Những vườn ươm rực rỡ sắc hoa

Chia sẻ

Từ đường làng ngõ xóm, các khu di tích, nhà văn hóa, trường học đến bờ tường, cổng nhà… của các hội viên phụ nữ huyện Đông Anh đang trở thành những không gian xanh đẹp mắt với sắc màu rực rỡ của các loại cỏ cây hoa lá bốn mùa khoe sắc.

Những món quà xanh ý nghĩa

Đi trên những con đường làng của xã Liên Hà, mọi người đều ấn tượng với những giàn hoa hoàng yến, hoa giấy, hoa sử quân tử nhiều màu sắc bung nở rực rỡ trên cổng nhà của các hộ dân. Ở những gia đình có sân vườn còn có các giỏ hoa treo tường nhỏ nhắn và đầy sức sống. Người dân ở đây gọi đó là những chiếc cổng nhà nở hoa, tường nhà nở hoa; góp phần tạo nên cảnh sắc tươi đẹp cho miền quê ngoại thành, làm dịu đi nắng nóng gay gắt trong những ngày hè và cuộc sống của người dân trở nên thi vị, lãng mạn hơn.

Trao tặng nhau những món quà là cây hoa, cây cảnh đã trở thành nét đẹp văn hoá của chị em phụ nữ Đông AnhTrao tặng nhau những món quà là cây hoa, cây cảnh đã trở thành nét đẹp văn hoá của chị em phụ nữ Đông Anh

Không gian xanh còn lan tỏa đến các trường học, nhà văn hóa và khu di tích. Những khoảng sân, dãy lan can trước đây thường để trống, có chỗ cỏ dại mọc tràn thì nay đã được cải tạo và làm đẹp bằng các giỏ hoa rủ, hoa trồng thành hàng rào, trồng theo cụm, theo lớp, màu sắc đan xen rất đẹp mắt. Góp phần tạo nên sự thay đổi diện mạo không gian sống của các gia đình, đường làng ngõ xóm, các điểm công cộng ở xã Liên Hà chính là từ những món quà xanh đặc biệt của cán bộ Hội. Đó là các giỏ hoa, bầu cây được các chị em ươm trồng trong khu vườn nhỏ của xã.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Trước đây, việc trồng cây, trồng hoa trang trí của các gia đình, thôn xóm đều tự phát, mạnh ai nấy làm, không đồng bộ, không đảm bảo thẩm mỹ. Thực hiện đề án “Đẹp” của UBND huyện, các xã và thị trấn trên địa bàn huyện dành diện tích chung để xây dựng khu vườn ươm, tạo cây giống cung cấp đồng bộ cho các tuyến đường hoa, phủ xanh không gian công cộng. Các tổ chức đoàn thể xã hội cùng được giao nhiệm vụ tham gia thực hiện vườn ươm; trong đó nòng cốt là chị em phụ nữ.

Những con đường hoa sắc màu ở Đông AnhNhững con đường hoa sắc màu ở Đông Anh

Tại xã Liên Hà, theo bà Ngô Thị Lý – Chủ tịch Hội LHPN xã, khu vườn ươm có diện tích gần 2.000m, trong đó khu ngoài trời trồng các loại “cây mẹ” rồi chiết ghép thành các cây con, trồng trong bầu ở khu nhà lưới được trang bị hệ thống phun sương tự động (rộng gần 500m). Những ngày đầu thực hiện mô hình Vườn ươm, các chị em được giảng viên của Học viện Nông nghiệp hướng dẫn cả về lý thuyết lẫn thực hành. Nhiều chị tuy quen với việc đồng áng, tiếp xúc với các loại đất trồng, hạt giống từ khi còn trẻ tuổi; song với những kiến thức về cây trồng, kỹ thuật chiết ghép nhân giống hiện đại, điều kiện chăm sóc ở các hình thái thời tiết khác nhau giúp chị em tự tin hơn trong công việc. Từ số lượng cây giống, hạt giống ban đầu được cung cấp, chị em đã nhân giống thành công và cung cấp 5.000 khóm hoa, bầu cây xanh để trồng tại các đoạn đường hoa liên thôn, liên xã, điểm sinh hoạt cộng đồng, nghĩa trang liệt sỹ, khu dân cư… Số cây xanh này, trước đây, khi chưa có vườn ươm, chị em phải tự bỏ tiền mua, vừa tốn kém vừa không hiệu quả, việc chăm sóc cây gặp nhiều khó khăn do nhiều cây được bón thúc, chỉ cho hoa rực rỡ ở lứa đầu rồi lụi dần. Tuy nhiên, các cây ở vườn ươm thì ngược lại, cây khoẻ mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Cùng với Liên Hà, Cổ Loa cũng là xã đã thành công trong việc chiết ghép, giâm cành, nhân giống các loại cây hoa, cây cảnh trong vườn ươm để cung cấp hàng ngàn cây hoa dừa cạn, thanh tú, ngũ sắc, sử quân tử, hoa giấy… phủ xanh 21 đoạn đường nở hoa, 15 nhà văn hoá ở 15 thôn, 4 trường học trên địa bàn xã. Từ Quốc lộ 3 rẽ phải vào xã Cổ Loa, trên những con đường của thành cổ xưa, rợp bóng những hàng cây xanh, cây hoa nhiều màu sắc đan xen trải dài, ai nấy đều cảm nhận được không khí mát mẻ, sự thanh bình, yên tĩnh của miền quê đẹp. Chị Nguyễn Thị Hường – Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Để có cây xanh khoẻ mạnh được chiết xuất từ cây giống thường mất thời gian khá dài (3-6 tháng) và nhiều công chăm sóc. Thời gian này, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng lớn đến “sức khoẻ” của cây, nhất là cây nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian ươm ghép, chị em đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, chọn lựa được hơn 10 loại cây “dễ tính”, màu sắc đẹp, cho hoa nở quanh năm; luân phiên với đó, mỗi mùa chị em lại chọn lựa các loại hoa đặc trưng để ươm trồng góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học, đảm bảo cho các tuyến đường có hoa nở quanh năm và có dấu ấn riêng.

