“Nói không với quấy rối” để xây dựng thành phố an toàn với trẻ em gái

Chia sẻ

Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng, vấn nạn quấy rối tình dục trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ đã có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa chấm dứt triệt để.

Đáng nói, một bộ phận không nhỏ giới trẻ vẫn còn thờ ơ và coi những hành vi quấy rối tình dục là bình thường bởi quan niệm “Làm hoa cho người ta hái/ Làm gái cho người ta trêu”.

Tán dương, khen ngợi hay quấy rối: Ranh giới mỏng manh!

Là thành viên “CLB thủ lĩnh vì sự thay đổi”, Đinh Trung Kiên (lớp 12C trường THPT Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, có lần em thấy một nhóm bạn trai trêu đùa một bạn gái đi ngang qua đường. Khi em nhắc nhở đó là hành động không đẹp, làm tổn thương đến bạn gái đó thì mọi người cười phá lên, cho rằng em lắm chuyện. “Nhiều bạn trẻ còn cho rằng, đó là lời khen bởi bạn gái đó có sức hút và đáng yêu thì mới “được” trêu ghẹo” – Kiên nói.

Tại một buổi toạ đàm, diễn viên Trần Nghĩa chia sẻ, anh đã từng đặt câu hỏi cho các bạn fans trên Facebook: “Các bạn thấy sao khi bạn gái, em gái hay chính bản thân bạn bị trêu chọc bằng những lời nói khiếm nhã như việc sử dụng từ “ngon“ để mô tả về ngoại hình của họ?”. Trả lời cho câu hỏi này, đã có hơn 100 ý kiến bình luận với nhiều quan điểm đối lập. Bên cạnh các bình luận phản đối cách hành xử này như: “Dùng từ "ngon" để bình phẩm về 1 bạn nữ thì rất khiếm nhã”, "Rất mong các bạn đừng ai dùng từ “ngon” khi nói tới con người, nhất là con gái”, “Bạn gái là để yêu, để tôn trọng, không phải là thực phẩm, thức ăn”, “Nếu khen người khác thì có rất nhiều từ để khen như: đẹp, giỏi, ngoan, hiền... sao không chọn mà lại chọn từ ngon”?… thì cũng có một số ý kiến đối lập cho rằng: “Cũng bình thường thôi”, “Các bạn nữ hay các chị thì vẫn thấy thích khi được khen ngon mà”, “Em thấy đó là một lời khen”, "Thời đại nào rồi, bớt quan trọng vấn đề lại đi”… Diễn viên Trần Nghĩa cho rằng: “Điều đó có nghĩa là vẫn còn nhiều người đồng tình với với những lời “tán dương" mang tính quấy rối như vậy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước đó, theo kết quả khảo sát ý kiến của các em học sinh từ 12-15 tuổi do Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Plan International thực hiện vào cuối năm 2019: Đa số các em cảm thấy địa bàn chung sống còn thiếu an toàn do không có đèn đường, nhiều cung đường vắng vẻ, các điểm đổ rác ngay gần trường học hoặc khu dân cư... Từ đó, các em đề xuất cần có kế hoạch cải thiện vấn đề về mất an toàn trên địa bàn phường (về ánh sáng, giao thông đô thị, vỉa hè, lòng đường, vệ sinh môi trường, lực lượng hỗ trợ…); Lắng nghe tiếng nói của trẻ em gái trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và đánh giá các vấn đề về an toàn của trẻ em gái trên địa bàn; Tích cực truyền thông về vấn đề an toàn cho trẻ em gái ở nơi công cộng… Em Chử Huyền Châu (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, điều em lo lắng nhất là vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục tại nơi công cộng. Dù đã được học những bài võ phòng thân và cách ứng phó với trường hợp bị quấy rối nhưng em vẫn không khỏi hoang mang, lo sợ khi ra ngoài một mình hay đi qua những đoạn đường tối, vắng vẻ. “Em hy vọng mọi người có thái độ đấu tranh với hành vi quấy rối và bảo vệ người bị quấy rối, đồng thời các tuyến đường có nhiều học sinh qua lại cần có đủ đèn chiếu sáng và được lắp camera để phòng ngừa quấy rối tình dục xảy ra” – Châu mong muốn.

Lên tiếng phòng chống quấy rối - dễ hay khó?

Khảo sát nhỏ gần đây của Câu lạc bộ thủ lĩnh vì sự thay đổi (CLB COC) của trường đại học Giao thông vận tải với 100 thanh thiếu niên cho thấy, 75% những người được hỏi đã từng bị quấy rối, xâm hại, trong đó 58.3% thủ phạm là những người đàn ông xa lạ. Có đến 23.7% người được hỏi im lặng khi bị quấy rối hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối.

