Non nước Cao Bằng trong những ngày bình thường mới

Chia sẻ

Những ngày “bình thường mới” này đang là thời điểm đẹp nhất để du khách khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Cao Bằng - tỉnh biên giới ở vùng Đông Bắc Tổ quốc với những di tích lịch sử cách mạng, dãy núi, hang động, đặc biệt là thác nước tuyệt đẹp. Nổi tiếng nhất là thác Bản Giốc - 1 trong 21 thác nước đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch danh tiếng Travel + Leisure bình chọn.

Chuyến đi an toàn vào vùng “xanh”

Căn cứ tình hình thực tế và dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêu chí, phương pháp đánh giá, xác định cấp độ dịch, tỉnh Cao Bằng ở cấp độ 1 – nguy cơ thấp. Vì vậy, từ giữa tháng 10, việc đi lại giữa TP Hà Nội lên tỉnh Cao Bằng đã thuận lợi hơn nhiều. Với khoảng cách chưa đầy 300km, đa phần là đường quốc lộ, tỉnh lộ nên đường đi Cao Bằng khá đẹp, cho phép du khách có thể di chuyển lên đây bằng cả ô tô và xe máy trong thời gian khoảng 6 tiếng đồng hồ. Vì vậy, ngay sau khi các tỉnh, thành phố chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, những người đam mê “xê dịch” đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin đã rục rịch chuẩn bị hành lý để lên đường khám phá.

Thời gian này, du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Cao Bằng là sự lựa chọn hợp lý. Với khoảng cách dưới 500km, du khách hoàn toàn có thể di chuyển bằng ô tô, nhất là ô tô tự lái (caravan) đang rất được khuyến khích trong thời gian qua để đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong khi đó, các địa danh xa hơn ở miền Trung và miền Nam, du khách phải di chuyển bằng đường hàng không vốn đang dần mở cửa nên chưa thực sự thuận lợi. Ngoài xe tự lái, du khách có thể di chuyển bằng xe khách chất lượng cao cũng rất sẵn. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, qua địa phận tỉnh Bắc Kạn sang Cao Bằng có chốt kiểm soát phòng chống dịch, du khách thực hiện khai báo y tế, quét mã QR và tiếp tục hành trình. Thủ tục này được thực hiện rất nhanh, một phần do khách du lịch chưa đông, chủ yếu di chuyển trên đường là các loại xe tải chở hàng.

Thác Bản Giốc những ngày có mưa rất đẹp, nước trắng xoá, tung bọt cả một vùng non nướcThác Bản Giốc những ngày có mưa rất đẹp, nước trắng xoá, tung bọt cả một vùng non nước

Hiện, các nhà hàng, khách sạn tại TP Cao Bằng và các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh đã mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ du khách. Ngay cả ở những điểm du lịch mới, bà con ở đây đã phát triển dịch vụ homestay trọn gói cả ăn uống nên khá thuận lợi. Trước khi vào tham quan, khám phá, du khách nên đặt trước đồ ăn để được phục vụ tốt nhất. Người dân ở đây thường dùng bữa tối rất sớm, 19 giờ là họ đã xong xuôi hết rồi, mâm cơm được dọn sạch. Trong khi đó, nhiều du khách đi vào huyện tham quan thường di chuyển về trung tâm huyện, tỉnh lúc chiều muộn nên ăn trễ hơn. Không đặt bữa trước, du khách sẽ ít có sự lựa chọn, bỏ qua cơ hội để thưởng thức các đặc sản bản địa. Đó là điều rất đáng tiếc bởi ở Cao Bằng có nhiều món ăn ngon được chế biến từ đặc sản của núi rừng, vừa lạ miệng vừa độc đáo như phở vịt, vịt quay 7 vị, trứng hấp rượu nếp, lạp sườn làm từ thịt lợn đen, bánh cuốn của bà con dân tộc Tày, bánh trứng kiến… Mùa này lên Cao Bằng không thể bỏ qua món ăn vặt là hạt dẻ Trùng Khánh bùi béo, thơm ngon.

“Mãn nhãn” với sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên

Lên Cao Bằng, hành trình khám phá của du khách tập trung vào tuyến danh thắng nổi tiếng với những điểm đến “có một không hai” là thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao - khu di tích lịch sử Pác Bó - hồ Thăng Hen.

Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách TP Cao Bằng hơn 80km. Đây là thác nước tự nhiên đẹp nhất Đông Nam Á nằm trên dòng sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ độ cao hơn 60m với tầng dốc dài nhất 30m, những khối nước lớn từ trên núi đổ xuống qua nhiều tầng đá tạo thành những dòng thác cuồn cuộn tuôn chảy. Vì vậy, thác Bản Giốc mang lại cho du khách rất nhiều cảm xúc: sự hùng vĩ của rừng xanh, của núi non trùng điệp; nét lãng mạn, nên thơ của dòng thác như những dải lụa trắng, uốn lượn mềm mại. Phụ thuộc vào con nước nên trong mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11), nước đổ về nhiều, dòng thác sẽ tuôn chảy xối xả, tung bọt trắng xoá như sương tỏa mờ cả một vùng non nước rộng lớn càng tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ của Cao Bằng. Vì vậy, đây là thời điểm thu hút rất đông du khách. Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa khô ở đây, nước về ít hơn, các dòng thác lại trở nên hiền hòa và dịu êm mang lại cho du khách một cảm nhận về sự thanh bình, nên thơ. Thác Bản Giốc là một trong số ít địa danh tại tỉnh Cao Bằng thu phí tham quan với mức giá 45.000 đồng/người. Tại thác, du khách có thể thuê bè tre của người dân để tham quan xung quanh, với giá khoảng 50.000 đồng/ người.

