Niềm vui của cháu

NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Khi nghe tin tôi đỗ đại học, ông vui lắm. Rồi ông tôi hỏi: “Vậy, cháu học ngành nào vậy?”. Tôi đáp: “Cháu học về logistic ông ạ”. 

Ông tôi ngẩn người ra một lúc vì ông chẳng hiểu logistic nghĩa là gì. Tôi giải thích cho ông một hồi, ông nghe xong vẫn lại… ngẩn tò te. Ông liền hỏi câu chốt: “Thế tóm lại là cháu có thích học ngành đó không?”, “Dạ có  ông ạ. Ngành đó về sau có tương lai lắm”, tôi trả lời. “Thế là được cháu ạ. Cháu cứ thích là tốt rồi”.

Với nhiều người, được nghe câu đó rất là bình thường. Nhưng với ông tôi, đó quả là một sự thay đổi. Trước đây, ông tôi vốn là người có tư tưởng khá cứng nhắc, nếu không nói là bảo thủ. Ông chỉ thích các con, cháu đi theo các nghề như sư phạm, bác sĩ và làm ở cơ quan nhà nước.

Nhớ năm đó, chị cả tôi thi đỗ vào ngành Sư phạm Toán, ông tôi mở tiệc khao cả họ. Sau khi ra trường, chị lại xin được việc ở một trường THPT công lập. Ông tôi càng vui, bảo thế là chị sướng nhất, việc vừa nhàn nhã, vừa ổn định. Nào ngờ, chỉ hơn một năm sau, chị tôi đột ngột xin nghỉ việc ở trường công lập để ra ngoài làm.

Chị nói tính cách của chị thích làm việc ở môi trường ngoài nhà nước hơn. Nghe tin, ông tôi buồn và thất vọng lắm. Ông nằm bẹp mấy ngày liền còn không nói chuyện với chị. Ông bảo chị tôi dại dột, đường bằng phẳng không đi mà chọn đường gồ ghề. Nhất là sau đó, chị tôi góp vốn với mấy người bạn học tự mở một trung tâm gia sư. Thi thoảng, chị lại up lên mạng internet clip quay chị đang giảng bài. Ông tôi vì thế lại càng giận hơn. Ông bảo con gái con lứa gì mà cứ nhao ra ngoài đường kiếm tiền, rồi lại còn “phơi” mặt trên internet là không chấp nhận được.

Niềm vui của cháu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Phải mất một thời gian ông tôi mới tạm quen được việc cháu mình “làm tự do”. Quen nhưng ông tôi vẫn còn rất ngại khi có ai đó hỏi thăm đến công việc của con cháu. Mỗi lần đi đâu, nghe ai kể con cháu họ đang làm vị trí này, vị trí kia ở cơ quan nhà nước là ông tôi lại xuýt xoa tiếc rẻ. 

Đến lượt chị hai thứ hai của tôi sau khi tốt nghiệp đại học thì chọn… lấy chồng sớm. Chồng của chị làm nghiên cứu khoa học ở viện nghiên cứu nhà nước, hàng tháng có lương, dáng vẻ đạo mạo… đúng tiêu chuẩn cháu rể mà ông tôi ao ước. Vì vậy, ông tôi đã đồng ý vun vén cho anh chị. Ngờ đâu, chỉ sau ba năm thì anh chị tôi chia tay, lý do là hai vợ chồng có mâu thuẫn về lối sống nên không hòa hợp được. Ông tôi đau khổ lắm, tìm mọi cách khuyên can chị hãy cố gắng chịu đựng, đừng ly hôn vì phụ nữ ly hôn tai tiếng để đời. Với ông, gia đình có yên ấm hay không chủ yếu phụ thuộc vào sự hy sinh của người phụ nữ.

Nhưng chị tôi quyết làm mẹ đơn thân của cô con gái hơn 2 tuổi. Hai mẹ con chị thuê một căn hộ nhỏ gần nhà ông bà tôi để tiện bề qua lại. Chồng cũ của chị thi thoảng cũng đến đó chơi với con. Trông họ bề ngoài vẫn cứ như là đôi vợ chồng. Ông tôi lúc đầu mắng vợ chồng chị cạn nghĩ, ích kỷ và chê trách chị nhiều hơn. Riết rồi thấy chị tôi, anh rể cũ và cháu tôi có cuộc sống vẫn ổn thỏa thì ông mới tạm yên lòng.

Mấy năm trôi qua, đến giờ ông tôi đã thực sự thích nghi với những “quan niệm” sống mới. Đó là khi ông thấy công việc của chị gái cả của tôi thuận lợi, trung tâm có đông học sinh tìm tới. Chị tôi đã có chút tiền tích lũy, còn tự mua được ô tô. Nhưng quan trọng hơn là chị vui và thấy tinh thần rất thoải mái khi được “làm sếp của chính mình”.

Còn chị gái thứ hai của tôi cũng khá ổn với cuộc sống sau ly hôn. Chị không còn phải khổ vì những trận cãi vã với chồng, không phải mang nỗi ấm ức mà chạy về nhà ông bà để “xả”. Giờ đây, chị trông xinh và tươi trẻ hơn. Con của chị cũng vẫn nhận được sự quan tâm đầy đủ của bố mẹ. Tóm lại, chị đã chứng minh rằng, ly hôn không phải là tận thế.

Đến khi tôi vào đại học, thực lòng, ông vẫn thích tôi thi vào hai nghề là giáo viên và bác sĩ. Nhưng khi tôi chọn nghề khác thì ông cũng không can thiệp. Nhất là vừa rồi, ông đọc được mấy bài báo về một số bạn trẻ vì kỳ vọng của gia đình mà đã nhảy lầu tự vẫn. Ông tôi không muốn sẽ gây áp lực cho tôi hay muốn tôi phải sống theo mong muốn của ông nên để cho tôi tự do lựa chọn điều tôi thích làm, chỉ cần tôi giống như các chị thấy vui vẻ là được.

Ông tôi, đã ngoài 80 tuổi vẫn đang thay đổi để hiểu và hòa nhập với con cháu hơn. Với ông không phải là những quy tắc mà chính niềm vui của con cháu mới là quan trọng nhất. 

 

Tin cùng chuyên mục

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

(PNTĐ) - Sau mỗi câu chuyện không hay trong gia đình, người ta thường nhắc đến kèm hai từ “giá như”. “Giá như hồi ấy không tham công tiếc việc quá”, “Giá như hồi ấy mình nghe chồng/vợ một chút”, hay “giá như hai vợ chồng không cố đẻ thằng con trai”… Ừ thì giá như được xoay chuyển quá khứ theo ý mình, thì chắc hẳn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc.
Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

(PNTĐ) - Với nhiều gia đình, hạnh phúc không phải là một con đường dễ đi. Thế nhưng, chỉ vì “chúng ta là một gia đình” mà họ sẵn sàng nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão. Bởi khi nghĩ về một gia đình hạnh phúc, họ luôn nghĩ về cách mà họ cùng nhau bắt đầu một gia đình, là sự cam kết, tự nguyện hay mong muốn được san sẻ cuộc sống cùng nhau.
Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

(PNTĐ) -Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia.
Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

(PNTĐ) - Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, đó là duyên số. Nhưng cái nghĩa, cái tình và mối ràng buộc với con cái thì không thể chối bỏ. Sau ly hôn nhiều đôi coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Họ chặn hết mọi mối liên hệ, có khi còn cấm cản không cho gặp con. Rồi đôi bên thi nhau nhồi vào đầu bọn trẻ những điều không tốt đẹp về bố, mẹ của chúng. Vậy sau ly hôn liệu có thể là bạn?