Những “vịt giời” để dành

Chia sẻ

Đẻ đến lần thứ 3 vẫn là con gái, anh Thường quyết định để vợ “nghỉ”, chấp nhận dừng lại dù chưa mong muốn. Nhưng hàng xóm, họ hàng của vợ chồng anh thì không chịu… để yên!

Bố anh Thường có hai người con trai, anh là út. Dẫu vậy, ở một làng quê ngoại thành, việc phải đẻ được con trai vẫn là trách nhiệm của bất cứ gia đình nào, không kể cả hay út. Nó khẳng định “vị thế” của người đàn ông, người chồng với gia đình, dòng họ, làng xóm, rằng “nhà phải có thằng cu”. Anh Thường không nằm ngoài luồng tư tưởng ấy. Lấy vợ, anh cũng ao ước lắm, kỳ vọng lắm. Chị Thỏa – vợ anh đẻ đứa đầu là gái, anh không vui lắm nhưng vẫn hy vọng, đến lần thứ 2, đưa vợ đi siêu âm, anh vẫn nhận được kết quả như lần đầu. Anh buồn hẳn, nhưng cũng động viên vợ rằng “không sao cả, đầy nhà tuyền con gái mà giàu hơn hẳn, khéo nhà mình sau cũng thế!”. Chị Thỏa biết chồng buồn, chị cũng sốc chứ, thế là chị không làm tròn trách nhiệm làm vợ rồi.

Đẻ đứa thứ 2 được hơn một năm, chị lại có bầu. Lần này, chị được chồng chăm bồi bổ hơn hẳn, thuốc Nam thuốc Bắc không thiếu thứ gì. Cả làng dõi theo chị. Đến ngày đến tháng biết được giới tính, anh chị dậy từ sáng tinh mơ, thắp hương cầu các cụ để lần này được con trai. Anh thuê hẳn taxi chở chị lên phố huyện siêu âm cho chuẩn. Nhưng rồi, vẫn gái. Anh không đành lòng, đưa vợ đi tiếp một phòng khám nữa, rồi một phòng khám nữa. Đi đến 4, 5 cái phòng khám, rã rời, mệt mỏi, mà ý trời chẳng giống ý anh. “Gái nhé”, “Công chúa rồi”, “Giống mẹ nhé!”, mỗi nơi bác sỹ chúc mừng vợ chồng anh một kiểu, nhưng anh đều chẳng thấy vui gì. Quá trưa, vợ chồng lủi thủi bắt xe về nhà. Quãng đường về nhà cũng bằng quãng đường từ nhà lên phố sáng nay, mà sao anh Thường thấy khác hẳn. Nó dài lê thê và đắng nghét.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, anh Thường tự vực dậy được sự bi quan của chính mình. Anh nghĩ thôi thì số trời đã định, anh không có được con trai nhưng ba cô con gái chính là cái lộc lớn mà anh được hưởng, trên đời này còn nhiều người muốn như anh mà còn chẳng được. Ấy là còn chưa kể hai cô con gái đầu dễ nuôi, kháu khỉnh lại ngoan ngoãn, đứa lớn mới 5 tuổi mà cũng nhờ được ối việc rồi, đi học mẫu giáo còn hay được cô khen. Anh tự dặn mình vậy. Bao lâu nay cán bộ dân số, phụ nữ vào nhà tuyên truyền suốt về việc không quan trọng trai – gái nữa, anh cũng thấm ít nhiều. Chỉ có điều, cái thói đời cứ phải thích có thằng cu cho oai cơ. Giờ anh hiểu ra hẳn, quyết định không làm khổ vợ con chỉ vì cái sĩ diện hão ấy nữa. Rồi anh chia sẻ điều đó với vợ, chị Thỏa vui hẳn lên, nhẹ hẳn người.

Nhưng cuộc đời lại không dễ dàng như thế. Vợ chồng nhà người ta đã đồng lòng, vui vẻ rồi, nhưng hàng xóm láng giềng, rồi họ hàng nội ngoại lại không chịu. Từ lúc chị Thỏa đi siêu âm về, người ta đã “ngọ nguậy” không yên, dò hỏi bằng được “thế là trai hay gái?”. Lúc chị Thỏa bảo con gái, thì người ta hết thở dài lại đến xuýt xoa, “Thế là phải đẻ tiếp rồi”, “Lại vịt giời à, chán nhỉ”… Người làng cứ nghĩ nói thẳng, nói thô thế là nói thật, là lo hộ cho chị Thỏa, nhưng có biết đấy lại làm tổn thương chị. Chị chẳng nói lại gì, miệng chị sao đọ được với miệng thiên hạ.

Dù được chồng ủng hộ, động viên, nhưng người làng, với những câu nói đầy vẻ trọng nam khinh nữ ấy vẫn cứ lảng vảng khắp nơi và đến tai chị. Đã vậy, lại còn cả họ hàng, cũng ra sức khuyên chị nên cố thêm lần nữa, dù đứa con thứ 3 này, vẫn còn chưa chào đời.

Ấy là từ lần bố chồng chị Thỏa bị tai biến, nằm một chỗ. Mọi lo liệu sinh hoạt và chăm sóc cho ông, đều là vợ chồng chị và các con làm giúp hết. Anh trai anh Thường, tiếng là lấy vợ, có con trai, nhưng cả hai vợ chồng đều chỉ biết phá của nhà mang đi, chứ đã được ngày nào phụng dưỡng bố. Bố ốm, hai vợ chồng chẳng chịu về thăm, cũng chẳng được một lời hỏi thăm gì.

