Nỗ lực phi thường của nhà hoạt động nhân quyền chống bạo lực tình dục

Chia sẻ

Nadia Murad Basee Taha là người Kurd, từng bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc và biến thành nô lệ tình dục trong suốt 3 tháng. Khoảng thời gian “sống dưới địa ngục” ấy cũng không thể bẻ gãy ý chí kiên cường của cô gái trẻ sinh năm 1993.

Ngược lại, nó đã biến cô trở thành một nhà hoạt động nhân quyền với những đóng góp không mệt mỏi của mình cho các hoạt động phòng chống bạo lực tình dục, cô đã được cả thế giới công nhận với giải thưởng Nobel Hòa bình cao quý.

Những tháng ngày sống trong “địa ngục”

Sinh ra ở làng Kojo, Sinjar, Iraq, gia đình Murad thuộc nhóm dân tộc thiểu số Yazidi. Tất cả 600 người, trong đó có cả sáu người anh em và mẹ kế của Murad đã bị sát hại khi phiến quân IS tràn vào ngôi làng nhỏ bé này. Phụ nữ và trẻ em may mắn sống sót khi bị bắt làm nô lệ. Năm đó, Murad là một trong số hơn 6.700 phụ nữ Yazidi bị bắt làm tù nhân của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. 3 tháng trong tù thực sự là khoảng thời gian phải sống trong “địa ngục trần gian” với cô gái trẻ. Cô bị giam giữ và rao bán như một nô lệ tại thành phố Mosul. Bao nhiêu lần mua đi bán lại là bấy nhiêu lần cô phải chịu đựng sự hành hạ bởi những nỗi đau về cả thể xác lẫn tâm hồn. Cô gái trẻ bị đối xử chẳng khác nào một món hàng rẻ mạt. Murad vẫn còn nhớ như in những phiên chợ chỉ bắt đầu khi đêm xuống. Cô không thể nào quên mình đã bị đánh đập, da thịt bị đốt cháy bằng thuốc lá, cô còn bị cưỡng bức khi cố gắng trốn thoát. Sau vô vàn những hiểm nguy, tưởng chừng phải đánh đổi cả tính mạng, Murad đã tới được Đức theo chương trình tị nạn của chính phủ nước này. Tại đây, Murad bắt đầu các hoạt động vì nhân quyền của mình.

Murad nói chuyện với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốcMurad nói chuyện với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc

Vũ khí mạnh nhất là những câu chuyện của bản thân

Ngày 16 tháng 12 năm 2015, Murad đã thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề buôn người và xung đột. Đây là lần đầu tiên Hội đồng được báo cáo về nạn buôn người. Hiểu rằng ở ngoài kia, còn có rất nhiều phụ nữ khác cũng đang phải sống trong cảnh địa ngục như thế, cô gái trẻ đã dùng chính những câu chuyện về trải nghiệm tủi nhục của mình để nói cho cả thế giới biết về cuộc sống nô lệ tàn tệ, về những tội ác vẫn cứ diễn ra hàng ngày như lẽ thường và cả những kẻ đang ngày ngày giày xéo quê hương cô.

Nhà hoạt động nhân quyền muốn kể cho cả thế giới về những đứa trẻ chết khát, các gia đình mắc kẹt trên núi chỉ vì chạy trốn quân đội cực đoan, những cái chết oan uổng, đau đớn ở tuổi còn xanh, muốn thế giới biết đến và hiểu nỗi đau của hàng nghìn phụ nữ cùng trẻ em vẫn đang bị giam cầm, bị đối xử tồi tệ trong những căn cứ tối tăm.

Nadia Murad nói: "Tôi muốn chúng nghe thấy tiếng cậu bé 5 tuổi bị chúng bắt cóc, tiếng cô bé 9 tuổi bị chúng xâm hại và tiếng của người mẹ 30 tuổi đau đớn vì mất con. Bằng chính thanh âm cất lên từ nạn nhân, tôi muốn chúng cảm nhận được những gì mình đã làm". Cô còn nhấn mạnh rằng, bản thân chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người Yazidi đang phải chịu nỗi đau đớn khôn xiết ấy. Đó cũng là quan điểm đi theo Murad suốt hành trình hoạt động nhân quyền của cô gái trẻ.

Bằng những tâm huyết và nỗ lực của mình, năm 2017, cô đã cho ra mắt cuốn tự truyện đầu tiên mang tên “The last girl” (Cô gái cuối cùng). Cuốn sách mang thông điệp tràn đầy hi vọng, rằng: "Tôi muốn là cô gái cuối cùng trên thế giới kể câu chuyện đời nhiều đau thương như vậy".

Như cánh chim không biết mệt mỏi trong các hoạt động vì quyền con người, công lý và hòa bình, Nadia Murad đã trở thành người Iraq đầu tiên nhận giải thưởng Nobel danh giá. Ngoài ra, cô cũng là người thứ hai nhận giải thưởng cao quý này khi tuổi đời còn rất trẻ. Người đầu tiên là Kailash Satyarthi, giành giải Nobel Hòa bình năm 2014 khi chỉ mới 17 tuổi. Những thành tựu mà Murad đạt được đã biến hình ảnh của cô gái trẻ từ một nô lệ tình dục phải sống trong đau khổ thành người hùng trong lòng nhiều cô gái cũng như người dân Yazidi.

Murad luôn thấu hiểu nỗi đau của những người dân vô tội sống trong nội chiếnMurad luôn thấu hiểu nỗi đau của những người dân vô tội sống trong nội chiến

Thay vì lựa chọn im lặng, sau mỗi lần kể ra nỗi đau của mình, Murad cảm thấy như cô đang lấy đi một phần sức mạnh của những tên khủng bố và cả những phụ nữ ủng hộ chúng. Theo quan điểm của Murad, chuyện đời của cô được kể một cách trung thực là thứ vũ khí tốt nhất mà cô có để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Cô sẽ sử dụng thứ vũ khí này cho tới khi chúng (những tên khủng bố) bị đưa ra xét xử.

Với sự mạnh mẽ, ý chí kiên cường của mình, Murad đã chối bỏ tất cả những “danh hiệu” mà cuộc đời dành cho cô: trẻ mồ côi, nạn nhân cưỡng hiếp, nô lệ tình dục, người tị nạn. Thay vào đó, cô đã viết một trang sách mới cho cuộc đời mình: người sống sót, thủ lĩnh Yazidi, người ủng hộ phụ nữ, nhà hoạt động, Đại sứ Thiện chí của Liên hợp quốc, tác giả sách và chủ nhân của giải Nobel Hòa bình. Murad đã chứng tỏ rằng sự tàn ác mà cô đã trải qua không thể khiến cô câm nín, không thể bẻ gãy tinh thần thép của cô. Thay vào đó, tiếng nói của cô gái mảnh mai, mái tóc nâu dài, gương mặt xanh xao sẽ càng mạnh mẽ hơn, cô sẽ khiến tất cả những kẻ ác phải chịu trừng phạt.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Samantha Power từng nhận xét về Murad: "Cô ấy không chỉ là người sống sót. Murad sở hữu trong mình sự kiên cường, dũng cảm, cứng rắn và tâm hồn thánh thiện khiến người khác cảm động. Cô ấy sẵn sàng đi sâu vào nỗi đau, kể lại câu chuyện rùng rợn mà bản thân đã phải chịu đựng để những người khác không phải trải qua nỗi sợ hãi như vậy một lần nữa".

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.