Nữ giáo viên yêu nghề, say mê làm việc thiện

Phạm Thị Hường
Chia sẻ

(PNTĐ) - Công việc của nhà giáo không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức một cách đơn thuần mà còn là người truyền cảm hứng, khơi dậy ngọn lửa đam mê, khát vọng khám phá, chiếm lĩnh tri thức ở các thế hệ học trò.

Nhà giáo còn là người có trái tim bao dung, nhân hậu, giàu lòng vị tha mới thực sự in dấu trong lòng người. Một trong những tấm gương như thế, phải kể đến cô Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1975, giáo viên Hoá - Sinh, Thạc sỹ, trưởng bộ môn Hoá Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội.

Người giáo viên tâm huyết với nghề

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hoá - Sinh, cô Hạnh về dạy tại Trường THCS Phú Diễn (trước đây là Trường THCS Thị trấn Cầu Diễn). Đây là ngôi trường có truyền thống dạy tốt học tốt trong quận nên cũng là một thử thách không nhỏ đối với giáo viên trẻ. Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, chịu khó, ham học hỏi, cô đã nhanh chóng hoà nhập và thích nghi với môi trường mới. Như một hạt giống tốt được gieo vào mảnh đất màu mỡ, cô Hạnh đã phát huy được năng lực và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”. Trải qua 26 năm cống hiến hết mình cho tình yêu nghề nghiệp, cô đã trở thành một nhà giáo có chuyên môn vững vàng, nhiều năm được phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa của quận thi cấp Thành phố đạt giải cao, liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

Nữ giáo viên yêu nghề, say mê làm việc thiện - ảnh 1
Cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh và các em nhỏ vùng cao.

Cô Hạnh tâm sự: Cô rất yêu nghề giáo. Mỗi giờ lên lớp, được truyền tải kiến thức cho các em học sinh cô rất hạnh phúc. Cô cũng hiểu rằng, mình đang góp phần nhỏ đào tạo ra những công dân có ích, có trí thức, sau này lớn lên sẽ đóng góp xây dựng Thủ đô, đất nước. Vì vậy, cô luôn nỗ lực trau dồi kỹ năng, để mỗi giờ dạy của mình đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Đến nay, càng đứng lớp, cô càng yêu nghề hơn và thấy mình đã có một lựa chọn đúng đắn. Và thành công trong nghề của cô, hơn cả những danh hiệu, mà là thành công của các học sinh thân yêu.

Đồng cảm với những mảnh đời còn khó khăn

Không chỉ là một nhà giáo có năng lực chuyên môn vững vàng, cô Hạnh còn là người có trái tim nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, luôn day dứt xót xa về những mảnh đời thiệt thua, kém may mắn. Vì vậy, ngay từ những năm mới ra trường, từ một cô giáo trẻ, cô đã tham gia làm từ thiện

Với tâm niệm “hạnh phúc là sẻ chia”, cô đã không ngừng kết nối với các nhà hảo tâm để giúp được nhiều người có hoàn cảnh đáng thương. Nhóm từ thiện “Hạnh phúc” do cô sáng lập năm 2011 ở quận Bắc Từ Liêm. Địa điểm từ thiện chính là Khoa Tim mạch - Bệnh viện E Hà Nội. Cứ đều đặn vào cuối tuần, cô Hạnh cùng các thành viên trong nhóm lại đến phát cháo dinh dưỡng cùng bánh mì, sữa… cho những bệnh nhân đang điều trị dài ngày ở đây. Hình ảnh đó đã trở nên rất đỗi quen thuộc và thân thương đối với bệnh nhân và các y bác sĩ. Cô còn đi đến tận giường bệnh, tặng quà và động viên tinh thần cho những bệnh nhân nặng. Những túi quà đó không chỉ có giá trị vật chất mà còn thấm đượm tình yêu thương chia sẻ.

Nhóm từ thiện “Hạnh phúc” ngày càng lan tỏa rộng rãi, được nhiều người biết đến và tình nguyện tham gia, ủng hộ. Người có của, người góp công. Chính vì vậy địa bàn hoạt động của nhóm đã được mở rộng đến các tỉnh, đối tượng cần giúp đỡ cũng nhiều hơn.

Nữ giáo viên yêu nghề, say mê làm việc thiện - ảnh 2
Chị Hạnh trong một chương trình từ thiện.

Tháng 5/2022, cô Hạnh đã kết hợp với Hội Chữ thập đỏ phường Cổ Nhuế 2 – Bắc Từ Liêm để thăm hỏi và tặng quà cho “Trung tâm điều dưỡng Thương binh” ở huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Đón nhận những túi quà đã được chuẩn bị chu đáo bằng tấm lòng yêu thương trân trọng, những người thương binh và cả những y, bác sĩ đều không khỏi rưng rưng xúc động.

