Nữ luật sư của các trẻ em
(PNTĐ) - Cùng với các đồng nghiệp, nhiều năm qua, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, giám đốc công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tích cực tập huấn tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng tại nhiều trường học ở Hà Nội. Nhận thấy việc bổ sung về kiến thức pháp luật đối với trẻ em, người chưa thành niên là rất quan trọng, chị quyết định hỗ trợ pháp lý cho trẻ em hoàn toàn miễn phí.
Nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em
Điểm lại những vụ việc mình từng tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, chị Hảo nhớ lại thời điểm năm 2022, chị đã tham gia trợ giúp pháp lý 4 vụ án hình sự. Tháng 6/2022, chị bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân là bé L.H.A tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, trong vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Bị cáo Lê Thành Công khi dạy con học đã dùng que tre và gậy gỗ đánh nhiều lần dẫn đến bé L.H.A tử vong. Tháng 8/2022, chị tham gia hỗ trợ pháp lý cho ông Đ.V.C và gia đình trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con ông là Đ.T.K nghi bị đánh chết vào ngày 29/5/2022. Từ tháng 8/2022 tới nay, luật sư Phạm Thị Bích Hảo là người trợ giúp pháp lý cho các trẻ em bị lừa đảo qua mạng xã hội, đã có cháu đòi lại được tiền bị lừa, có cháu phía công an vẫn đang trong quá trình điều tra. Tháng 11/2022, chị Hảo tham gia bào chữa cho 1 trẻ em là bị cáo trong một vụ án cướp giật tài sản.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho biết, chị bắt đầu hỗ trợ tuyên truyền pháp luật cho trẻ em từ năm 2014. Thời gian đầu khi còn tham gia làm luật sư cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, chị cùng các luật sư đã tham gia tuyên truyền pháp luật tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, rồi các xã thuộc huyện Đan Phượng, Phú Xuyên (TP. Hà Nội). “Khi tham gia vào Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tôi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trẻ em, trong đó có ý kiến về vấn đề bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Sau đó, tham dự tập huấn Luật Trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức để có thể nắm rõ các điều khoản nhằm trợ giúp pháp lý cho trẻ em tốt hơn”.
Một thời gian dài theo nghề luật sư, chị Hảo nhận ra, ngoài những điểm mạnh là tham gia hòa giải trong tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, thì khả năng tuyên truyền pháp luật của chị cũng rất tốt. Bởi thế, bên cạnh việc hành nghề luật sư, chị vẫn cố gắng dành thời gian cho nghiên cứu và tuyên truyền pháp luật và khá thành công trong tuyên truyền pháp luật đất đai, tuyên truyền pháp luật đối với học sinh các trường. Chị cũng thực hiện thành công cùng các đồng nghiệp Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trong tổ chức phiên toà giả định tại các trường.
Theo luật sư Bích Hảo, hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp là hình thức chủ yếu và đạt nhiều hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất thì báo cáo viên phải có kiến thức pháp luật sâu rộng, không chỉ vậy còn phải được đào tạo về giọng nói, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thu hút người nghe. Vì vậy, việc tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo về kỹ năng tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật là điều cần thiết, nhất là đối với trẻ em, người chưa thành niên. Cũng từ đam mê ấy, chị quyết đinh hỗ trợ pháp lý miễn phí cho trẻ em, đưa pháp luật đến gần hơn với các em, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, giảm tình trạng trẻ em phạm tội cũng như trở thành bị hại do thiếu hiểu biết pháp luật, góp phần xây dựng thế hệ trẻ em hiểu biết pháp luật, sau này trở thành những công dân tốt, có ích cho Thủ đô.
Khát khao được bảo vệ công lý
Chị Hảo tâm sự rằng, luật sư là một nghề khá nguy hiểm với phụ nữ, đòi hỏi lòng dũng cảm, sự quyết đoán, thậm chí phải hy sinh thời gian dành cho gia đình. Vì vậy, các bạn nữ trẻ với mong muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành Luật cần có một ý chí vững vàng, sự quyết tâm và cái tâm với nghề, không nên vì những khó khăn trước mắt mà từ bỏ, chỉ khi nỗ lực đến cùng chúng ta mới có thể đạt được thành tựu trên hành trình bảo vệ công lý và lẽ phải này. Chị cũng chia sẻ nữ giới làm luật sư thường có nét riêng, phụ nữ thường mang vẻ dịu dàng, nhẹ nhàng hơn nam giới và trong nghề luật cũng không phải là ngoại lệ. Các nữ luật sư sẽ có được sự ân cần, chu đáo, mềm mỏng hơn trong việc lắng nghe và nhẹ nhàng khi đưa ra các phương án bào chữa hoặc tư vấn.
Ngoài mơ ước, khát khao được bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân thì một điều quan trọng khác cũng truyền cảm hứng cho luật sư Phạm Thị Bích Hảo theo đuổi nghề này chính là điểm tựa từ gia đình. “Khi quyết định theo nghề luật sư, bố mẹ và gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ với quyết định này của tôi. Trong suốt hành trình bảo vệ công lý, tôi may mắn có được sự ủng hộ, hậu thuẫn gia đình, đó cũng chính là một trong những động lực để tôi vững tin trên chặng đường đầy thử thách này”.
Nữ giám đốc công ty Luật TNHH Đức An bày tỏ, đội ngũ nữ luật sư ngày càng tham gia tích cực vào các vụ án chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí. Hoạt động của luật sư nữ dần mang tính chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ nữ luật sư tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính; tham gia tư vấn cho doanh nghiệp, xây dựng và tuyên truyền pháp luật. “Trong tương lai, tôi mong muốn phụ nữ trong ngành luật nói riêng và trong xã hội nói chung được tạo điều kiện thuận lợi để có những cơ hội học tập, trao đổi và rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Các luật sư nữ sẽ có môi trường cũng như điều kiện được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và được đào tạo để ngày càng hoàn thiện bản thân. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, kết nối các nữ luật sư trên tinh thần đoàn kết, gắn bó, tôn vinh, đồng hành cùng các nữ luật sư thắp sáng ngọn đèn trên hành trình theo đuổi sự nghiệp của họ”, luật sư Bích Hảo chia sẻ.