Nỗi khổ của nàng dâu “thế chân”

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi kết hôn với anh Văn, chị nghĩ mình sẽ tìm được hạnh phúc mới. Ngờ đâu, chồng chị thì vô tâm, còn mẹ chồng thì lúc nào cũng đề phòng, cảnh giác, coi chị là dạng dâu “thế chân” nên sẽ chẳng toàn tâm toàn ý với nhà chồng.

Chị Thủy sau hơn 1 năm ly hôn người chồng đầu thì gặp anh Văn. Anh là người hiền lành, cởi mở, tuy có lúc chị thấy anh hơi khô khan. Sau một thời gian quen biết, hai người chính thức hẹn hò. Ngay trong lần đầu tiên đi chơi với nhau, anh đã kể hết mọi chuyện của mình với chị. Cả chuyện anh và người vợ trước, rồi hiện tại anh đang ở cùng mẹ già gần 70 và nuôi đứa con gái gần 5 tuổi.

Nỗi khổ của nàng dâu “thế chân” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sự thật thà chất phác của anh khiến chị có thêm cảm tình với anh.  Từng cùng cảnh đổ vỡ hôn nhân, chị hiểu được sự e dè, mặc cảm trong anh khi dự định bước vào một cuộc sống mới. Bạn bè, người thân xung quanh khuyên chị chẳng việc gì phải vội vàng, có chồng con hay không lúc này chẳng mấy quan trọng, chỉ cần chị sống an vui với hiện tại là được.

Thêm nữa hiện anh còn có mẹ già và con nhỏ. Nếu chị muốn quen thì cứ quen, nhưng nhà ai nấy ở, rồi một vài năm sau nếu vẫn tha thiết thì kết hôn rồi sống chung cũng chưa muộn. Mọi người khuyên chị vậy vì mối tình trước của chị cũng yêu đương và kết hôn nhanh chóng, rồi khi về ở với nhau mới nảy sinh khúc mắc dẫn đến đường ai nấy đi.

Ngày đó, sau đám cưới, chị hạnh phúc bởi chồng chị nghe lời ở nhà vợ vì anh cũng chưa đủ điều kiện mua nhà và cũng không muốn vợ vất vả. Ấy thế nhưng chị lại vô tư không nghĩ cho anh khi phải sống cảnh ở rể. Anh mang theo nỗi mặc cảm vào nhà, rồi sống khép mình, không cởi mở với ai.

Cuối cùng, khi sự mệt mỏi không còn chỗ chứa, anh thay tính đổi nết, đẩy chị ra xa mình. Gia đình nhỏ của chị đã chẳng thành một tổ ấm như người ta rồi cuối cùng họ ly hôn. Ngoài 30 tuổi và chưa có con, chị đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu.

Cuộc hôn nhân lần hai này, chị xác định mình không còn trẻ để đặt ra nhiều tiêu chí lựa chọn hay để chờ đợi thêm nữa. Vì vậy, chị quyết lấy anh Văn và cũng tin tưởng rằng mình đã lựa đúng người. Anh thật thà thì sẽ không thể bạc đãi chị được.

Chị cũng nghĩ mẹ chồng, con chồng nếu chị thật lòng thương yêu thì họ cũng đối đãi tốt và yêu thương chị vì không người mẹ nào muốn nhìn cảnh con trai lần thứ 2 bất hạnh trong hôn nhân. Ấy thế mà đời không như chị mơ…

Nỗi khổ của nàng dâu “thế chân” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Về với nhau rồi, chị mới thấy nhà chồng có quá nhiều việc phải lo toan. Đơn cử như một năm có đến 5 đám giỗ linh đình, chưa kể các dịp sinh nhật, gặp mặt... Mẹ chồng chị có quan niệm ngày giỗ thì con cháu phải tự tay nấu cơm cúng với đủ các món thì mới thể hiện được lòng thành. Nhưng, nhà chồng chị nào có đông người.

Mẹ chồng chị mặc nhiên cho rằng cưới dâu về để dâu lo việc nhà chồng. Mỗi lần có giỗ, chị phải tất tả dọn dẹp nhà cửa, rồi đi chợ mua sắm, thu xếp bát đĩa từ trước đó mấy ngày. Ngày giỗ đến, chị cũng dậy từ sớm, một mình quay trong bếp tới tận trưa mới xong.

Cỗ xong, khách khứa ra về, chị lại một mình dọn rửa, lau chùi nhà cửa đến chiều tối. Xong việc vào phòng nghỉ thì toàn thân cũng rã rời. Lúc này chị mới hiểu ngày trước vợ cũ của chồng đã phải mệt mỏi như thế nào với những buổi tiệc tùng của gia đình chồng.