Bàn về ranh giới giữa những lời tán thưởng, khen ngợi và trêu ghẹo, quấy rối, bạn Nguyễn Trọng Tiến, đại diện CLB COC trường đại học Giao thông vận tải cho biết, ranh giới này rất mong manh, nhưng hoàn toàn có thể nhận biết được, thể hiện qua ánh mắt, lời nói và cử chỉ. Bởi lời khen ngợi sẽ đi kèm với những cử chỉ, ánh mắt thân thiện, nhưng nếu ánh mắt nhìn chằm chằm vào vùng kín của nạn nhân hoặc dùng cử chỉ đùa cợt, từ ngữ khiếm nhã thì sẽ là quấy rối…

Cùng quan điểm, anh Trung Anh, thành viên nhóm Youtuber 1977 Vlog bổ sung: “Không phải loài hoa nào cũng có thể hái, cũng như không phải bạn gái nào cũng có thể trêu. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thân thiết trong mối quan hệ của người nói và người nghe. Tuy nhiên, dù là mối quan hệ nào thì cũng cần sự khen ngợi khéo léo, tránh những câu trêu đùa liên quan đến tình dục, trêu đùa cơ thể người khác”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực tế, đa phần sự im lặng của nạn nhân đến từ cảm giác yếu thế. Nạn nhân bị quấy rối cảm thấy không có khả năng phản kháng hoặc có lên tiếng cũng không giải quyết được vấn đề nên họ im lặng. Những người chứng kiến xung quanh có thể cũng lo sợ việc lên tiếng sẽ bị ảnh hưởng đến bản thân mình hay gặp những hệ quả tiêu cực, điều này cũng xảy ra phổ biến. “Tôi mong các bạn hiểu và tin rằng: Chúng ta chỉ yếu thế khi chúng ta im lặng, còn nếu chúng ta lên tiếng tố giác, chính kẻ quấy rối, xâm hại mới là người yếu thế” – Trung Anh nói.

Những hành vi như đụng chạm, nhìn chằm chằm, huýt sáo, những từ ngữ như "ngon"... mà khiến cho một người cảm thấy khó chịu, không thoải mái, không an toàn thì đều được xem là hành vi quấy rối. Kể cả các hành vi dù vô tình, và thậm chí có ý tốt nhưng người tiếp nhận không cảm thấy thoải mái vẫn là các hành vi không phù hợp. Phụ nữ và trẻ em gái nên được trang bị thêm các kỹ năng để nhận diện, phòng tránh đối phó với những kẻ quấy rối. Tuy nhiên, nếu bị quấy rối, em gái không bao giờ là người có lỗi vì không tự bảo vệ được mình, hoàn toàn chỉ là lỗi của kẻ quấy rối. Trung Anh cũng bổ sung: Nạn nhân sợ kẻ quấy rối thì kẻ quấy rối cũng sợ bị phát giác và lôi ra ánh sáng. Do đó, các em gái và người chứng kiến hãy sẵn sàng lên tiếng yêu cầu thủ phạm dừng ngay hành vi quấy rối và tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi quấy rối, xâm hại.

Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, từ năm 2016, Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan để cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thân thiện, an toàn hơn cho người dân và đường dây nóng hỗ trợ cộng đồng. “Tôi tin rằng, chúng ta sẽ có mạng lưới chặt chẽ hơn, cơ sở vật chất kĩ thuật và nhân lực tốt hơn để giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân. Các cơ sở/ tổ chức tạo được niềm tin của người dân để họ tìm tới chia sẻ, lên tiếng, từ đó lan toả thông điệp phòng chống các hành vi xâm hại tình dục tốt hơn” – bà Loan cho biết.

Ở khía cạnh về cách thức ngăn chặn các hành vi quấy rối, ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia về giới, tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam cũng đưa ra giải pháp về việc giáo dục kỹ năng phòng tránh quấy rối cho trẻ em như: phát hiện nguy cơ, nói không, kể lại… là việc cấp thiết, cần sự tham gia của cả gia đình và cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, để nạn nhân dám lên tiếng, cần chú trọng công tác bảo mật thông tin của nạn nhân, đặc biệt các trường hợp nghiêm trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của nạn nhân sau này.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, tổ chức Plan International Việt Nam cũng khẳng định, từ năm 2014, tổ chức Plan đã hợp tác cùng chính phủ và các cơ quan triển khai dự án Thành phố An toàn với em gái tại Hà Nội và 1 số tỉnh trong cả nước, tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng, sự tham gia vào cuộc của ngành giao thông trong thúc đẩy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng... Tuy nhiên, để phụ nữ và trẻ em gái thực sự an toàn tại nơi công cộng cần nhiều nỗ lực thay đổi của cá nhân và cộng đồng. Hiện nay, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động, các chuyên đề giáo dục giới tính nhưng chưa đủ giúp giải quyết vấn đề quấy rối, sàm sỡ hay trêu ghẹo. “Các em cần được học về bình đẳng giới, được hiểu về giá trị, vị trí, vai trò công bằng trong xã hội giữa nam và nữ. Quan trọng hơn, các em cần được tạo điều kiện để thực hành các giá trị tôn trọng sự khác biệt về giới tính, không có các hành vi gây tổn thương cho người khác và cả các quy định pháp luật liên quan” – bà Quỳnh Lan nói.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.