Nữ cán bộ Hội hết lòng vì công tác hòa giải

Chia sẻ

Thời gian qua Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) đã tích cực phối hợp, làm tốt công tác hòa giải, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình xã hội.

Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của chị Chủ tịch Hội Phạm Thị Cúc Tú. Chị vừa là tấm gương sáng, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, vừa là người phụ nữ năng động trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và còn là một hòa giải viên nhiệt tình, tận tâm.

Thanh Xuân Bắc là một phường lớn, nhiều nhà chung cư cao tầng, dân số đông nên không tránh khỏi việc có tỷ lệ ly hôn cao. Để góp phần bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, phường có Ban hòa giải trong đó Hội LHPN đóng vai trò quan trọng khâu nối các cơ quan đoàn thể và 13/13 tổ hòa giải ở các khu dân cư đều có thành viên là phụ nữ. Bản thân chị vừa tham gia tổ hòa giải ở khu dân cư vừa tham gia tổ hòa giải của Hội Phụ nữ.

Chị Phạm Thị Cúc Tú đang giao lưu chia sẻ hoạt động của Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc tại Lễ trao giải cuộc thi Viết về các vấn đề gia đình thời nay lần thứ XI - năm 2021 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức trên báo Phụ nữ Thủ đôChị Phạm Thị Cúc Tú đang giao lưu chia sẻ hoạt động của Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc tại Lễ trao giải cuộc thi Viết về các vấn đề gia đình thời nay lần thứ XI - năm 2021 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức trên báo Phụ nữ Thủ đô

Chị Tú cho biết: “Hòa giải là một công tác hết sức quan trọng và không thể thiếu ở khu dân cư, ở Hội Phụ nữ. Thông qua hòa giải, giúp giải quyết các mâu thuẫn, xích mích thường xảy ra, tăng thêm tình đoàn kết gắn bó, vun đắp, tô thắm tình nghĩa hàng xóm và đặt cơ sở cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuy nhiên, không phải bất cứ việc gì xảy ra ở khu dân cư cũng đưa vào hòa giải mà hòa giải viên cần phải biết vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền, của pháp luật, không phân biệt được điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy công việc hoặc nhiều khi giải quyết những vụ việc không đúng thẩm quyền”.

Chị còn cho biết: “Người làm công tác hòa giải trước hết phải là người có uy tín, gương mẫu, được người dân trong khu phố tín nhiệm và kính trọng. Hòa giải viên cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cần nắm chắc các việc được hòa giải, không được hòa giải, nắm chắc cách xử lý các việc hòa giải đơn giản cũng như phức tạp, nắm chắc thủ tục trước, trong và sau khi hòa giải.

Về phương pháp hòa giải là phải luôn luôn dựa trên tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tôn trọng lẽ phải và pháp luật. Chẳng hạn, mâu thuẫn gia đình cần có người lớn tuổi đứng đắn, có uy tín, kinh nghiệm, có đại diện Hội Phụ nữ; mâu thuẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần có công an… Ngoài ra, sẽ căn cứ vào từng loại mâu thuẫn mà chọn địa điểm và thời điểm cho phù hợp. Có việc cần phải mời ra trụ sở có công an tham dự, có việc tổ chức ở nhà văn hóa, có việc tổ chức ở nhà tổ trưởng hoặc tổ phó hoặc ở nhà một trong các bên mâu thuẫn. "Nếu làm tốt công tác chuẩn bị thì kết quả hòa giải đã đạt được tới 70-80%" – chị Tú nhấn mạnh.

Chị Phạm Thị Cúc Tú (người thứ 2 từ phải sang) tham gia hiến máu tình nguyệnChị Phạm Thị Cúc Tú (người thứ 2 từ phải sang) tham gia hiến máu tình nguyện

Sau khi hòa giải, người tổ chức hòa giải cần theo dõi, gặp gỡ các bên để xem họ có thoải mái không, đồng thời, những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo cần phải giải quyết đến tận cùng để các bên cảm thấy thoải mái và tự nguyện.

Nhiều năm nay, chị cùng với các thành viên khác trong Ban hòa giải phối hợp giải quyết rất nhiều vụ việc từ chuyện hàng xóm tranh chấp lối đi; các cặp vợ chồng xích mích “đá thúng đụng nia” do bất đồng quan điểm, lối sống đến chuyện lớn hơn là tranh chấp đất đai, nhà cửa... Khi tham gia hòa giải, chị và các thành viên khác trong Ban luôn đặt chữ tình, chữ tâm lên hàng đầu, có như vậy, người trong cuộc mới dịu bớt để cùng nhau giải quyết ổn thỏa vụ việc.

Mới đây, chị Tú cùng các thành viên trong Ban hòa giải đã hàn gắn tình cảm cho vợ chồng anh B và chị H. Hai năm nay, anh B trăng hoa, chơi bời, chẳng lo làm ăn. Thấy chồng mình thay đổi, chị H góp ý khiến cả hai xung đột, cãi nhau và làm đơn ly hôn. Biết việc, chị Tú cùng Ban hòa giải đã tìm hiểu sự việc, xác định nguyên nhân dẫn đến gia đình anh B và chị H lục đục, lựa chọn thời điểm thích hợp để gặp gỡ anh B và chị H tiến hành hoà giải. Về phía anh B, chị phân tích, là đàn ông, anh phải là người trụ cột và là tấm gương soi cho con cái trong gia đình, nghĩ ra việc lớn để giúp vợ con ổn định cuộc sống, cùng vợ có trách nhiệm với gia đình. Chị vận dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để phân tích, giúp anh nhận ra cái sai của mình, đồng thời vun đắp lại mối quan hệ gia đình. Về phía chị H, chị Tú khuyên chị nên tinh tế, khéo léo trong việc ứng xử khi chồng mắc lỗi. Từ đó, chị Tú và Ban hoà giải đã chỉ ra điểm mấu chốt trong mâu thuẫn, nói đến nỗi khổ của con cái khi hai con đang cần đến tình cảm, sự chăm sóc của bố mẹ. Anh chị hứa sẽ có trách nhiệm với bản thân, gia đình nên rút đơn ly hôn để gia đình lại hạnh phúc như xưa. Sau hai tuần tích cực hoà giải, chị Tú và Ban hoà giải đến thăm gia đình anh B và chị H ai cũng phấn khỏi khi được chứng kiến một bầu không khí vui vẻ, quây quần.

Chị Phạm Thị Cúc Tú (người đứng giữa) tặng quà cho hội viên phụ nữ trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19Chị Phạm Thị Cúc Tú (người đứng giữa) tặng quà cho hội viên phụ nữ trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19

Chị Tú cho biết, để nâng cao năng lực hòa giải cho phụ nữ, Hội đã quan tâm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội làm công tác hoà giải, để chị em phát huy vai trò của mình. Nhờ đó, Hội đã góp phần giải quyết kịp thời, dứt điểm nhiều vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng, ổn định tình hình an ninh trật tự ở phường, xây dựng gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hoá.

Bên cạnh chỉ đạo các chi hội tham gia tích cực vào các Ban hoà giải ở khu dân cư, Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc còn đẩy mạnh thực hiện những chương trình xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; CLB phụ nữ với pháp luật; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề về tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, các văn bản luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ và trẻ em... Qua đó giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn hạnh phúc gia đình, thực hiện tốt hơn vai trò, chức trách của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Hàng năm, gia đình chị Tú đều đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", bản thân chị 2 năm liền 2019 – 2020 được UBND Thành phố khen tặng “Người tốt, việc tốt” và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành khác.

NGUYỄN THỊ HẢI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.