Chưa hết, từ ngày chị về chung nhà, đứa con chồng đâm ra bẳn tính, lầm lỳ. Hóa ra nó bị ám ảnh bởi hình ảnh một bà dì ghẻ sẽ giành hết nhà cửa, tiền bạc và tình yêu thương từ bố của nó. Nghĩ đến việc có thêm một đứa con chung, chị rất lo vì cảnh nhà sẽ càng rối thêm.

Đã vậy, vợ chồng chị tiếng là một gia đình riêng, nhưng mẹ chồng chưa bao giờ trao cho anh chị quyền được tự lập. Mẹ chồng chị vẫn quen nếp làm chủ gia đình nên yêu cầu các con phải nghe theo sự sắp đặt của bà. Thu nhập hàng tháng của con trai từ việc kinh doanh nhỏ, bà không để anh đưa về cho chị mà thu luôn từ... cửa hàng.

Bà bảo sẽ trích một phần trong đó ra để trang trải sinh hoạt phí của hai vợ chồng hàng tháng, còn lại thì bà... giữ hộ cho vợ chồng chị làm “của để dành”. Cần gì thì vợ chồng chị cứ nói bà sẽ đưa tiền cho chi tiêu. Thế là chị rơi vào thế luôn phải ngửa tay xin tiền của mẹ chồng.

Chị không đồng ý với cách ứng xử ấy của mẹ chồng vì dù sao, chị cũng cần có quyền được làm chủ gia đình của chính mình. Tuy nhiên, chồng chị lại vô tư cho rằng, nếu mẹ giúp quản lý tiền cho hai vợ chồng thì càng tốt, đỡ đau đầu. Sau này trước sau bà cũng sẽ phải đưa lại cho hai vợ chồng chứ có cho người ngoài đâu mà chị phải chắc lép.

Cho đến một lần, chị vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa chồng và mẹ. Thì ra, bà làm vậy là có ý đồ. Bà cho rằng, chị chỉ là vợ hai của anh, lại là mẹ kế của cháu bà thì làm sao toàn tâm toàn ý cho gia đình mà “chẳng có ai là máu mủ ruột già” với chị được. Bà sợ lỡ đâu một ngày, chị lại đòi chia tay chồng thì... tài sản của con trai và cháu bà cũng sẽ bị chia vào tay người ngoài.

Vì vậy bà bảo chồng chị không được để chị biết thực hư thu nhập của mình bao nhiêu. “Con cứ nói với nó là tiền con kiếm được không nhiều cho nó khỏi trông vào. Nếu sắm sửa tài sản gì lớn, con cũng để mẹ đứng tên, rồi sau này mẹ để lại cho cháu”, chị nghe mà uất nghẹn trong lòng.

Nỗi khổ của nàng dâu “thế chân” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Rồi chị chợt nhớ ra, thảo nào mẹ chồng chị kiên quyết gạt ý định của hai vợ chồng chị muốn mua nhà để ra ở riêng. Bà lấy cớ ốm đau, cần người chăm để vợ chồng chị phải ở chung với bà. Thì ra, bà hạn chế tối đa việc phát sinh tài sản chung trong thời gian hôn nhân của vợ chồng chị. Tiền của con thì bà giữ, chị nào có biết mặt mũi gì. Còn ngôi nhà chị đang ở lại là tài sản riêng của bà, chị không được can thiệp vào.

Chị không bao giờ nghĩ mình lại bị đối xử như vậy. Ngày trước, mẹ chồng chị tỏ ra vun vén cho chị, nhưng hóa ra, bà chỉ cần trong nhà có thêm người làm, chồng chị có người để chăm sóc, cháu của bà có người lo toan, chăm bẵm cho. Còn lại chưa bao giờ bà coi chị là ruột thịt, là người một nhà của mình.

Chị bỗng nhớ tới lời mà các bạn chị nói năm xưa, đừng vội đăng ký kết hôn, cứ ai ở nhà nấy. Chồng chị rõ là biết mẹ mình không nên như vậy nhưng anh vẫn nhu nhược nghe theo, chẳng dám phản kháng gì, còn cố tình giấu giếm chị.

Giá ngày xưa chị nghe theo lời khuyên đó, thì có phải bây giờ chị không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như vậy không. Lẽ nào một lần nữa, hạnh phúc của chị bị đánh rơi. Song, chị hiểu sống với người chồng và mẹ chồng như vậy thì sớm muộn chuyện vợ chồng chia đôi đường cũng sẽ xảy ra.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.