùng thời gian.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.