Nỗ lực của người phụ nữ gốc Việt sở hữu “Đế chế rác triệu đô”

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, doanh nhân Le Ho đã lập kỳ tích khi biến một công ty quản lý chất thải đang trên bờ vực phá sản trở thành một đế chế trị giá hàng triệu đô la chỉ trong vòng 5 năm.

Vượt qua những khó khăn thời niên thiếu

Le Ho (tên thật là Lê Minh Dương) kể lại, gia đình cô đã trải qua nhiều vất vả, sóng gió trước khi định cư ở Nam Úc. “Chúng tôi đến Úc với chỉ duy nhất một bộ quần áo trên người”, Le Ho nhớ lại.

Cuộc sống ở Úc không hề dễ dàng đối với một gia đình nhập cư. “Tôi cảm nhận rõ những hy sinh mà cha mẹ đã phải chịu đựng. Họ đã từ bỏ ước mơ của bản thân để có thể tìm kiếm sự tự do và tiếng nói ở một đất nước như Úc”, Le Ho nói. Cô luôn nhắc nhở bản thân phải làm điều gì đó để khẳng định mình cũng như bảo vệ gia đình nơi đất khách.

Để thành công với ước mơ

Nghĩ là làm, năm 21 tuổi, với đam mê tạo dựng một công việc kinh doanh, cô đã mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên mang tên Honey Bee, chuyên bán giày cô dâu và áo cưới. Là một phụ nữ ham học hỏi, Le Ho biết rằng chỉ với một cửa hàng bán lẻ nhỏ sẽ không bao giờ thực hiện được mơ ước lớn của bản thân, nhưng nó chắc chắn là điểm tựa giúp cô xây dựng nền tảng để có thể điều hành một doanh nghiệp lớn hơn trong tương lai.

“Tôi muốn học hỏi và trải nghiệm những sai lầm mà tất cả các doanh nhân đều gặp phải ở quy mô nhỏ, khi đó, tôi có thể tự rút ra được nhiều bài học quý giá để không mắc lại các sai lầm tương tự ở quy mô lớn hơn”, nữ doanh nhân chia sẻ. Với triết lý này, cùng sự cầu thị, ham học hỏi, chỉ trong 6 năm, công ty tư nhân của cô đã mở thêm 6 chi nhánh bán lẻ khác.

Nỗ lực của người phụ nữ gốc Việt sở hữu “Đế chế rác triệu đô” - ảnh 1
Nữ doanh nhân Le Ho. Ảnh: dailymail

Năm 2010, Le Ho có một quyết định mang tính bước ngoặt khi tiếp quản công ty quản lý chất thải Capital City Waste Services (CCWS) có trụ sở tại Sydney. Quyết định tiếp quản công ty này là một sự liều lĩnh đối với cô khi đồng ý mua nó với giá 50.000 đô la trong khi công việc kinh doanh của công ty đang thua lỗ tới 20.000 đô la một tháng.

Le Ho trước đó đã từng làm việc cùng CCWS trong suốt 12 tháng nên cô hiểu rõ vấn đề của công ty. Nữ doanh nhân có niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi tốt đẹp hơn trong tương lai. Cô nói: “Khi tôi bắt gặp cơ hội tham gia vào một doanh nghiệp quản lý chất thải, tôi đã không ngần ngại. Thử thách đối với tôi chỉ là xoay chuyển một công việc kinh doanh thất bại nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển của ngành này, tôi sẽ thực hiện một bước nhảy vọt”.

Kể từ đó, Le Ho đã làm việc không ngơi nghỉ, cô đảm nhận tất cả các vai trò trong công ty từ kế toán, nhân viên bán hàng, thậm chí cả lái xe tải sau khi buộc phải cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Một ngày làm việc của Le Ho bắt đầu bằng việc lái xe tải đi thu gom rác, ngay sau đó cô có thể thay quần áo và đi dự họp cũng như tìm kiếm khách hàng mới. “Tôi đã làm việc tới 18 tiếng mỗi ngày trong suốt một năm đầu tiên”, cô nói. 

Nghề quản lý chất thải và thu gom rác ở Úc vốn do nam giới thống trị nên đã gây ra không ít khó khăn khi cô bắt đầu. “Hầu hết các đồng nghiệp của tôi đã làm việc trong ngành được vài thập kỷ và trở thành một cộng đồng chặt chẽ. Do đó, việc một phụ nữ châu Á 30 tuổi đột nhiên bước vào ngành và giành được các hợp đồng nhiều lúc đã khiến tôi bị “tẩy chay”, cô chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc xuất thân là một phụ nữ gốc Á cũng khiến nhiều người hoài nghi, họ thường nhầm Le Ho là trợ lý hoặc nhân viên bán hàng chứ không phải chủ doanh nghiệp. Do đó, để nhận được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp Le Ho không bao giờ nói “không” - cô không từ chối bất kỳ yêu cầu công việc nào cho dù đó chỉ là các công việc nhỏ. “Tôi tin rằng việc là phụ nữ trong một ngành công nghiệp được thống trị bởi nam giới đã cho tôi nhiều động lực hơn để thành công”, cô nói.

Những nỗ lực trong suốt 5 năm của Le Ho đã giúp CCWS trở thành một “đế chế xử lý rác” trị giá hàng chục triệu USD. Năm 2015, cô là một trong 29 nữ doanh nhân có tên trong cuốn sách IfSheCanICan nhân kỷ niệm ngày Nữ doanh nhân Australia. Le Ho sau đó đã bán lại CCWS với giá 10 triệu đô la Úc (khoảng hơn 7,4 triệu USD), thương vụ này khiến cô được truyền thông Australia ca ngợi là “nữ hoàng rác”.

Thành công của Le Ho đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ, trong các bài diễn thuyết của mình, cô thường nói rằng: “Tôi muốn nêu ra quan điểm bất kỳ công việc nào mà đàn ông có thể làm, phụ nữ cũng có thể. Và khi chúng ta không được trao cơ hội thì chúng ta phải tự tạo ra nó cho chính mình. Đừng lo lắng về việc mắc sai lầm. Tôi và gia đình đã đến đây mà không có gì, vì vậy khi bạn không có gì để bắt đầu, thì bạn cũng chẳng có gì để mất. Hãy luôn tự tin!”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.