Nỗi niềm “thông gia khó”

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Như bà cũng biết, hai cháu đang quyết định mua nhà mới vì nhà cũ đã chật rồi. Tiền tự thân chắc chúng nó chẳng có mấy nên chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của hai bên gia đình. Thế nên, tôi gọi sang, hỏi xem bên nhà mình giúp đỡ được hai cháu bao nhiêu, còn lại thiếu bao nhiêu, nhà tôi bù nốt”.

Cuộc nói chuyện của nhà thông gia qua điện thoại khiến bà Thịnh cả đêm đó không sao chợp mắt được. Bà biết, nhà thông gia hỏi vậy thôi, chứ thực ra là để “công kích” ông bà, và cũng để ông bà biết là họ mới là người đang đứng ra cưu mang, đỡ đần vợ chồng các con.

Là nhà  nội, khi các con có việc mà không giúp được gì, bà cũng buồn lắm chứ. Nhưng, đó là do ông bà không có tiền, chứ không phải có mà giữ không cho con. Hai ông bà làm nông, nhà lại ở vùng núi cao “chó ăn đá, gà ăn sỏi” kiếm đủ thóc gạo nuôi thân, nuôi con đã là may mắn lắm. Ở đây, con trai, con gái học hết cấp ba là nghỉ ở nhà, lập gia đình, sinh con. Riêng con trai ông bà có chí tiến thủ, quyết tâm học hết đại học, rồi sau đó ở lại thành phố lập nghiệp. Rồi nó kết hôn với một cô con gái thành phố - là con dâu hiện tại của bà.

Bà phải thừa nhận, gia cảnh con dâu cũng có phần khấm khá nên con trai bà lâu nay cũng được cậy nhờ nhà ngoại. Sau cưới, ông bà ngoại đã có sẵn căn hộ để cho hai đứa ra ở riêng. Còn ông bà, khi các con dọn vào nhà mới, ông bà phải bán đi cả lứa lợn để có chút tiền tặng con. Tuy nhiên, so với cả căn nhà của nhà ngoại tặng, thì số tiền đó quả là nhỏ bé.

Nỗi niềm “thông gia khó” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi bà cũng nhớ ơn ông thông gia đã giúp xin việc cho con trai bà, nếu không, giờ này nó vẫn còn long đong, lận đận lắm. Có nhà rồi lại có cả công việc và thu nhập ổn định, con trai bà đỡ vất vả hơn. Còn ông bà, quanh năm chỉ biết đến mấy sào ruộng với lũy tre làng, thì làm sao trợ giúp cho con được?

Hai cháu nội lần lượt ra đời, phần lớn cũng do một tay bà ngoại chăm bẵm. Hồi con dâu mới sinh, bà từng nghĩ mình không có tiền thì có sức, bà sẽ xuống thành phố ở với các con một thời gian, đỡ đần cho chúng việc nhà và trông con cho chúng. Tuy nhiên, ở với các con chưa được mấy ngày, bà đã nhận ra sự xuất hiện của mình hình như không cần thiết. Phía nhà ngoại ngày nào cũng đến chơi với cháu, rồi tiếp tế đủ loại sữa xịn, bột, bỉm, máy sưởi, máy hút sữa...

Ông bà còn thuê hẳn bác sĩ tới tắm cho cháu chứ không khiến bà làm. Con dâu cũng chỉ nhất nhất nghe lời bà ngoại, coi mẹ chồng có cũng như không. Phải giấu hai bàn tay với mười đầu móng tay vàng vọt vì bùn đất mà bà chạnh lòng, đành tự an ủi mình: “Thôi thì bà nội hay bà ngoại trông cháu cũng được, miễn là các con thoải mái, các cháu được khỏe mạnh”.

Và thế là từ đó, ông bà an phận ở quê, không dám can thiệp nhiều vào chuyện của con, cháu. Thi thoảng, nghe con kể chuyện công việc, các cháu học hành… thì bà chỉ biết vậy. Nhưng càng ngày, bà càng có cảm giác sự chênh lệch về gia cảnh khiến mối quan hệ giữa hai nhà xa cách, ông bà và nhà thông gia cũng khó nói chuyện với nhau hơn. 

Nỗi niềm “thông gia khó” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hồi mới cưới, con trai, con dâu bà còn năng về thăm bố mẹ, nhưng rồi qua mỗi năm lại ít dần. Bà nhẩm tính, đến nay, phải đến 5 năm rồi, con dâu chưa về lại nhà nội. Sợ bà suy nghĩ, con trai bà nói đỡ là vợ bận công việc, vướng con còn nhỏ… Rồi nó bảo mẹ con, bà cháu ngày nào chẳng nói chuyện với nhau, ông bà sống ra sao chúng đều nắm được cả thì việc có về trực tiếp hay không cũng không quá quan trọng.

