Nỗi nhớ
Sáng nay tôi gặp lại tuổi thơ
Trong sắc hoa gạo đỏ
Cây gạo đã già như một câu chuyện cổ
Vẫn thơ ngây những chuỗi cười giòn
Đôi chim sáo lại về làm tổ
Cho bao lứa trẻ trong làng mỏi cổ nhìn lên
Sáng nay tôi gặp em
E thẹn rẽ vào lối ngõ
(như mang theo một nửa mùa xuân đi về lối đó)
Lẽ nào tôi chẳng nhìn theo
Hoa xoan rơi trong mắt
Hoa xoan rơi nhắc một điều có thật
Sớm nay tôi trở về đây
Những liên tưởng này ngộ nghĩnh lắm thay
Hoa gạo đỏ như một chùm đạn lửa
Và em
Giống như người em gái đó
Tôi gặp ở đâu trong rừng xa phương nam
Hoa xoan rơi nhắc một chiều tím ngắt bằng lăng
Treo võng tôi nằm đợi giờ ra trận
Cả quê hương với dáng hình rất thật
Cũng ngỡ ngàng như đã gặp nơi đâu
Đi giữa quê hương mà lòng dạ xôn xao
Những tưởng hết cồn cào thương nhớ
Cái phương trời ta sống qua những năm đạn lửa
Trọn đời hồ dễ dám quên.
Hà Sơn Bình, Năm 1976 - "Phù sa đỏ"
Khuất Quang Thuỵ
Ảnh minh họa
Quê hương mùa hoa gạo nở và những kỷ niệm tuổi thơ là nguồn cảm hứng dồi dào của các thi nhân. Trong số đó, tôi rất ấn tượng với bài "Nỗi nhớ" của Khuất Quang Thuỵ - cây bút đã được Giải thưởng Nhà nước về văn xuôi đồng thời là tác giả của không ít bài thơ hay. “Nỗi nhớ” là một trong số đó được rút từ tập "Phù sa đỏ". Thi phẩm là bức tranh thiên nhiên sống động gợi nhớ những tình cảm trong sáng một thời đạn lửa không thể nào quên.
Tác giả dùng thể thơ tự do rất phù hợp với việc bộc lộ cảm xúc ở nhiều cung bậc. Mở đầu là thi sĩ gặp lại tuổi thơ qua sắc hoa gạo đỏ, một loài hoa khá đặc trưng của làng quê Việt, thân quen và gắn với tuổi thơ của nhiều người: "Sáng nay tôi gặp lại tuổi thơ/ Trong sắc hoa gạo đỏ". Hoa gạo vẫn như xưa, rực đỏ tươi thắm, bất chấp thời gian: "Cây gạo đã già như một câu chuyện cổ". Cây gạo đã chứng kiến bao sự kiện, ghi dấu nhiều kỷ niệm của các bạn nhỏ, khát khao khám phá những điều mới lạ. Quanh cây gạo, cuộc sống đang tiếp diễn: "Vẫn thơ ngây những chuỗi cười giòn/ Đôi chim sáo lại về làm tổ/ Cho bao lứa trẻ trong làng mỏi cổ nhìn lên". Về thăm quê sau nhiều tháng năm xa, ấn tượng không thể quên của tác giả là cuộc gặp gỡ với cô thôn nữ đồng hương: "Sáng nay tôi gặp em/ E thẹn rẽ vào lối ngõ". Hình ảnh cô em dáng vẻ thẹn thùng rất nữ tính xuất hiện trong đoạn thơ thật dễ thương. Nghệ thuật so sánh giữa người và cảnh, “em” và “mùa xuân” thật đắt giá: em "rẽ vào lối ngõ", "như mang theo một nửa mùa xuân đi về lối đó". Thủ pháp cường điệu ở đây kết hợp với so sánh đã nhấn mạnh sự tươi trẻ, cuốn hút của cô em: "Lẽ nào tôi chẳng nhìn theo".
Cô gái có thật mà như trong mơ khiến tác giả cứ ngỡ là hư ảnh của quá khứ hiện về. Song thực tại đã nhắc nhớ: "Hoa xoan rơi trong mắt/ Hoa xoan rơi nhắc một điều có thật/ Sớm nay tôi trở về đây"; "Hoa gạo đỏ như một chùm đạn lửa/ Và em/ Giống như người em gái đó/ Tôi gặp ở đâu trong rừng xa phương nam". Với chủ thể trữ tình và nhiều cựu binh khác – những người đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất cuộc đời cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc - kỷ niệm chiến trường đã trở thành máu thịt. Nên hoa gạo được so sánh với chùm đạn lửa thật phù hợp, sống động. Còn cô thôn nữ cùng quê gợi nhớ về người em gái - có lẽ là giao liên - tác giả từng gặp “trong rừng xa phương nam”.
“Nỗi nhớ” – thường trực này được chọn làm nhan đề cho bài thơ đã khơi gợi nhiều cảm xúc thẩm mỹ trong lòng người đọc. Đoạn thơ là cao trào cảm xúc này, có câu thơ rất ngắn, chỉ gồm hai âm tiết, tác giả dường như cố nén nỗi xúc động. Song hành với hoa gạo, hoa xoan cũng gợi nhớ về thời khắc trước giờ ra trận trong một buổi chiều hoàng hôn buông tím: "Hoa xoan rơi nhắc một chiều tím ngắt bằng lăng/ Treo võng tôi nằm đợi giờ ra trận". Từng là bộ đội trinh sát ở Sư đoàn 320, trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận vô cùng ác liệt Quảng Trị và Tây Nguyên, nên “nỗi nhớ” về những năm tháng máu lửa lúc nào cũng đau đáu trong con tim, khối óc của người viết. Giờ đây: "Đi giữa quê hương mà lòng dạ xôn xao/ Những tưởng hết cồn cào thương nhớ". “Xôn xao” là từ chỉ trạng thái xúc động xao xuyến trong lòng, còn“cồn cào” là nỗi nhớ quay quắt trở đi trở lại không yên.
Người chiến binh về thăm quê, cứ nghĩ rằng vui với cảnh cũ, người thân, sẽ quên đi những kỷ niệm chiến trường. Nào ngờ "Cái phương trời ta sống qua những năm đạn lửa/ Trọn đời hồ dễ dám quên". Câu thơ khép lại toàn bài có sức khái quát cao, thể hiện suy nghĩ sâu sắc của đời lính chiến – những người bề ngoài tưởng như khô khan nhưng thực tế lại rất giàu tình cảm, trọn đời sống ân nghĩa, thủy chung mãi nhớ về quá khứ một thời để nhớ.
NGUYỄN THỊ THIỆN