Đầu xuân năm 2022, 2023, nhóm của cô Hạnh đã lên thăm những bệnh nhân ở Trung tâm Tâm thần Vĩnh Phúc. Tại đây, nhóm đã tặng quà là những đồ ăn thiết thực như mì gạo, nước mắm, lạc, bột canh cùng nhiều quần áo các loại. Cô chia sẻ: “Nhìn những gương mặt ngây ngô, ánh mắt thất thần, lúc khóc lúc cười mà trong lòng tôi không khỏi xót xa, quặn thắt”. Chỉ có trái tim yêu thương giàu lòng trắc ẩn mới cảm thông và thấu hiểu đến tận cùng nỗi khổ đau của người khác như vậy.

Và vào những ngày giáp Tết Nguyên đán hàng năm luôn là thời điểm cô Hạnh tất bật hơn cả để kịp trao những suất quà cho nhiều người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân da cam để phần nào làm vơi bớt khó khăn và xoa dịu nỗi đau, góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc được đón năm mới cho mọi người.

Điều đáng nói nhất là trong thời gian đỉnh dịch Covid – 19 đầy căng thẳng âu lo, khi người người, nhà nhà phải tuân thủ sự cách li toàn xã hội thì cô Hạnh cùng nhóm thiện nguyện vẫn trên từng cây số để làm công việc thiện nguyện. Những chuyến xe chở đầy gạo, rau tươi cùng nhiều đồ ăn thiết yếu khác cứ liên tục được chuyển đến trao tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ việc ở nhà.

Nữ giáo viên yêu nghề, say mê làm việc thiện - ảnh 3
Chị Hạnh tham gia tặng quà cho các bệnh nhân.

Và luôn hướng đến trẻ em vùng cao

Là một giáo viên, cô Hạnh hiểu được nỗi khó khăn, vất vả, thiếu thốn của những học sinh vùng sâu vùng xa trong hành trình đến với con chữ đầy nhọc nhằn và gian nan. Thương nhất là những đứa trẻ trong mùa đông giá lạnh, vẫn phong phanh manh áo mỏng, mặt mũi tím tái, đôi chân trần tê buốt phải vượt qua cả quãng đường dài hun hút gió để đến trường. Mỗi con chữ phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu nữa. Hiểu được nỗi cực nhọc thiếu thốn trăm bề của trẻ em vùng cao, trái tim người làm từ thiện không khỏi nhói buốt. Chính điều đó đã thôi thúc những bước chân thiện nguyện trong nhiều năm qua đã vượt qua những cung đường xa xôi hiểm trở để mang chút hơi ấm tình thương đến với học trò ở các điểm trường như Yên Minh - Hà Giang, Sín Chéng - Lào Cai. Những đồ dùng thiết thực nhất đã được chuẩn bị chu đáo chẳng khác nào tấm lòng người mẹ lo cho con như áo ấm, chăn gối, sách vở, xe đạp, bánh, sữa… Nhìn những đôi mắt lấp lánh niềm vui cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt trẻ thơ mà trong lòng các cô cũng ngập tràn hạnh phúc. Đó là động lực to lớn để những người làm từ thiện tiếp tục hành trình “gieo nhân ái, gặt yêu thương”.

Mùa đông năm 2023, 2024, cô Hạnh cùng nhóm “Từ thiện Hạnh phúc” của mình liên tiếp có những chuyến đi lên vùng cao để mang đến sự ấm áp cho bà con nơi đây, nhất là trẻ em. Trong cái lạnh như cắt da cắt thịt của vùng rừng núi, những chiếc áo khoác, khăn mũ, giày, tất… cùng trái tim yêu thương đã sưởi ấm những đôi môi tím tái, những bước chân tê dại, những manh áo phong phanh của trẻ trong gian nan nhọc nhằn đi tìm con chữ.

Trong những tháng qua, cô Hạnh càng bận rộn hơn với những chuyến đi từ thiện vùng sâu vùng xa. Với lòng yêu thương con trẻ, cô Hạnh cùng nhóm của mình đã hỗ trợ bữa ăn trưa cho 51 em bé ở Trường Mầm non tỉnh Bắc Cạn với niềm vui mang tên “Hạnh phúc chăm em”. Và thời gian gần đây, đều đặn vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, cô Hạnh cùng các thành viên trong nhóm từ thiện của mình lại nấu cháo và phát cháo cùng bánh mì, sữa cho các bệnh nhân ở Bệnh viện E Hà Nội.

Hành trình thiện nguyện của cô ở phía trước còn trĩu nặng những ân tình mà cô mong muốn là “nhịp cầu nhân ái”, đem yêu thương lan toả đến muôn nơi!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

(PNTĐ) - Marwa Al-Mamari, một kỹ sư hàng không vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), không chỉ đạt được thành tựu cá nhân đáng nể mà còn đang nỗ lực truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ trong khu vực theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM).
Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

(PNTĐ) - Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết tới là nơi duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thương hiệu của làng nghề ngày càng được khẳng định.
Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

(PNTĐ) - Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội chuyển biến ngày một phức tạp là một thách thức cần có những giải pháp tổng thể.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

(PNTĐ) - Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng phát triển cả về lượng và chất, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Những thành quả ấy đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, cho thấy sự đúng đắn trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.