Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh

Bài và ảnh: Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từng là Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa, khi về hưu lại đảm nhiệm công việc Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1 phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thị Minh Hà (68 tuổi) không chỉ được người dân yêu mến vì sự gương mẫu, nhiệt tình, mà còn bởi nét thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ đã gắn bó và cống hiến lâu dài với Thủ đô.

Thấy nét đẹp phụ nữ Hà Thành qua hình ảnh mẹ chồng

Sinh ra tại quê hương Tuyên Quang, đến năm 1985, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hà chuyển về công tác tại Hội LHPN quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Về với Thủ đô, làm cán bộ Hội Phụ nữ và là một nàng dâu phố cổ trong một gia đình trí thức, bà Minh Hà luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Nói đến cốt cách của người Hà Nội, không thể không nhắc tới câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” hay “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Tràng An”. Nét văn minh thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội được thể hiện trong nhiều mặt từ cách ăn, mặc, ở, đi lại cho tới lối ứng xử, giao tiếp khéo léo, tinh tế trong gia đình và ngoài xã hội. Bà Minh Hà kể: “Tôi cứ suy từ gia đình mình, từ mẹ chồng tôi mà nhìn ra cốt cách người Hà Nội. Các cụ xưa rất bình dị, kín đáo, tinh tế nhưng vẫn hào hoa, thanh lịch. Trong gia đình, các cụ mẫu mực làm gương cho con cháu. Các con cháu lấy chữ “hiếu” với ông bà cha mẹ làm đầu, dâu rể thì thảo hiền, con cháu thì thành đạt. Đạo lý “kính trên nhường dưới” thể hiện rõ trong bữa cơm, bao giờ nói năng cũng phải có câu hậu: “Con mời ông/bà xơi cơm ạ”, rất từ tốn, kính cẩn. Từ vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời trước khi ăn, sự nhường nhịn món ngon, gắp tiếp trước cho khách, rồi cách ăn uống cũng phải từ tốn, nhai nuốt thong thả.

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Minh Hà điều hành giao ban tổ dân vận số 1 phường Lý Thái Tổ.

Đấy là nếp ăn, còn nếp mặc, các cụ cũng dạy con cháu hết sức lịch sự, ra đường là mặc áo dài, khăn nón, giày guốc đầy đủ. Khách đến chơi, chủ nhà ăn vận quần áo gọn gàng tươm tất rồi mới ra tiếp. Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy cụ ông, cụ bà dân gốc những phố “Hàng” ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm khi xuất hiện ngoài đường. “Tôi rất ấn tượng, rất nhớ mẹ chồng mình có rất nhiều áo dài cổ. Mỗi lần bà ra ngoài đều mặc áo dài, tóc vấn, rất thanh lịch”. Trong cách nói năng, các cụ vận dụng từ ngữ khéo léo, nhã nhặn, tinh tế. Trong giao tiếp biết nhún mình, mềm mỏng và tế nhị, nhưng vẫn toát lên nét tài hoa. Con gái Hà Nội xưa khi bắt đầu đến tuổi thiếu nữ, họ được truyền dạy từ bà, từ mẹ về “nữ công gia chánh”. Trong chuyện phẩm giá đạo đức của một người phụ nữ, người vợ và người mẹ, ngày xưa gọi là “công dung ngôn hạnh”, họ cũng được chỉ bảo cẩn thận.

Về làm dâu phố cổ, bà Minh Hà được chỉ dạy, uốn nắn những nét đẹp đó. “Con gái về nhà chồng là phải đảm đang, biết lo toan gánh vác công việc, đi đứng, nói năng lễ phép với gia đình nhà chồng. Phải tự thấy mình có trách nhiệm thức khuya dậy sớm, vun vén cho gia đình nhà chồng, biết sợ bố mẹ chồng phật ý”. Tất cả những điều hay, lẽ phải được tiếp thu trở thành nếp sống trong đại gia đình, bà Hà vẫn lưu giữ để chỉ dạy cho các con, các cháu mỗi ngày.

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Minh Hà.

Người cán bộ góp phần làm đẹp Thủ đô

Bà Nguyễn Thị Minh Hà vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp trong khoảng thời gian làm công tác Hội Phụ nữ. “Chị em làm Hội thì như con mọn ấy, nên phải biết cách thu xếp, vun vén thời gian để dung hòa việc nhà, việc cơ quan”. Vì thế, ngoài thời gian cho công việc, bà Hà động viên chị em cố gắng chịu khó để đừng lơ là việc nhà cửa, con cái. Nguyên Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa từng khuyên các em, các cháu cấp dưới của mình, “dậy sớm hơn một tí, đi chợ sớm hơn một tí, mua đủ thức ăn trong ngày rồi về sơ chế sẵn để chiều về đỡ hối hả, vội vàng, mà gia đình, con cái vẫn có bữa cơm tươm tất. Biết là việc xã hội bận rộn, nhưng muốn được gia đình chồng động viên, ủng hộ thì mình cũng phải chủ động bày tỏ, xin phép”.