Ngay cả lần sang cát cho cụ ngoại, bà cũng chắc mẩm nhà có việc lớn thế thì con dâu sẽ về. Nào ngờ, nó đề nghị với bà sẽ gửi người giúp việc về thay nó lo công việc, ngoài ra, nó cũng xin đóng góp một ít tiền. Nhưng bà biết, lý do sâu xa là con dâu bà ngại đường xa, về quê chồng lại nghèo khó, điều kiện ăn ở không thể như nhà ở thành phố.

Hơn thế, nó cũng ỷ thế chỉ có nhà ngoại cưu mang bao lâu nay nên coi nhẹ nhà nội. Ông bà thông gia ủng hộ con gái không về quê chồng cũng vì sợ con gái khổ. Còn con trai ông bà thì không muốn làm bố mẹ vợ và vợ phật ý nên cũng không dám có ý kiến gì. Vì nhà mình khó khăn đủ bề, con trai bà cũng đã chịu nhiều nỗi khổ tâm.

Mọi việc lớn bé trong nhà, nó gần như đứng ở phía sau, để cho nhà vợ và gia đình vợ quyết định. Nó biết, nếu chỉ trông chờ vào mức lương hàng tháng kiếm được, nó chẳng thể lo được cho vợ con có cuộc sống sung túc như thế. Thành thử, tiếng là có dâu con nhưng con dâu ông bà gần như… chẳng làm dâu.

Để giữ gia đình hòa thuận, ông bà có suy nghĩ gì cũng chỉ dám giữ kín trong lòng. Bà chưa bao giờ phàn nàn về con dâu với con trai vì sợ con khó xử. Mấy năm con cháu không về thì ông bà lặn lộn “xuống phố” thăm con. Tiện thể, mang ít quà quê xuống biếu thông gia và cho các cháu. Nhưng, thông gia nhận quà thì miễn cưỡng, con dâu bà cũng chẳng lấy đó để mà động lòng.

Bà thông gia còn bảo: “Bà đi đường xa, không cần phải đùm đùm nắm nắm làm gì. Các cháu ở dưới này chẳng thiếu gì, mà có thiếu thì chúng tôi lại cho tiền ra ngoài siêu thị mua toàn đồ sạch, nhập khẩu. Bà có tấm lòng thì lần sau cứ theo nếp hiện đại như cách chúng tôi đang làm, cho chúng nó cái phong bì vừa nhanh, vừa gọn”. Bà đành đáp lại bằng nụ cười mà như mếu.

Nỗi niềm “thông gia khó” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Năm nay, các con ông bà mua nhà mới vì hai đứa nhỏ cũng đã lớn dần, không gian ở bị chật chội. Biết việc lớn của con, ông bà rất muốn giúp nhưng tiền làm gì có. Ông bà từng nghĩ đến phương án duy nhất là bán đi một phần vườn nhưng cũng chẳng thực hiện được vì ở quê, nhà nào mà chẳng thừa đất. Vừa mừng cho các con khi điều kiện ăn ở được cải thiện, nhưng, ông bà lại có phần tủi thân.

Ông còn bảo bà: “Sau đợt này, khéo tôi với bà chẳng còn đường xuống thăm con cháu. Tính bà thông gia sòng phẳng như thế, liệu mình có thể nào xuống ở trong nhà mà ông bà ấy bỏ tiền mua cho các con được? Mà không ở nhà chúng không lẽ, mình xuống thành phố lại đi thuê nhà nghỉ để ở?”. 

Bà lại nhớ đến câu chuyện ban sáng. Khi bà thông gia hỏi về chuyện tiền mua nhà, bà cũng chẳng buồn vòng vo nữa mà trả lời thẳng: 

- Bà hỏi thì chúng tôi cũng xin thưa. Chúng tôi chẳng có gì ngoài hai thân già. Thành thử, các con có tiền thì tự mua nhà, bằng không thì thôi chứ chúng đừng trông chờ gì vào nhà nội.

- Ấy chết, bà không có thì thôi để chúng tôi lại lo cho các con. Mình làm bố mẹ là để lo cho các con thôi mà. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi đều lo cho chúng nó được thì thêm lần này cũng chẳng xá gì. Chỉ mong thằng bố nó biết suy nghĩ trước sau, sống cho tử tế vì vợ, vì con là được.

Việc hai con của ông bà gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau lẽ ra là chuyện rất bình thường. Nhưng thời gian qua, mỗi lần nghĩ đến các con, ông bà tự nhiên lại trở thành người có lỗi. Ông bà mắc lỗi vì không có nhiều tiền, không có quan hệ để giúp đỡ chúng. Cái sự nghèo cũng khiến ông bà bị đẩy vào thế lép vế và luôn “mắc nợ” với thông gia. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.