Niềm vui từ những trải nghiệm trồng rau tại nhà

Chia sẻ

Nhiều người nói vui nhịp sống của Hà Nội những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 giống như thời bao cấp trước đây, thời không có dịch vụ gì, các gia đình phải tự phục vụ tại nhà, từ nấu ăn, trồng rau đến làm bánh, cắt tóc…

Nhớ về một thời khó khăn nhưng nhiều người lại rất vui bởi hiếm khi có thời gian để “sống chậm”, tự tay chăm lo cho gia đình và có những trải nghiệm thú vị.

Những nhà nông ở phố

Những ngày giãn cách xã hội, tạm dừng công việc kinh doanh, chị Bùi Thị Nhàn ở phố Linh Lang, quận Ba Đình dành nhiều thời gian hơn cho niềm vui của nhà nông. Sống trong căn nhà ống ở phố, khoảng không để trồng rau, trồng hoa không nhiều nên để có nguồn rau sạch hàng ngày, chị Nhàn mày mò tìm hiểu và quyết định trồng rau mầm - loại rau bổ dưỡng và có nhiều ưu điểm, hợp với các gia đình ở phố: không bắt buộc phải trồng trên đất, có thể linh hoạt trồng trên các loại giá thể khác nhau như khăn giấy… Rau mầm không trồng ở ngoài nắng để “hít thở” khí trời “vươn vai lớn lên” như các loại rau xanh khác mà chỉ cần không gian nhỏ trong phòng khách, phòng bếp, ban công, lan can là có thể đặt khay, trải hạt và chờ đợi 3-7 ngày đã có thể thu hoạch mẻ rau.

Tự làm giá đỗ - rau xanhbổ dưỡng và dễ làmcủa mùa dịchTự làm giá đỗ - rau xanh bổ dưỡng và dễ làm của mùa dịch

Nhà chị Nhàn trồng rau trong bếp. Đây là không gian cả gia đình nhà chị quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc vất vả. Để các khay rau không chiếm quá nhiều diện tích, chị Nhàn mua thêm giá bằng inox, xếp gọn gàng 4 khay rau. “Trong những ngày giãn cách xã hội, đi chợ bằng phiếu nên không thể lúc nào mình cũng có thể chạy ù ra chợ mua rau xanh như trước đây. Vì thế, mình chọn cách tự trồng rau mầm tại nhà để chủ động thực phẩm, cũng là một lần để thử sức làm nhà nông trong phố. Trồng rau mầm không khó bởi loại rau này không kén đất màu, không cần nhiều dinh dưỡng, lại cho thu hoạch nhanh như mình ủ giá đỗ, thích hợp với những nhà nông “một mùa” - chị Nhàn cười khi chia sẻ về niềm vui mới của mình, giúp cho những ngày giãn cách xã hội tưởng như nhàm chán, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường nhà trở thành những ngày trải nghiệm lý thú.

“Thế giới rau mầm cũng phong phú như rau xanh ăn lá, ngoài rau cải - loại rau mầm phổ biến và thông dụng nhất còn có các loại mầm rau muống, rau đậu Hà Lan, đậu đen, đậu tương, rau vừng, cải đuôi phụng… Mỗi loại rau có đặc điểm, thời gian sinh trưởng khác nhau. Thời điểm này, thời tiết vẫn nắng nóng nên khi gieo, nếu không cẩn thận hạt giống sẽ bị hỏng. Vì thế, cách an toàn nhất, tôi để khay rau vào bếp, chỗ ít ánh sáng hàng ngày vừa nấu cơm vừa có thể quan sát cây trưởng thành” - chị Nhàn cho biết thêm.

Lót 2 lớp giấy ăn trên chiếc rổ nhựa hình chữ nhật, tưới nước cho giấy ẩm, chị Nhàn cẩn thận dàn đều hạt giống đã ngâm nước từ 6-8 tiếng (hoặc qua đêm), đậy khăn ướt lên trên. Sau một ngày, hạt nảy mầm, tạo rễ thì bỏ khăn ở phía trên, xịt nước 3 lần/ngày. Sang ngày thứ 3, theo chị Nhàn, các nhà nông ở phố đã nhìn thấy sự thay đổi trong khay, mầm rau đã vững vàng và lớn nhanh, từ sáng đến chiều, cây rau đã có thể dài thêm 2-3cm. Lúc này, nên chuyển khay rau ra chỗ có ánh sáng yếu (sân có mái che) để lá rau quang hợp tạo diệp lục… Đến ngày thứ 4, 5, cây rau cao vọt, được khoảng tầm 10cm là chị Nhàn cầm mép giấy ăn ở góc rổ và nhấc tấm rau ra ngoài, cắt sát gốc. Rau mầm thu hoạch nhiều, dùng không hết có thể xếp gọn vào hộp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần trong 5-7 ngày tiếp theo. Với các loại rau mầm vừng, hạt đậu Hà Lan, đậu đen… thời gian sinh trưởng có thể dài hơn, từ 8-10 ngày.