Vườn ươm hoa ở xã Liên HàVườn ươm hoa ở xã Liên Hà

Góp sức xây dựng “miền quê đáng sống”

Các vườn ươm cây xanh là cách làm rất sáng tạo, khai thác hiệu quả sự đóng góp ngày công lao động, kỹ thuật ươm trồng của nhân dân để tạo nên những đoạn đường nở hoa, xây dựng Đông Anh thành đô thị xanh trong tương lai. Những con đường liên thôn, liên xã hay các điểm công cộng mới chỉ dăm năm trước còn hoang sơ, chủ yếu là cỏ mọc tràn lan; có nơi có chỗ còn bị lấn chiếm để rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường thì nay đã được khoác tấm áo mới nhiều màu sắc. Người dân ở xa ghé qua thăm làng, thăm xã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tươi mới của chốn quê thanh bình; người làng, người xã phấn khởi, vui mừng trước sự thay đổi từng ngày của nơi chôn rau cắt rốn theo hướng đẹp hơn, xanh hơn nhưng không mất đi nét đẹp văn hoá truyền thống, đặc trưng vốn có của làng cổ như cây đa, giếng nước, sân đình, chùa cổ, cổng làng xưa... Bác Nguyễn Thị Lan ở xã Việt Hùng từng chia sẻ: Môi trường sống của làng quê Đông Anh đang thay đổi rõ rệt, kéo theo đó là chất lượng cuộc sống được nâng cao; nhiều bạn trẻ sau một thời gian “ly hương” nội đô đã quay trở về làng để sống. Còn với những người dân ở xã, sự xuất hiện những đường hoa đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, cùng cộng đồng trách nhiệm giữ gìn cảnh quan chung. Tình trạng vứt rác bừa bãi ở lề đường, nơi công cộng đã được cải thiện; tự nguyện chăm sóc cây xanh, tưới cây, nhổ cỏ; đóng góp kinh phí cải tạo chỉnh trang, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, hạ tầng tại các không gian cộng đồng…

Trám đen – cây đặc sản ở xã Cổ LoaTrám đen – cây đặc sản ở xã Cổ Loa

Những mảnh vườn tuy diện tích khiêm tốn hiện nay không chỉ để nhân giống cây hoa; chị em phụ nữ ở một số xã còn thử nghiệm ươm trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao như hoa lan; bảo tồn và phát triển những giống cây ăn quả đặc sản quý hiếm của địa phương như cây trám, mít, chè xanh… Bác Nguyễn Văn Lai ở thôn Gà, xã Cổ Loa cho biết: Từ nhiều đời nay, trám đen và mít là các loại quả nổi tiếng khắp vùng vì thơm ngon, đến mùa dân buôn khắp nơi đổ về mua. Trám đen có cùi dày, vị bùi béo, dùng để chế biến các món ăn ngon, trong đó có đặc sản Cổ Loa là bánh đúc trám mà hiếm nơi nào có. Còn mít ở đây có cùi dầy, thơm ngọt đậm đà. Những cây này trước đây trồng trong vườn nhà, ruộng, ngoài đất bãi; đặc biệt là trong khu di tích lịch sử thành Cổ Loa, chúng được trồng rất nhiều ở 3 vòng thành.

Mãi đến sau này, các loại cây trên mới thu hẹp dần số lượng và đến nay chỉ có một số cây trên 100 năm tuổi, còn lại là trên 30 năm tuổi. Theo ông Nguyễn Kim Nhật – Chủ tịch UBND xã, để bảo tồn nguồn gen quý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chọn lọc, công nhận được 6 cây trám đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng trong chương trình bảo tồn gen. Hạt từ các cây tuyển chọn này đã được ươm trong các bầu đất ở khu vườn ươm đến khi đạt chiều cao từ 50-70cm thì đưa ra cho các hộ dân trồng. Hiện nay, trên địa bàn xã đã trồng được gần 20.000 cây mít và trám trên các vòng thành. Đây là cơ sở để xã Cổ Loa phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế hộ gia đình và bảo vệ thành cổ không bị xói mòn đất.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.