Chính từ câu chuyện đó nên hôm đi ăn giỗ, vợ chồng chị Thỏa mới nhận thêm một “tràng” dài khuyên nhủ từ các bà cô, bà bác rằng: “Chúng mày đừng tưởng cứ chăm ông ấy như thế là sau này ông để lại nhà cửa tài sản. Phải có con trai, thì mới mong được ông ấy cho tất. Chứ không thì công cốc, vào tay vợ chồng con cái thằng Quân (anh trai anh Thường) hết!”.

Chị Thỏa cười: “Ôi bà ơi, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Chúng cháu chăm ông đâu phải để nhăm nhăm chiếm cái nhà, miếng đất của ông đâu. Chúng cháu vẫn đi làm, kiếm tiền nuôi bọn trẻ được đó thôi. Mai kia chúng nó lớn, chúng nó tự lo được thân nó, đi ra ngoài mà lập nghiệp, chứ cần gì vài ba miếng đất quê này nữa hả bà. Cháu là cháu không đẻ nữa đâu, anh Thỏa bảo rồi, đẻ nữa thì có mà múc cám ăn!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy không nói được chị Thỏa, mấy bà già lầm bầm một hồi rồi tản ra. Nhưng trên nhà, nơi mấy mâm được bày cho cánh đàn ông ngồi uống rượu, anh Thỏa vẫn đang bị “truy”: “Các bác chỉ muốn tốt cho vợ chồng mày. Vợ chồng thằng Quân nó hư, nó hỗn thật đấy, nhưng nó đẻ được con trai. Thế thì kiểu gì nay mai cái nhà chúng mày đang được ở cũng thuộc về nó. Lúc ấy thì coi như chúng mày công cốc, ra đường mà ở à? Mà mày nhìn đi, ở cái làng này, có nhà nào đẻ toàn con gái mà đàn ông trong nhà ngóc đầu được lên không? Nhục lắm cháu ạ!”.

Đúng là rượu vào lời ra, toàn những lời như cứa gan cứa ruột, anh Thường cũng ít nhiều bị lung lay rồi. Kể từ hôm ấy, anh cứ đi ra đi vào, như muốn nói gì đó với vợ mà lại ngại. Chị Thỏa đã bước vào những tháng cuối thai kỳ, chửa đến lần thứ 3 nên chị yếu đi nhiều, làm việc được tí là lại đau lưng, mỏi chân, ngồi nghỉ mà thở hắt ra. Thấy vợ như thế, anh lại thôi, giữ lại tâm tư trong lòng.

Vợ chồng Quân nợ nần cờ bạc không có tiền trả, kéo nhau về nhà anh Thường, đòi ông cụ đang nằm một chỗ phải bán nhà để lấy tiền trả nợ. “Dù gì cái nhà này cũng của tôi, cháu đích tôn của ông nó là con tôi, nên chú thím không có quyền gì. Còn ông quyết luôn đi, sổ đỏ để đâu đưa tôi đi lấy!”, người con trai trưởng không thèm hỏi thăm bố một lời, thẳng thừng đến mức vô tình, còn không bằng bát nước vừa đổ đi.

Ông cụ đang ngồi dựa vào thành giường cho hai đứa con của anh Thường bóp chân, khẽ xua hai cháu gái ra sân chơi rồi mấp máy môi, gọi chị Thỏa vào, ghé tai nhờ chị đi vào buồng. Lát sau, chị cầm ra một cái cặp, đưa cho ông. Ông cụ run run mở ra, bên trong là một tập giấy A4 xếp ngay ngắn, chữ tròn trịa. Tiếng ông cụ vẫn còn vấp, nhưng to và quyết liệt:

- Đây là di chúc bố đã làm, anh xem đi rồi nhìn lại cái nhà này là của ai!

Cả nhà ngơ ngác vì không biết ông cụ làm di chúc từ lúc nào. Ghé vào xem, vợ chồng anh Thường càng ngạc nhiên hơn vì toàn bộ nhà cửa, vườn tược, đất đai của ông cụ, đều được trao cho vợ chồng anh chị hết. Hóa ra, ông cụ đã làm di chúc từ lúc chưa mắc tai biến. Ông bảo, rằng thấy hối hận vì ngày xưa thiên vị thằng cả hơn thằng út, đến lúc về già chỉ có vợ chồng thằng út là lo cho ông, hai đứa cháu gái lúc nào cũng quấn quýt. “Bao nhiêu tiền của anh mang của bố đi nướng vào cờ bạc, giờ coi như bố cho anh, thế là trọn vẹn nghĩa tình rồi. Giờ anh không được thêm gì nữa, tự mà kiếm lấy rồi ăn! Nói xong, ông xua đàn con đi ra, gọi hai đứa cháu gái vào. Mấy ông cháu lại vui vẻ như chưa có gì.

Tin ông cụ để lại hết tài sản cho vợ chồng anh Thường – vừa là út vừa chỉ đẻ được “vịt giời”, lan ra cả làng mà chẳng ai dám tin. Nhưng có hề gì khi nó đã là sự thật rồi. Anh Thường tâm sự với vợ, hóa ra mình lạc hậu hơn cả ông, ông còn công bằng hơn mình bao nhiêu. Bỗng dưng, anh thương vợ, thương ba cô con gái của anh quá. Vậy là từ nay, anh sẽ không còn phải tự dằn vặt, tự làm khổ vợ con vì cái ước ao có thằng cu nữa. Cần gì phải có con trai khi con gái anh biết thương ông, chăm ông chẳng nề hà gì. Chính ra, ba vịt giời của anh, chính là của để dành đáng quý lắm!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.