Với chiếc rổ chữ nhật 39cm, chị Nhàn gieo 50gr hạt giống trị giá 5.000 đồng, sau 4 ngày chăm chỉ tưới nước, thành phẩm thu về được gần 1kg rau mầm, đủ lượng rau dùng 2 bữa ăn của gia đình. Với 5 rổ rau mầm trồng xen nhau, ngày nào nhà chị Nhàn cũng thu hoạch rau xanh. Bữa thì chị nấu canh rau cải mầm với thịt băm, ngày thì dùng để trộn salad, cuối tuần cả nhà quay quần ăn lẩu, đĩa rau mầm đậu tương xanh non mơn mởn nhìn rất hấp dẫn. “So với rau mầm bán ở chợ có giá 50.000 - 80.000 đồng/kg, rau tự trồng rẻ hơn nhiều. Ngoài giá trị kinh tế, rau tự trồng thật thơm ngọt và bổ dưỡng, cả nhà đều khen. Tự chủ được rau xanh trong nhà, tôi gần như không còn lý do gì để ra đường, các phiếu đi chợ được phát hiếm khi phải dùng đến. Nhờ đó, tôi có thể thực hiện nghiêm túc quy định giãn cách xã hội” - chị Nhàn trao đổi. Trên trang facebook cá nhân của mình, hình ảnh mâm cơm được chế biến ngon lành với đĩa rau xanh mướt của chị Nhàn đã nhận được sự tán thưởng của nhiều bạn bè, truyền cảm hứng để nhiều chị em tự tin làm “nhà nông ở phố” trong những ngày giãn cách xã hội.

Những khay rau mầm xanh tươi truyền cảm hứng làm “nhà nông” trong phốNhững khay rau mầm xanh tươi truyền cảm hứng làm “nhà nông” trong phố

Dễ như tự làm giá đỗ tại nhà

Chị Hoàng Thị Thanh sống ở “lưng chừng trời” trong căn hộ chung cư ở toà nhà VP6 Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Thực hiện giãn cách xã hội, chị Thanh hạn chế xuống đường, ít ra chợ để tránh tụ tập đông người. Để không phải tích trữ nhiều rau xanh, chị Thanh nhớ lại thời khó khăn, mẹ chị thường ủ giá đỗ ăn thay rau, vừa kinh tế, vừa tiết kiệm thời gian, đến bữa chỉ cần lấy nắm giá ủ trong sành, rửa sạch qua nước, xào với chút mỡ, hành hoa. Mâm cơm gia đình vừa có món mặn, vừa có rau xanh. Trong 2 đợt giãn cách xã hội, tuần nào chị Hoàng cũng ngâm đỗ, ủ một mẻ giá. Không có chiếc vại sành tròn với lá tre để nèn chặt phía trên nhưng nhìn quanh nhà, chị Thanh có thể tận dụng được rất nhiều thứ để ủ giá như cốc/hộp nhựa dùng một lần, vỏ hộp sữa, bao tải dứa, chiếc túi lưới bọc hoa quả hay những chiếc khăn mặt dầy… “Nhà ở chung cư, chỉ có ban công nhỏ, không có ánh sáng nên kén cây trồng lắm. Những ngày giãn cách xã hội, cả ngày làm việc, sinh hoạt trong nhà, đôi lúc thấy chán và tù túng nên mình đã tìm thú vui trong gian bếp bằng cách ngâm đỗ, ủ giá. Cứ tiện có thể tận dụng được đồ thừa gì của nhà thì mình dùng cái đó để làm giá. Không có vỏ hộp sữa thì mình lấy cốc trà sữa của con gái, đục lỗ nhỏ dưới đáy, để hạt đỗ đã ngâm lên trên, nèn chặt giấy ăn, phủ kín khăn ở ngoài, để nơi khuất ánh sáng. Một ngày 2 lần mình lấy ra cho đỗ “uống” nước rồi lại đặt cốc giá vào chỗ cũ. Sau 4 ngày là mình có thể thu hoạch những cọng giá trắng tinh để xào, luộc, ăn kèm rau sống”. Thưởng thức giá đỗ tự làm, cả nhà chị Thanh đều rất thích vì sản phẩm cọng giòn, mật lại có vị ngọt đậm, khác hẳn với các loại giá đỗ “chân dài” ngoài chợ. Theo yêu cầu của gia đình, mỗi tuần chị Thanh ủ giá một lần; trong tủ lạnh sẵn có hộp giá nên rất tiện dùng, nấu bát mỳ, bát bún ăn sáng hay bát canh chua với thịt, cá, chỉ cần cho thêm ít giá cũng dễ ăn hơn, lại được bổ sung chất xơ, vitamin…

Công việc bận rộn, tuổi lại còn trẻ nên chị Thu Phương, 28 tuổi ở chung cư Rice city, phố Gia Quất, quận Long Biên chẳng mấy khi phải tự tay muối cà, muối dưa hay làm giá đỗ. Những thực phẩm này vốn rất sẵn ở chợ nên cần dùng gì, chị ra chợ mua cho nhanh. Thế nhưng, khi giãn cách xã hội, không phải thực phẩm nào cũng sẵn, chị Phương thử sức với món giá đỗ. “Thật là dễ, từ nay tôi nghĩ mình không cần đi chợ để mua giá” - bạn gái 9x thốt lên. Với hai chiếc khăn mặt tối màu được nhúng ướt, chị Phương lót một chiếc trên rổ, dàn đều hạt đỗ xanh đã ngâm 8 tiếng lên trên rồi phủ kín bằng chiếc khăn ướt còn lại, dùng hộp nước nặng chừng 3kg để lên rồi để vào góc tối. “Bỏ mặc” ở đó 3 ngày, không cần phải nhớ cho giá “uống” nước, chị Phương đã thu hoạch được rổ giá đỗ trắng mập, cọng ngắn vừa phải. “Nhai cọng giá sống cũng cảm nhận vị ngọt, giòn thơm, khác hẳn với giá mua sẵn. Cả ngày sau đó, hai vợ chồng ăn đến 3 bữa giá đỗ mà không thấy chán. Làm xong mẻ đầu, tôi lại ủ tiếp để gửi tặng bố mẹ, hàng xóm. Trồng rau mà không cần tưới nước vẫn thu hoạch thành phẩm tươi ngon quả là thật thích thú”.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.