Cùng cung đường này, ngoài thác Bản Giốc, du khách tiếp tục tham quan động Ngườm Ngao - một trong những hang động đẹp nhất nước với hệ thống nhũ đá và măng đá tạo nên khung cảnh kì thú, sống động; Cụm di tích lịch sử Pác Bó - địa điểm đã gắn bó với hoạt động cách mạng của Bác Hồ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với những “địa chỉ đỏ” như hang Cốc Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác, khu ruộng Goọc Mu… nằm giữa các ngọn núi cao mang vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình.

Núi Mắt Thần sừng sững giữa hồ Nặm CháNúi Mắt Thần sừng sững giữa hồ Nặm Chá

Ngoài những di tích, địa danh nổi tiếng trên, thời gian gần đây, một điểm đến khác nhanh chóng trở thành điểm “checkin” độc đáo không thể bỏ qua khi du khách đến Cao Bằng, đó là núi Mắt Thần (núi thủng) nằm trên hồ Nặm Chá, huyện Trà Lĩnh. Hồ Nặm Chá là một trong 36 hồ nước liên thông với nhau thuộc quần thể hồ Thăng Hen. Giữa hồ Nặm Chá, núi Mắt Thần sừng sững như một khối hình tháp xanh khổng lồ. Ngọn núi này được đặt tên là Mắt Thần bởi ở lưng chừng núi có một hang thủng xuyên qua lòng núi, đường kính hang thủng rộng nhất lên tới 50m, trông như đôi mắt. Còn bà con dân tộc Tày ở đây thì gọi với tên dân dã theo tiếng địa phương là Phja Piót (nghĩa là núi thủng). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, núi Mắt Thần được hình thành từ quá trình kiến tạo địa chất cách đây hơn 300 triệu năm, tạo thành hang hóa thạch trên núi. Núi Mắt Thần là sự minh chứng cho sự độc đáo, hiếm có mà thiên nhiên đã ban tặng.

Không chỉ chiêm ngưỡng một tuyệt tác của thiên nhiên, tại đây, du khách còn được trải nghiệm một nét đặc sắc khác ở hồ Nặm Chá. Vào mùa mưa và những ngày mưa, những con thác xối xả mang nguồn nước từ rừng về hồ Nặm Chá. Mang trong mình hàng nghìn mét khối nước, hồ Nặm Chá mênh mang nước trong xanh tạo thành chiếc gương, soi bóng núi Mắt Thần sừng sững, xung quanh núi cao điệp trùng bao bọc khiến cho cảnh sắc thiên nhiên đẹp tựa bức tranh. Ấy vậy mà vào những ngày thời tiết hanh khô, nước trên mặt hồ sẽ rút đi trả lại các gò đất và những con suối nhỏ lượn quanh thảm cỏ mênh mông, xanh mướt tạo nên vẻ đẹp bình yên tựa như vùng thảo nguyên rộng lớn. Dịp này, bà con ở đây thường mang gia súc ra chăn thả, du khách thì dựng lều, cắm trại, nướng thịt, đạp xe, chơi đùa… Với những người không kịp chuẩn bị đồ dã ngoại thì có thể đặt một homestay nhỏ của người dân bản địa, đặt nấu các món ăn đặc sản của địa phương để sau khi tham quan cảnh sắc thiên nhiên sẽ dừng chân nghỉ ngơi, nghe bà con kể lại những câu chuyện thú vị về văn hoá, lối sống dân dã, đặc sắc. Những trải nghiệm chắc chắn sẽ chỉ có ở Hang Then, giúp du khách thư giãn sau những căng thẳng của cuộc sống thường nhật.

Trong điều kiện bình thường mới, để có chuyến đi an toàn, du khách cần chuẩn bị thêm khẩu trang y tế, nước sát khuẩn trong hành lý; đừng quên quét mã QR tại tất cả điểm tham quan, lưu trú, điểm ăn uống. Ngoài ra, cũng như nhiều chuyến đi đến các địa phương vùng núi đá vôi, du khách nên kiểm tra phương tiện cẩn thận. Đường giao thông về cơ bản đã thuận tiện nhưng một số điểm tham quan, đường từ tỉnh lộ vào xã còn khó đi, khá hẹp, nhất là vào ngày mưa dễ trơn trượt, du khách không nên chủ quan. Sau khi cắm trại, nên dọn dẹp sạch sẽ, tuyệt đối không xả rác bừa bãi vừa gây ô nhiễm môi trường vừa để lại ấn tượng không đẹp; không trêu đùa đàn bò, ngựa của người dân. Cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân khi đến thác Bản Giốc; mang theo áo ấm, áo khoác gió vì nhiệt độ ở đây thấp hơn so với các tỉnh đồng bằng, nhất là về đêm thường có sương lạnh. Do địa bàn vùng núi thường di chuyển nhiều, có thể leo núi, lội suối nên mang theo giày đế mềm, dép tổ ong để đỡ đau chân và có độ ma sát lớn.

Bài và ảnh: VŨ HOÀN NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.