Khoảng thời gian làm công tác Hội, bà Hà có một kỷ niệm sâu đậm về phát hành Báo Phụ nữ Thủ đô. Ngày ấy, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) vẫn còn thuộc quận Đống Đa. Chiều hôm ấy, bà đang đạp xe đưa báo xuống phường Kim Giang thì trời đổ mưa to. Đầu đội nón, bà Minh Hà lấy mảnh áo mưa mang theo để bọc báo lại cho khỏi ướt, còn mình thì… ướt hết. “Đến nhà cô Thanh (Chủ tịch Hội LHPN phường Kim Giang hồi đó) thì tôi ướt như chuột lột. Cô Thanh hốt hoảng sợ tôi cảm, nghĩ lại tình chị em Hội Phụ nữ thật thắm thiết. May mắn số báo mang đi không bị ướt, chứ không thì khổ lắm, vì Báo Phụ nữ Thủ đô ngày ấy đắt như tôm tươi, ai cũng muốn đọc”, bà Hà kể.

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Minh Hà (thứ 2 từ phải sang) cùng các Bí thư chi bộ của phường Lý Thái Tổ tham gia lễ hội Vì hoà bình tại Hồ Gươm trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Sau khi nghỉ công tác Hội, từ năm 2013, bà Nguyễn Thị Minh Hà tích cực tham gia các phong trào tại địa phương và được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBMTTQ, rồi Chủ tịch cho đến Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1 hiện nay. Mặc dù đảm nhiệm nhiều công việc, song ở từng cương vị công tác, bà được nhân dân đánh giá là gương mẫu, trách nhiệm, có phương pháp làm việc khoa học và nhiệt huyết.

TDP số 1 phường Lý Thái Tổ là địa bàn trọng điểm của quận Hoàn Kiếm, với các tuyến phố cổ và phố cũ đan xen, buôn bán sầm uất, dân cư đa thành phần. Trong những năm qua, TDP số 1 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là bí thư chi bộ, trước những công việc quan trọng của chi bộ hoặc những chủ trương mới, hay khi phát động các phong trào thi đua, bà đều cùng với tập thể cấp ủy chi bộ xin ý kiến góp ý của các đảng viên và những người có uy tín trong cộng đồng. Từ đó, nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng, những khó khăn trong quá trình thực hiện để tìm cách tháo gỡ. Khi kết thúc từng nhiệm vụ, bà có những đánh giá, rút kinh nghiệm những điều chưa làm được và nhất là công khai việc thu chi tài chính trước người dân một cách cụ thể, chi tiết; đồng thời kịp thời tuyên dương các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ của TDP. Nhờ đó, những năm qua, TDP số 1 luôn tạo được sức mạnh đoàn kết, làm nền tảng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị hàng năm. Đời sống nhân dân trong tổ luôn được quan tâm, tỷ lệ gia đình văn hóa năm đạt trên 96%/năm, đường phố luôn phong quang, sạch đẹp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

68 năm tuổi đời, 34 năm tuổi Đảng, với sự cống hiến và tinh thần trách nhiệm trong công việc, bà Nguyễn Thị Minh Hà đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của Trung ương, Thành phố, quận, phường.

Bí thư Đảng ủy phường Lý Thái Tổ Nguyễn Văn Dũng đánh giá: Với phẩm chất, năng lực và những thành tích đã đạt được, bà Nguyễn Thị Minh Hà luôn là người đảng viên gương mẫu trong học tập và làm theo lời Bác, là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên toàn phường noi theo. Con người và những việc làm của bà cũng đã và đang ngày ngày góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Có được kết quả đó, cùng với các chính sách của Thành phố, còn phải kể tới việc nâng cao nhận thức của người dân ngay từ trong gia đình
Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

(PNTĐ) - Trong chuyến đi đặc biệt tìm lại những nhân chứng lịch sử tham gia giải phóng Thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp Đại tá Lê Văn Tính, chiến sĩ liên lạc Đại đội 283, Trung đoàn Thủ đô. 17 năm làm lính cụ Hồ, với Đại tá Lê Văn Tính, đó là đoạn đời nên thơ. Đặc biệt, ký ức về ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hà Nội trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.
70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô về những đổi thay của Hà Nội trong suốt 7 thập kỷ đổi mới và phát triển.