Nơi bảo tồn dấu ấn của một thời chiến tranh

Chia sẻ

(PNTĐ) - Du khách trong nước và quốc tế khi đến Thủ đô Hà Nội đều dành thời gian đi tham quan các di tích, danh thắng, các bảo tàng, nhà lưu niệm, nổi bật là các bảo tàng, di tích trưng bầy ghi đậm dấu ấn lịch sử của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng dấu ấn về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Những bảo tàng chiến tranh hấp dẫn du khách

  Nơi du khách đến tham quan nhiều nhất trước hết phải kể tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nằm trên đường Điện Biên Phủ. Bảo tàng có địa thế đẹp, nằm trong không gian Cột cờ Hà Nội và Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nằm ở chỗ là nơi lưu giữ, trưng bày hàng ngàn tài liệu hiện vật, hình ảnh... phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Khá ấn tượng là khu trưng bày ngoài trời với các loại máy bay chiến đấu Mig 19, Mig 21. Trong đó có 2 bảo vật quốc gia là Mig 21 mang số hiệu 4324 và xe tăng 843 đã húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ngoài ra, không gian ngoài trời còn trưng bày nhiều loại máy bay của địch bị quân và dân ta bắn rơi khi đánh phá miền Bắc và cả pháo đài bay chiến lược B52 trong 12 ngày đêm năm 1972, các loại tên lửa Sam 2, Sam 3.

Không xa Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, có Bảo tàng chiến thắng B52 nằm trên đường Đội Cấn. Được khánh thành ngày 22/12/1997, với hai khu trưng bày giới thiệu khái quát về truyền thống lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với nhiều tài liệu, hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật, sa bàn... tổng hợp diễn biến chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Nổi bật ở khu trưng bày ngoài trời là các loại vũ khí, khí tài của quân và dân Thủ đô trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xác các máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm năm 1972.

Gắn liền với dấu ấn “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, di tích Hồ Hữu Tiệp gần làng hoa Ngọc Hà xưa, luôn được du khách, đặc biệt là khách quốc tế tìm đến. Tại đây, ở giữa hồ nhỏ là mảnh vỡ của pháo đài bay B52 bị bắn rơi xuống hồ, nhìn xa trông như một đống sắt vụn. Chính “đống sắt” nằm im dưới hồ ấy lại là một minh chứng hùng hồn, ghi dấu chiến công vĩ đại của quân và dân Thủ đô.

Nơi bảo tồn dấu ấn của một thời chiến tranh - ảnh 1
Hoạt cảnh “Ngày chiến thắng trở về” trong triển lãm chuyên đề: “Phút hồi sinh” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Dấu ấn về hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc còn được lưu giữ, bảo tồn tại các Bảo tàng Phòng không - Không quân, Bảo tàng Tăng - Thiết giáp; Bảo tàng Công binh; Bảo tàng Đường Trường Sơn… qua các tài liệu, hiện vật, hình ảnh, mô hình. Nổi bật là các hiện vật thể khối, có nhiều hiện vật gốc gắn với các sự kiện, nhân vật đã góp sức nhỏ bé vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tại các Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Công an Nhân dân, di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng trưng bày rất nhiều tài liệu, hiện vật, mô hình phản ánh về hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam du khách sẽ được nghe những câu chuyện, xem những tài liệu, hiện vật đề cập đến những hình ảnh, tấm gương, câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, đã có nhiều đóng góp to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc. 

Ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, có một khu trưng bày: “Cuộc sống của phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò” gắn với “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Đến đây, khách tham quan sẽ được thấy những hình ảnh, cuộc sống thường ngày, luyện tập thể thao, đánh cờ, trang trí đón Noel… của các phi công Mỹ tại Hỏa Lò và qua đó cũng hiểu thêm thời điểm năm 1972, đất nước Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn áp dụng chính sách nhân đạo, tạo những điều kiện tốt nhất cho cuộc sống những phi công Mỹ.

Tại Hà Nội, còn có một điểm đến thật ấn tượng, đó là Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Nơi đây tái hiện chân thật “địa ngục trần gian” với những đòn tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo. Bảo tàng được một nhóm các cựu chiến binh do ông Lâm Văn Bảng, cựu tù nhân Côn Đảo khởi xướng, thành lập và xây dựng.

Ban đầu, bảo tàng chỉ là khu trưng bày với cái tên giản dị: “Phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”, sau nhiều năm ông Bảng dồn tiền lương thương binh cộng thêm tiền gom góp của bạn bè, anh em họ hàng để xây dựng, đến năm 2007, khi hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thành, bảo tàng chính thức được tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định công nhận với tên gọi “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”. Đây là lần đầu tiên một bảo tàng tư nhân ở Việt Nam thành lập và được công nhận.

Bảo tàng có 10 phòng trưng bày với hơn 4.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh là những câu chuyện sống động, dẫn dắt người xem quay trở về những năm tháng đấu tranh gian khổ của dân tộc. Trong thời gian qua, bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sĩ… Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà còn là nơi tái hiện lịch sử dân tộc, giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống dân tộc mà không sách vở nào thay thế được.

Nơi bảo tồn dấu ấn của một thời chiến tranh - ảnh 2
Trưng bày xác máy bay B52 ở Bảo tàng chiến thắng B52.

Đổi mới, đa dạng hóa nội dung trưng bày để thu hút du khách

  Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, ngoài nội dung trưng bày cố định, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động phục vụ bộ đội, nhân dân vùng sâu vùng xa. Để nâng cao tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan, bảo tàng đã ứng dụng công nghệ 3D vào xây dựng chương trình tham quan và giới thiệu hiện vật, xuất bản ấn phẩm giới thiệu về bảo tàng, liên kết các công ty lữ hành, trường học để thu hút các đối tượng khách.

“Thông qua các hoạt động trưng bày, tuyên truyền, bảo tàng đã đưa người xem đến với những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp bạn bè trên thế giới hiểu rõ về lịch sử, truyền thống của Quân đội Việt Nam, giúp cho các thế hệ người Việt Nam hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, hiểu hơn giá trị của Độc lập và Tự do, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thượng tá Huy nhấn mạnh. 

 Cùng với Bảo tàng Lịch sử Quân sự, tại các bảo tàng, di tích ở Thủ đô, trong thời gian qua, đã triển khai công tác nghiên cứu, thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm có nội dung làm rõ phần nội dung trưng bày cố định.  Các Bảo tàng, di tích này đã cải tiến trưng bày không theo mô típ cũ mà trưng bày mở, tổ chức triển lãm chuyên đề, ứng dụng khoa học công nghệ mới để khách có thể tự chủ động đi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.

Điển hình như khi đến tham quan nhà tù Hỏa Lò du khách rất ấn tượng cách thể hiện nội dung trưng bày, dàn dựng các hoạt cảnh tái hiện lịch sử. Đến đây, du khách chủ động tự đi tham quan thông qua bộ đàm có tai nghe, lời thuyết minh, âm thanh, khám phá các khu trưng bày được bài trí hiện vật, có điểm nhấn với ánh sáng phù hợp cùng hiệu ứng âm thanh. Ngoài ra, trong hành trình tour đêm khám phá Hỏa Lò, ngoài việc được xem những hoạt cảnh ấn tượng và có những trải nghiệm khó quên, du khách còn được thưởng thức bánh lá bàng, thạch bàng, trà bàng... rất thú vị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.