Nói sao cho vợi

Chia sẻ

Thi phẩm "Nói sao cho vợi" của tác giả Thu Trang - sinh 1932, tại Hà Nội, một Việt kiều tại Pháp được chọn đăng trong "100 bài thơ hay thế kỷ XX" do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2007.

(Thương mến gửi các em ở bên nhà)

Paris tối nay tuyết đổ
Rơi rơi phủ trắng phố phường
Hoa đèn tăng phần rực rỡ
Kinh thành bát ngát sắc hương

Ánh sáng át hẳn màn sương
Chen chân trên khắp ngả đường
Vui tươi trai thanh gái lịch
Hồn nhiên họ đón xuân sang

Chân bước mà lòng miên man
Quê ơi, xa cách muôn vàn
Không khóc mà lòng thổn thức
Nói sao cho vợi niềm thương

Paris bát ngát sắc hương
Quê tôi giờ này ai biết
Chắc bên mái tranh đạm bạc
Vườn rau là bãi chiến trường

Tôi đi giữa vầng ánh sáng
Nhìn thiên hạ đón xuân sang
Nghe câu hỏi thầm đau buốt
Bao giờ mùa xuân Việt Nam?

Bao giờ xuân Thanh bình sang?
Mùa xuân Thống nhất quê hương
Mùa xuân Tự do Độc lập
Mùa xuân không đượm tóc tang!

Trong hồn day dứt mênh mang
Quê tôi miền Bắc miền Nam
Chắc đang hào hùng chiến đấu
Ngăn bàn tay giặc hung tàn

Giữa muôn hương sắc huy hoàng
Tôi không thấy mùa xuân sang
Hồn tôi ở phương trời ấy
Tôi đợi mùa xuân Việt Nam!
                                                    1969
                                           Thu Trang

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:

Nhiều nguyên nhân làm nên thành công của bài thơ này nhưng trước hết bởi tấm lòng tác giả đau đáu thương thớ quê hương và hy vọng, tin tưởng một mùa xuân Thống nhất sẽ về trên quê hương Việt Nam.

Bài thơ được ra đời đúng vào thời điểm đón năm mới 1969, tác giả đang sống ở thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp bỗng chạnh lòng nhớ về quê hương. Giữa cảnh tuyết rơi thơ mộng phủ trắng khắp nơi, thêm đèn và hoa trang trí muôn phần rực rỡ: "Paris tối nay tuyết đổ/ Rơi rơi phủ trắng phố phường/ Hoa đèn tăng phần rực rỡ/ Kinh thành bát ngát sắc hương". Cảnh đẹp như cõi mộng, lại thêm "Chen chân trên khắp ngả đường/ Vui tươi trai thanh gái lịch". Nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh thêm sự tấp nập đông vui của ngày Lễ, có lẽ là dịp Giáng sinh. Ở hoàn cảnh ấy, thông thường người ta thoải mái tận hưởng niềm vui cùng người thân và cộng đồng. Song với tác giả, người gắn bó sâu nặng với quê hương. Việt Nam lại canh cánh nỗi niềm nhớ thương về bản quán. Người con Việt xa xứ ấy cũng ra đường, những mong sự tấp nập của phố xá với lộng lẫy đèn hoa giúp cho nguôi quên nỗi nhớ quê nhà nhưng "Chân bước mà lòng miên man", từng đợt sóng tình cảm dào dạt không dứt khiến "lòng thổn thức". Nhà thơ không thể kìm nén đã bật lên tiếng gọi da diết: "Quê ơi, xa cách muôn vàn/ Không khóc mà lòng thổn thức/ Nói sao cho vợi niềm thương". Đất nước Việt Nam được nhân hoá, trở thành đối tượng thẩm mỹ để tác giả thổ lộ, tâm tình. Đây là những câu thơ nhiều xúc cảm thương nhớ quê hương, chạm tới trái tim người đọc. Nghệ thuật dùng điệp cú: "Paris bát ngát sắc hương" và "Kinh thành bát ngát sắc hương" đã nhấn mạnh sự hoa lệ và sang trọng của nơi tác giả đang sống. Mặt khác, phép so sánh tương phản giữa Paris và "Quê tôi" trong thời điểm này: "Paris bát ngát sắc hương/ Quê tôi giờ này ai biết/ Chắc bên mái tranh đạm bạc/ Vườn rau là bãi chiến trường": Một bên là vui tươi, đẹp đẽ và bên kia "là bãi chiến trường" đầy chết chóc, hiểm nguy. Tác giả vô cùng buồn thương, "đau buốt" trái tim trước thực trạng ấy. Điều đáng ghi nhận là tuy đau buồn vì quê hương còn nghèo với "mái tranh đạm bạc", chiến tranh vẫn đang diễn ra ác liệt nhưng tác giả không bi quan, vẫn mong đợi và hy vọng ở tương lai qua liên tiếp những câu hỏi tu từ dồn dập: "Bao giờ mùa xuân Việt Nam?"; "Bao giờ xuân Thanh bình sang?". Trong bài, việc dùng liên tiếp xác đáng nhiều từ láy (rơi rơi, rực rỡ, phố phường, bát ngát, miên man, thổn thức, day dứt, mênh mang, hào hùng, huy hoàng) khiến cho bài thơ tăng tính nhạc, hình ảnh thơ thêm gợi cảm. Đặc biệt các điệp từ "xuân"(9 lần), "mùa xuân" (6 lần), "Quê tôi" (2 lần) làm cho nỗi nhớ niềm thương càng được khắc sâu. "Mùa xuân" ở đây là hình ảnh biểu tượng cho niềm vui, ngay trong bài nhà thơ đã lý giải Thanh bình, Thống nhất, Tự do Độc lập. Điều đáng nói là các từ này tác giả đều viết hoa, chứng tỏ niềm mong mỏi hy vọng thiết tha Việt Nam được thống nhất đến thế nào? Trong bài, nhà thơ luôn day dứt: "Trong hồn day dứt mênh mang/ Quê tôi miền Bắc miền Nam/ Chắc đang hào hùng chiến đấu/ Ngăn bàn tay giặc hung tàn". Từ "day dứt" chỉ tâm trạng nhớ nhung pha chút ân hận dằn vặt không yên vì trong khi bà con ở quê nhà đang ngày đêm chiến đấu chống giặc, tác giả lại sống yên bình nơi hoa lệ xứ người. Và tâm trạng ấy mênh mang rộng lớn không có biên giới. Đây chính là biểu hiện rõ nhất, cụ thể nhất tấm lòng yêu đất nước, thương đồng bào. Vậy nên dù hiện tại tác giả đang đón mùa xuân mà không thấy xuân, không thấy vui. Căn nguyên là bởi: "Hồn tôi ở phương trời ấy/ Tôi đợi mùa xuân Việt Nam!". Niềm tin ấy của tác giả chỉ mấy năm sau đã thành hiện thực, năm 1975 nước ta đã được thống nhất, Bắc Nam đã nối liền một dải. Bài thơ đã khép lại, tuổi của bài thơ cũng đã hơn nửa thế kỷ nhưng tình cảm nhớ thương quê hương Việt Nam vẫn như những con sóng tâm tình còn ngân rung mãi trong lòng bạn đọc.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.